04/03/2022 05:58 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi ứng viên vô địch CLB Hà Nội vẫn chưa xuất trận vì các vấn đề liên quan đến dịch bệnh Covid-19, thì HAGL thậm chí không ghi nổi 1 bàn sau 2 trận đấu với Nam Định và SLNA. Trong một diễn biến khác, Hải Phòng lại một lần nữa xuất phát rất nhanh, hệt như 2 mùa giải gần nhất.
V-League 2022 mới ở vạch xuất phát và sau 4 lượt trận, giải đấu sẽ tạm nghỉ 4 tháng (từ tháng 3 đến 7/2022) để nhường sân cho các ĐTQG. Có lẽ không giải VĐQG nào trên thế giới lại nghỉ ngắt quãng lâu đến vậy, thậm chí nghỉ giữa 2 mùa giải nhiều nhất cũng chỉ 3 tháng, nhưng đấy mới là bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam.
Năm ngoái, cơ bản là vấn đề dịch Covid-19, nhưng chính sự bị động về thời gian và thiếu các phương án xử lý khủng hoảng, mà VFF cũng như nhà tổ chức VPF đã đi đến một quyết định lịch sử: Hủy bỏ toàn bộ kết quả của mùa giải chuyên nghiệp dù đã chạy được 1/2 chặng đường. Tất nhiên, vẫn có sự tham khảo với các đội bóng, nhưng là ở cái thế đã rồi.
Hệ lụy là, các bản hợp đồng cầu thủ, HLV, trong đó bao gồm phí lót tay cũng như lương thưởng, gây nhiều bất cập. Nhiều CLB cho đến bây giờ vẫn không thể giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn này. Cầu thủ chịu thiệt, mà đội bóng cũng thất thoát rất nhiều nguồn thu, trong đó có các hợp đồng tài trợ.
Việc dung hoà giữa lợi ích của các ĐTQG và CLB luôn không đơn giản. Nếu các ĐTQG là đầu ra của nền bóng đá, thì hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp chính là bộ mặt, là cơ thể của nền bóng đá vậy. Khi cơ thể không khoẻ mạnh, thử hỏi sức mạnh đầu ra kéo dài được bao lâu? Thành tích tốt của các ĐTQG trong 3-4 năm qua, thật ra chỉ là hớt váng của một đôi lứa cầu thủ tốt đang vào độ chín. Tức nó chỉ là hiện tượng, chứ không phải bản chất và đương nhiên khó thể bền cho được.
Bằng mọi cách phải chăm lấy phần gốc, phần thân của nền bóng đá, với cụ thể là đào tạo trẻ và hệ thống thi đấu giải quốc gia. Nếu chỉ vì đội tuyển trẻ như U22 hay U23 quốc gia tập trung thi đấu giải trẻ, mà ngắt quãng quá lâu giải chuyên nghiệp, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.
VFF và những nhà điều hành nền bóng đá phải tính toán lại và phải thay đổi tư duy kiểu cũ. Ngay cả ĐTQG cũng không cần tập trung quá lâu cho 1-2 trận đấu thuộc Vòng loại FIFA World Cup. Các nền bóng đá phát triển, họ chỉ tập trung 1-2 tuần cho giải đấu hay các trận đấu chính thức của đội tuyển và giải VĐQG của họ cũng chỉ nghỉ bằng với ngần ấy thời gian.
Trở lại với V-League 2022, các đội bóng sẽ phải chuẩn bị các kế hoạch tập luyện - thi đấu (giao hữu) với nhau, trong khoảng thời gian 4 tháng tới, đặng có thể duy trì được phong độ. Nhưng nếu chỉ tập chay và đá giao hữu, cũng là rất hao tốn nguồn kinh phí mà lại chẳng ra sản phẩm gì sất. CLB nào có điều kiện kinh tài không nói làm gì, nhưng đội "nhà nghèo" hẳn phải thắt lưng buộc bụng.
Đã có ít nhất 2 trận đấu ở mùa giải năm nay không thể tổ chức vì quá nửa đội hình nhiễm Covid-19, thứ nhất là trận Hà Nội - Đông Á Thanh Hoá và trận derby Thủ đô giữa Viettel và Hà Nội. Không có gì đảm bảo sẽ không có thêm trận đấu nào bị hoãn nữa trong 2 lượt trận tới và thậm chí sau 4 tháng giải đấu tạm hoãn nhường sân cho các ĐTQG. BTC đã sẵn những phương án nào rồi?
Vẫn có câu, đường dài thử sức ngựa. Và đường dài, với những "sự cố" ngoài ý muốn xảy ra, cũng chính là thử tài xử lý của BTC giải. Không thể "bí dí chốt" hay "nước tới chân mới nhảy" được, khi hai năm qua, chúng ta đã có đủ những bài học, kinh nghiệm xương máu rồi. Thay đổi hay điều chỉnh, với sự thống nhất của các CLB, lúc này vẫn kịp, thay vì sự bị động.
CCKM
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất