Ngược dòng ký ức, EURO 2004: Thần thoại Hy Lạp

05/06/2012 12:11 GMT+7 | EURO 2024

(thethaovanhoa.vn) - 2004 là một năm điên rồ của làng túc cầu châu Âu khi những đội trung bình khá như Porto và Monaco lọt vào chung kết Champions League, còn tí hon như Hy Lạp giành chức vô địch EURO 2004.

Tỷ lệ cược vô địch của Hy Lạp tại EURO 2004 thuộc diện hời nhất khi chỉ cần bỏ ra một có thể được “ăn” tới 150 nhưng có lẽ ít người dám đầu tư vào đội bóng này. Bởi lẽ trước năm 2004, Hy Lạp chỉ là một dấu chấm nhỏ xíu trên bản đồ bóng đá thế giới với vỏn vẹn hai lần tham dự World Cup (1994) và EURO (1980), thua 5/6 trận, chỉ ghi được đúng một bàn thắng. Thành tích của Hy Lạp tại World Cup 1994 đến nay vẫn thuộc diện tệ hại nhất mọi thời đại khi toàn thua ba trận, để thủng lưới tới 10 lần nhưng không ghi nổi một bàn danh dự. Nhưng những người liều lĩnh đầu tư vào Hy Lạp có thể nhảy cẫng lên sung sướng vì chung cuộc, chú lùn David này đã quật ngã những gã khổng lồ Goliath như Tây Ban Nha, Pháp, Czech rồi Bồ Đào Nha để giành chức vô địch.


Hy Lạp viết nên những câu chuyện thần thoại tại EURO 2004 - Ảnh Getty

Công thức chiến thắng của Hy Lạp không có gì mới mẻ, nếu không muốn nói rằng xưa như trái đất: Khoảng chín cầu thủ tập trung ở nửa phần sân nhà, dựng một chiếc xe bus hai tầng trước khung thành của thủ môn Antonios Nikopolidis, khi có bóng, chuyền thật nhanh cho tiền đạo Zisis Vryzas và đặc biệt là Angelos Charisteas, ghi tới 3/7 bàn của Hy Lạp ở giải này, tự xử lý. Vryzas hay Charisteas cũng thường xuyên lùi rất sâu chứ không “cắm chốt” ở vòng cấm địa đối phương. Chiến thuật này cũng không phải là một vũ khí bí mật của Hy Lạp mà đã được đội này sử dụng ngay từ vòng loại EURO 2004. Khi đó, Hy Lạp dẫn đầu bảng C với vỏn vẹn tám bàn thắng, chỉ bằng Georgia, thua xa cả những đội như đảo Cyprus, Albania hay Macedonia.

Vô địch: Hy Lạp

Á quân: Bồ Đào Nha

Hạng Ba: Czech, Hà Lan

Vua phá lưới: Milan Baros (Czech, 5 bàn)

Vậy tại sao hàng loạt đại gia lại không thể đánh bại được đội bóng tí hon này dù chỉ một lần? Thứ nhất, do đánh giá Hy Lạp quá thấp nên lúc đầu, các đội lớn như BĐN hay TBN có tâm lý coi thường, thi đấu thiếu cảnh giác. Đội duy nhất đánh bại được Hy Lạp tại EURO 2004 là Nga, đội bóng cũng chỉ ngang ngửa với đoàn quân của HLV Otto Rehhagel. Thứ hai, theo HLV Gordon Strachan, khi nhận ra sức mạnh của Hy Lạp, các đội bóng lại đánh giá quá cao đội này, dẫn tới không dám mạo hiểm tăng cường tấn công để gây sức ép lên hàng thủ đối phương. Như trong trận chung kết, BĐN chỉ có một tiền đạo nên các đường chuyền vào trong vòng cấm của tuyến giữa dù rất tốt vẫn dễ dàng bị hóa giải. Czech là đội dám chơi với “song sát” nhưng đáng tiếc, không tận dụng được các cơ hội.

Chiến công của Hy Lạp một lần nữa khẳng định EURO tuy có tính cạnh tranh cao hơn cả World Cup nhưng trong nhiều trường hợp, lại có tính bất ngờ hơn hẳn giải vô địch thế giới. Từ trước tới nay, chưa một đội tí hon nào lọt vào được chung kết World Cup trong khi đó, tại EURO, Đan Mạch đã lên ngôi năm 1992 còn Hy Lạp giành cúp năm 2004. Tuy nhiên, rất đáng tiếc, hai hiện tượng này sau khi viết nên những câu chuyện cổ tích đã sa sút nghiêm trọng, không thể tái lập quá khứ huy hoàng thêm một lần nữa. Thành tích tốt nhất của Đan Mạch từ năm 1992 tới nay là lọt vào tứ kết EURO 2004 (chưa một lần vào được VCK World Cup). Còn Hy Lạp, tại EURO 2008, đội bóng này bị loại ngay từ vòng bảng với thành tích tồi tệ: Thua cả ba trận, ghi một bàn, thủng lưới năm.

Sau thất bại thảm hại của Hy Lạp tại EURO 2008, HLV Rehhagel tỏ ra khá bình thản: “Tôi chia sẻ nỗi buồn của các CĐV, họ luôn kỳ vọng Hy Lạp sẽ tiếp tục gây bất ngờ như 4 năm trước. Nhưng phép màu từng đưa chúng ta đến ngôi vô địch châu Âu như thế chỉ có thể lặp lại theo chu kỳ 30 năm. Nếu nó cứ diễn ra hằng tuần thì đâu còn là phép màu nữa”. Bản thân HLV Rehhagel sau khi rời Hy Lạp cũng không thể giành được những thành công tương tự, thậm chí phải xuống hạng cùng Hertha ở cuối mùa giải vừa qua. Câu chuyện thần thoại của người Hy Lạp và cả ông Rehhagel đã kết thúc năm 2004 và có lẽ rất lâu nữa mới có phần tiếp theo.

Trần Khánh An

Chu kỳ 12 năm?

Chu kỳ thành công của những đội bóng nhỏ tại EURO dường như là 12 năm chứ không phải 30 năm như “lời sấm” của HLV Rehhagel. Bằng chứng là năm 1980, Bỉ, trước đó mới thắng được hai trận đấu quốc tế, đã lọt vào chung kết và 12 năm sau, Đan Mạch bất ngờ giành chức vô địch. 12 năm tiếp theo, Hy Lạp cũng gây nên một cơn địa chấn khác. Theo quy luật này, phải đến EURO 2016 những chàng David mới có thể tái xuất còn giải đấu năm nay vẫn là cuộc chơi của những gã khổng lồ Goliath?

Đội hình tiêu biểu EURO 2004: Những anh hùng áo vải

Rooney và Ronaldo đều tỏa sáng tại EURO 2004. Đội hình tiêu biểu của các kỳ EURO trước đều tràn ngập những ngôi sao hàng đầu thế giới nhưng đội hình lần này lại gồm hầu hết các gương mặt chưa mấy tên tuổi. Trong đội hình tiêu biểu, chỉ có Gianluca Zambrotta và Pavel Nedved đã nổi danh, đạt tới đẳng cấp thế giới. Ricardo Carvalho và Maniche thực tế cũng chỉ mới gây dựng được tên tuổi sau khi giành chức vô địch Champions League cùng Porto.

Cristiano Ronaldo hay Wayne Rooney khi đó cũng được biết đến như những tài năng trẻ hứa hẹn bậc nhất làng túc cầu nhưng chưa đạt tới đẳng cấp ngôi sao. Petr Cech phải đến sau EURO 2004 mới được biết đến rộng rãi và giành được suất đá chính tại Chelsea. Trước đó, “The Blues” mua thủ môn này từ năm 2003 nhưng vẫn cho Rennes mượn bởi đã có Carlo Cudicini xuất sắc hơn.

Milan Baros khi đó ít nhiều được biết đến trong màu áo Liverpool nhưng không thật sự gây ấn tượng (mùa 2003-2004 chỉ ghi nổi hai bàn). Còn những cầu thủ của Hy Lạp trước đây có lẽ không ai biết tên và hiện nay còn ít người nhớ tới.

Thủ môn: Petr Cech (Czech).

Hậu vệ: Traianos Dellas (Hy Lạp), Ricardo Carvalho (Bồ Đào Nha), Giourkas Seitaridis (Hy Lạp), Gianluca Zambrotta (Italia).

Tiền vệ: Maniche (Bồ Đào Nha), Pavel Nedved (Czech Republic), Theodoros Zagorakis (Hy Lạp), Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha).

Tiền đạo: Milan Baros (Czech), Wayne Rooney (Anh).


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm