02/03/2023 10:18 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Mặc dù đã cho con nhỏ ngừng bú chừng 2 năm, thế nhưng người phụ nữ 40 tuổi lại bị tắc tuyến sữa và phải phẫu thuật, khoét bỏ một phần ngực.
Mới đây, BS. Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết vừa phẫu thuật cho 2 trường hợp áp xe vú do tắc tuyến sữa dù cả 2 đã dừng cho con bú nhiều năm.
Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân H (40 tuổi, Hà Nội) đã cai sữa 2 năm, hiện nay con nhỏ đã hơn 3 tuổi. Chị H cho biết, trước khi vào viện 2 tuần, chị H bị đau vú trái đồng thời sưng to, đỏ, căng bóng, đau kèm ngứa và đau như bị tắc tia sữa. Nhưng vì nghĩ cai sữa đã 2 năm nên không thể bị tắc tia sữa. Chị lo sợ mình bị ung thư vú. Sau 2 tuần bị đau vú trái, chị tới bệnh viện kiểm tra khi khối áp xe sắp vỡ, nên phải tiến hành mổ cấp cứu trước khi bị vỡ.
Chị H chia sẻ, trước đây, khi cho con bú, chị rất ít sữa, một bên ngực trái bị tụt núm vú nên chị gần như không cho con bú bên vú trái. Trong quá trình nuôi con, chị chưa bao giờ có nhiều sữa và bị áp xe vú.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân M (27 tuổi) đã cai sữa 1 năm, hiện nay con chị 2,5 tuổi. Chị H cho biết, khi nuôi con, chị nhiều sữa nhưng cho con bú không đều cả 2 bên do một bên núm vú bị tụt.
Tháng 8/2022, chị H thấy một bên ngực trái đau, nóng, sưng đỏ. Chị đi khám bác sĩ sản khoa, bác sĩ chẩn đoán đây là khối áp xe nhưng cũng có thể là ung thư vú đang trong giai đoạn phát triển. Bác sĩ chỉ định cho chị uống kháng sinh nhưng không thấy ổ áp xe đỡ nên chỉ định cho chị đi chụp cộng hưởng từ. Sau đó, chị được mổ áp xe vào tháng 8/2022. Tuy nhiên, gần đây, chị lại thấy xuất hiện triệu chứng bị áp xe ở chính bên ngực trái. Lần này, chị vào bệnh viện Đại học Y Hà Nội để điều trị.
Theo BS Ngô Văn Tỵ, hai trường hợp bệnh nhân H và M kể trên do khối áp xe lớn, có những vết hoại tử trên da nên phải tiến hành mổ cấp cứu. Bác sĩ tiến hành mổ gây mê, quá trình mổ diễn ra khoảng 30 phút mỗi bệnh nhân. Vết mổ sẽ để hở một vài ngày để vệ sinh lấy hết các tổ chức mủ rồi sau đó mới tiến hành khâu lại.
Bác sĩ Tỵ cho biết, trường hợp bị áp xe vú khi đã cai sữa thời gian lâu như hai bệnh nhân kể trên là điều rất lạ kể cả với những bác sĩ chuyên khoa vú. Áp xe vú là bệnh lý nhiễm trùng thường xuất hiện sau sinh 3-8 tuần. Sau thời gian cai sữa, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng trên 10%.
Nếu người bệnh không phẫu thuật kịp thời và để khối áp xe vú tự vỡ thì có thể dẫn đến biến chứng nặng như nhiễm khuẩn huyết, suy thận, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu, hoại tử các chi, nguy hiểm đến tính mạng. Vùng bị hoại tử sẽ lan rộng, mất rất nhiều thời gian để hồi phục, hình thành sẹo xấu, sẹo co rúm sau này...
BS Tỵ cũng cho hay, chế độ dinh dưỡng đối với bệnh nhân sau khi phẫu thuật áp xe vú cũng rất đặc biệt: Sau mổ, bệnh nhân cần ăn các thức ăn gây lồi sẹo ví dự như rau muống. Ăn nhiều rau muống và thịt bò, đạm để làm đầy nhanh phần thịt bị khoét bỏ và tiến hành khâu kín vết thương.
BS Tỵ cho biết, có những trường hợp phải cắt bỏ, khoét đi tới khoảng 1/3 vú do bệnh nhân để lâu, khối áp xe quá lớn, gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Sau phẫu thuật, kích thước bầu ngực sẽ chênh lệch rõ rệt.
Theo bác sĩ Tỵ, dấu hiệu phát hiện áp xe vú là: Vú sẽ xuất hiện các nang giống túi chứa đầy mủ, bao quanh bởi các mô viêm; Người bị áp xe vú thường dễ mệt mỏi, đau từ ngực lan ra sau lưng, lan sang bả vai và cánh tay; Vùng da trên ổ áp xe sưng nóng, căng tức, phù tím, có thể sốt cao, rét run, môi khô, đau đầu, sữa có thể lẫn mủ chảy qua núm vú.
"Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới bị áp xe vú là do quá trình cho con bú không đúng cách. Để phòng tắc tia sữa dẫn đến áp xe, người mẹ nên massage nhẹ nhàng, cho con bú sớm ngay sau sinh, bú thường xuyên và bú đúng tư thế. Nên cho trẻ bú hết sữa và luân phiên hai bên vú, nếu không, phải vắt hết sữa thừa sau mỗi lần con bú. Vệ sinh núm vú đúng cách và sạch sẽ trước và sau khi cho con bú", BS Tỵ cho hay.
Ngoài ra, đối với các bà mẹ đang cho con bú, khi ngực căng, có dấu hiệu tắc sữa không thể cho con bú, sản phụ có thể chườm mát hoặc massage ngực để thông sữa trở lại. Có thể thông tắc sữa bằng máy hút sữa hoặc làm mềm ngực bằng máy vật lý trị liệu như đèn hồng ngoại, sóng siêu âm. Khi có vết đỏ, sưng hay đau vùng ngực; núm vú bị tụt vào trong hay có dịch mủ chảy ra từ núm vú; cảm thấy đau khi cho con bú; cơ thể sốt, lạnh run... nên đi khám sớm. Tùy thuộc vào mức độ, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh, kháng viêm hoặc can thiệp như chích rạch hay chọc hút, tránh để ổ áp xe lan rộng. Chú ý, các mẹ không cai sữa sớm, khi cai sữa, nên giảm dần số lượng và số cữ bú từ từ.
Đối với phụ nữ nói chung cần tránh làm nứt hoặc xước núm vú, tạo điều kiện vi khuẩn xâm nhập làm viêm tuyến sữa. Nên mặc áo ngực phù hợp, vừa vặn... để tránh gây tổn thương vú.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất