21/11/2012 14:04 GMT+7 | Âm nhạc
(Thethaovanhoa.vn) - Trong đêm nhạc MTV Exit ở Hà Nội năm 2010 với sự xuất hiện của Super Junior, nhóm nhạc Hàn Quốc rất được hâm mộ tại Việt Nam, giữa làn sóng chen lấn cuồng nhiệt, có một khán giả buột miệng nói: “Lần này, vẫn may vì không phải là DBSK (Những vị thần phương Đông)”.
Ý của câu nói đó là: Nếu không phải là Super Junior mà là DBSK sang và hát ở sân vận động Mỹ Đình đêm đó thì tình trạng chen lấn sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Đơn giản vì người hâm mộ của DBSK ở Việt Nam rất đông, có thể ước tính là đông hơn hẳn so với các nhóm nhạc Hàn Quốc khác vào thời điểm đó (điều này đã được chứng minh bằng vài cuộc bầu chọn qua mạng vào các năm 2011 và 2012).
DBSK sắp sửa đến Việt Nam vào ngày 29/11 tới, tham gia Đại nhạc hội K-pop nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ hữu nghị Việt Hàn. Dù đúng là cái tên DBSK, nhưng chỉ có 2 người – Yunho và Changmin cũ. 3 người còn lại đã sang Việt Nam hồi tháng 6 năm ngoái, nhưng đã lập thành một nhóm nhạc khác, JYJ.
Đội hình 5 chàng trai đã “tan đàn xẻ nghé” trước khi gặp gỡ người hâm mộ Việt Nam. Đây có lẽ là trường hợp đặc biệt nhất trong số các nhóm Hàn Quốc từng sang Việt Nam.
“Những vị thần” và cuộc chia ly
Họ xuất phát là một nhóm nhạc thần tượng 5 thành viên, năm sinh từ 1986 đến 1988, có tên gọi Dong Bang Shin Ki (viết tắt DBSK), hay còn có tên khác là TVXQ theo tiếng Trung và THSK theo tiếng Nhật. Tất cả những cái tên đều có nghĩa: Những vị thần phương Đông. Cộng đồng người hâm mộ nhóm có tên Cassiopeia (tên một chòm sao có 5 ngôi sao), màu đại diện là màu đỏ.
DBSK trước đây với 5 thành viên (theo thứ tự từ trái sang: Junsu, Yoochun, Jaejoong, Yunho, Changmin); và DBSK hiện tại với 2 thành viên Yunho (phải) và Changmin. |
DBSK thành lập năm 2003, đạt đến đỉnh cao vào quãng 2008 – 2009. Tháng 7/2009, ba thành viên Junsu, Yoochun và Jaejoong (nhóm JYJ sau này) ra đi sau một vụ kiện đình đám với công ty quản lý SM Entertainment (kéo dài đến tận bây giờ chưa ngã ngũ). Hai thành viên ở lại làm thành DBSK hiện tại. Yunho và Changmin – một cách ngẫu nhiên, là những người luôn đứng ở góc phải trong mọi bức ảnh của nhóm 5 người ngày trước.
Hai người này, cao ráo (đều trên 1,8m) và đẹp trai như hai bức tượng, có chỉ số IQ (rất) cao: Yunho 142 và Changmin 150. Thoạt trông có vẻ hoàn hảo, nhưng đến lúc tách nhóm, cả hai mới lộ ra nhiều thiếu sót. Changmin có giọng hát cao vút hiếm gặp thì nhảy nhót bình thường, còn Yunho có tài nhảy ít ai sánh được thì hát hò lại bình thường.
Nhưng DBSK luôn là nhóm nhạc được đánh giá cao về nghị lực. Trở lại làng nhạc vào tháng 1/2011, họ từng bước bù đắp các thiếu sót. Changmin từng nói, trở lại sân khấu sau 2 năm vắng bóng, chỉ có 2 người và cảm thấy hoang mang hơn bao giờ hết, nhưng đó mới là động lực để anh thực sự cố gắng.
Cuộc gặp gỡ muộn màng
Chưa đạt độ gây sốt toàn cầu nhưng DBSK cũng kịp “phủ sóng” Hàn Quốc, Nhật Bản (thị trường khó), Trung Quốc (thị trường rất lớn) và nhiều nước Đông Nam Á, không thể không kể đến Việt Nam. Nhưng thành công của họ có vẻ tuân theo quy luật: ngoại hình đẹp, giọng hát hay, vũ đạo bắt mắt, ý chí phấn đấu và nỗ lực không mệt mỏi. Album nổi tiếng nhất của DBSK (5 người) là Mirotic. Bài hát chủ đề Mirotic cũng là thành công lớn nhất của họ, hát về tình yêu và tình dục (một cách ẩn dụ).
9 năm hoạt động, DBSK xây dựng một cộng đồng người hâm mộ dày dặn, lớp này ra đi thì lớp khác kế tiếp. Ở Việt Nam, có những lứa fan đã trải qua thời niên thiếu và lớn lên cùng với nhóm nhạc này. Hiện họ ở trong độ tuổi 20-25, hơn hoặc kém đôi chút. DBSK và Việt Nam là cuộc hội ngộ khá muộn màng (nhưng cũng không quá đặc biệt vì hầu hết các sao quốc tế khác đều đến Việt Nam khi không còn ở đỉnh cao sự nghiệp).
Nhưng sự muộn màng của DBSK có chút đặc biệt. Nhiều năm rồi, người hâm mộ luôn mong họ đến Việt Nam, nhưng là với đủ 5 người. Hiện tại, khi nhóm tách làm đôi, cộng đồng người hâm mộ cũng bị chia tách. Rất nhiều xích mích đã xảy ra. Nhưng, 29/11 vẫn là ngày đáng mong chờ với Cassiopeia Việt Nam, bởi Yunho và Changmin lần đầu đến đây. Mức độ mong chờ đến đâu thì phải đợi thực tế.
Từng là số 1
Nếu so sánh, âm nhạc của DBSK không thuộc kiểu đột phá hay có nội dung đáng chú ý đến mức gây sốt như Gangnam Style, bài hát nhạc Hàn nổi tiếng nhất hiện nay. Gangnam Style là một thành công bất ngờ hơn hẳn nhưng có giá trị văn hóa xã hội sâu đậm hơn.
Không giống với Psy, DBSK là đại diện tiêu biểu của Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) và từng là nhóm nhạc số 1 của Kpop (bộ phận dẫn đầu và có sức ảnh hưởng nhất của làn sóng Hàn hiện nay), về cả ngoại hình và chất lượng âm nhạc. Đó là quá khứ. Còn hiện tại, ngôi vị nhóm nhạc nam số 1 ở Hàn Quốc có lẽ là Big Bang – nhóm này cũng đã đến Việt Nam vào tháng 4 năm nay, xét về độ nổi tiếng và thành công (không có cuộc bầu chọn chính thức nào cả).
Nói tóm lại, DBSK có một thứ âm nhạc đẹp, hướng tới sự chỉn chu hoàn hảo. 9 năm, vẫn là “những vị thần phương Đông” như bước ra từ trong truyện. Trong khi, đây lại là thời của những gì phá cách, gai góc, cạnh sắc, thậm chí cực kỳ quái đản kiểu Lady Gaga. Ở Hàn Quốc, những nghệ sĩ như Psy hay Big Bang mới có những cái “gai” kiểu như thế.
Riêng Psy, không “điển hình Kpop” chút nào, nhưng chính rapper này là người đang được dự đoán “có thể tạo nên làn sóng Hàn kiểu mới”, theo tờ Korea Herald. Tất nhiên, điều đó chỉ xảy ra nếu Psy có thêm nhiều sản phẩm âm nhạc khác sau Gangnam Style. Nếu chỉ có mỗi một bài này, “làn sóng mới” kia sẽ chết yểu.
Trong số 13 nhóm nhạc và ca sĩ sang Việt Nam dự Đại nhạc hội Kpop vào ngày 29/11, hơn một nửa là những tên tuổi hàng đầu của Kpop và được hâm mộ rộng rãi ở Việt Nam (DBSK, SNSD, Beast, T-ara, Kara, Hyun A…). Nói chung, chương trình đáng “đồng tiền bát gạo” (giá vé cao nhất lên đến 2,5 triệu đồng), xét riêng về danh tiếng của nghệ sĩ.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất