Nỗ lực đưa sân khấu đến gần khán giả của nhà hát xã hội hóa đầu tiên tại Hà Nội

16/07/2015 08:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc đến hai từ “nhà hát”, không ít khán giả vẫn coi đây là không gian giải trí xa lạ bởi những chương trình biểu diễn quá cao siêu, khó hiểu hoặc không mấy hấp dẫn.

Lý do nhà hát vắng bóng khán giả

Trong những năm vừa qua, cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội thì nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu đã có rất nhiều thay đổi. Các sân khấu đã dần hình thành một làn sóng mới những tác phẩm là kết quả của sự hòa trộn liên ngành giữa nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như hội họa, điêu khắc, múa, phim ảnh, âm nhạc, nghệ thuật thị giác, v.v….

Tuy nhiên, không phải sản phẩm mới nào cũng nhận được sự ủng hộ từ khán giả. Có những chương trình khiến cho công chúng thưởng ngoạn nghệ thuật mà không khỏi cảm thấy khó hiểu. Phần giới thiệu thông điệp của các nghệ sỹ thì đao to búa lớn với những hàm nghĩa nhân văn cao cả, còn tác phẩm hiện hữu trên sân khấu thì quả là… khó nói. Người xem nhăn trán nhíu mày cố cảm nhận, cố suy tư, v.v… rồi “ồ, à”… mà cuối cùng vẫn chả hiểu nghệ thuật ở đâu và như thế nào. Khán giả đến nhà hát, xem biểu diễn để được giải trí nhưng cuối cùng lại bị “đánh đố” vì những điều có vẻ quá cao siêu, bác học.


Một cảnh trong vở múa đương đại “Con tạo xoay” được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng vẫn khá khó hiểu với đại đa số khán giả

Song song với những đổi mới chưa thành công, hiện vẫn tồn tại cả những sân khấu do không được đầu tư đúng mức, dẫn đến sự hời hợt về sức sáng tạo hoặc quy mô tổ chức, biểu diễn.

Một cảnh trong vở kịch thể nghiệm “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Nhà hát Tuổi trẻ. Sau 10 năm du nhập vào Việt Nam, loại hình kịch này có rất ít cơ hội lên sân khấu biểu diễn do không có kinh phí đầu tư.

Hai nguyên nhân này khiến đời sống của các nhà hát rơi vào “kỳ ngủ đông” dài, không thể cạnh tranh nổi với rất nhiều loại hình giải trí hiện đại mới ra đời thu hút đông đảo các tầng lớp khán giả.

Nghệ thuật phải lắng nghe khán giả

Một trong những điểm yếu nhất của các chương trình nghệ thuật tại Việt Nam đó là không hướng tới cảm xúc của khán giả. Sự kiến tạo ý tưởng của người nghệ sĩ dẫu được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng khán giả không đón nhận thì sản phẩm đó cũng sẽ trở nên vô nghĩa.

Bởi vậy, bài toán khán giả đối với các nhà hát chính là phải tạo ra được các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của công chúng. Người nghệ sĩ phải có những sản phẩm đủ sức hấp dẫn lôi kéo khán giả đến với nhà hát trước rồi mới bàn tới chuyện sáng tạo những tác phẩm cao siêu, trừu tượng.

Nỗ lực từ đơn vị đầu tư xây nhà hát xã hội hóa đầu tiên tại Hà Nội

Hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư cho các nhà hát, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật theo phương thức xã hội hóa, Công ty Cổ phần Ngôi Sao Thiên Hà triển khai dự án xây dựng nhà hát tại 87 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội. Đồng thời, đơn vị này cũng sẽ chủ động xây dựng nội dung cho các chương trình biểu diễn và kế hoạch kinh doanh để đảm bảo duy trì hoạt động cho nhà hát.

Đây là một thách thức không nhỏ đối với đơn vị chủ đầu tư và đối với cả ê kíp sản xuất dàn dựng chương trình. Được biết, nhà hát hiện đang hoạt động để chuẩn bị cho một chương trình biểu diễn giải trí mới sẽ ra mắt trong thời gian tới. Trao đổi với chúng tôi, đại diện của dự án cho biết mục tiêu của chương trình này đảm bảo cân đối được giữa yếu tố sáng tạo của ê kíp nghệ sỹ và cả nhu cầu giải trí, thưởng thức những màn trình diễn mới lạ, độc đáo của khán giả. Toàn bộ những hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và kĩ xảo sân khấu rất công phu của chương trình đang được khẩn trương hoàn tất và bảo vệ hình ảnh nghiêm ngặt.


Toàn cảnh tòa nhà Star Galaxy Theater & Convention

Sân khấu dạng bán nguyệt với hệ thống màn chiếu đa lớp hiện đại, có khả năng tạo ra những hiệu ứng sân khấu đầy bất ngờ.

Một cảnh tập luyện bên trong nhà hát

Với những nỗ lực và sự đầu tư rất quy mô cho lĩnh vực này từ một đơn vị tư nhân đầu tiên tại Hà Nội, hi vọng khi ra mắt, chương trình sẽ tạo được những dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng thủ đô.

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm