Chống thuốc lá, cần cả ý thức và chế tài

31/05/2016 06:54 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay, 31/5, là ngày thế giới không thuốc lá và là ngày bắt đầu Tuần lễ quốc gia không thuốc lá. Chuyện thuốc lá tràn lan ở Việt Nam vốn là chuyện dài, biết rồi khổ lắm nói mãi, nhưng vẫn phải nhắc lại. Việt Nam hiện nằm trong danh sách 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới với 15 triệu người hút thuốc.

2/3 phụ nữ và một nửa số trẻ em thường xuyên hút thuốc lá thụ động với tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà trên 67% và tại nơi làm việc là 49%. Số người chết do hậu quả của khói thuốc lá mỗi năm cũng khoảng 40 nghìn người, cao gấp 4 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng gần gấp đôi.

Thuốc lá có hơn 7.000 chất độc hại, nguyên nhân gây hàng chục loại bệnh khác nhau như tim mạch, phổi, làm suy giảm chức năng hô hấp. Đó là chưa kể nó tạo áp lực nặng nề lên toàn bộ hệ thống y tế, bảo hiểm xã hội.

Chính những thứ độc hại này làm đất nước mất đi hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, làm thui chột giống nòi.

Có muôn vàn lý do khiến người ta đến với thuốc lá. Những đứa trẻ bắt đầu thì muốn thử trải nghiệm, thể hiện bản lĩnh tỏ ra trưởng thành hơn. Chúng nghĩ rằng việc cầm điếu thuốc và nhả khói phì phèo là trở thành người đàn ông đích thực.


Hãy nói không với thuốc lá

Thói quen hút thuốc lá dễ lây lan, nhà có bố, có anh là người hút thuốc thì những đứa trẻ học hút thuốc không có gì đáng ngạc nhiên, hoặc có thể ảnh hưởng từ sự rủ rê, khiêu khích của bạn bè.

Thêm nữa, nhiều người nghĩ rằng hút thuốc lá có thể giảm căng thẳng, tỉnh táo khi thức đêm làm việc. Rồi có người gặp chuyện buồn thì tìm đến khói thuốc, buồn cũng hút, vui cũng hút đến khi quen rồi thì không bỏ được.

Hút thuốc lá là hành vi thuộc ý thức của mỗi người. Nhưng cái cơ chế điều tiết hành vi ấy không thể vô can.

Năm 2012, Chính phủ đã ban hành một đạo luật trong đó cấm hút thuốc trong môi trường công sở, bệnh viện, trường học, nhà ga, sân bay và các khu vực công cộng trong nhà.

Điều 13 của đạo luật này quy định rõ, người hút thuốc lá không được hút trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, và người cao tuổi, đồng thời phải giữ vệ sinh chung bằng cách bỏ tàn, mẩu thuốc đúng nơi quy định. Nhưng việc xử phạt mới chủ yếu là... nhắc nhở.

Vì đâu chúng ta là nước sử dụng thuốc lá bên cạnh rượu bia hàng đầu thế giới? Liệu ở đâu mua thuốc lá dễ như ở Việt Nam? Thuốc lá có mặt ở khắp mọi nơi, từ cổng trường, lề đường, quán tạp hóa đến quán nước vỉa hè, hàng cà phê… Dù là thiếu niên hay người trưởng thành, đều có thể mua thuốc lá dễ như mua kẹo.

Trong khi đó ở nước ngoài thì thuốc lá rất đắt và rất khó mua. Các số liệu thống kê cho thấy, chúng ta đang sống trong một đất nước mà bia, rượu, thuốc lá được bán rẻ mạt với giá thấp ở mức kỷ lục.

Ngược lại, chúng ta đang trả chi phí quá cao cho giá thực phẩm, các mặt hàng ăn uống, tiêu dùng hàng ngày nhưng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm… vẫn còn là nỗi nhức nhối. Ví dụ giá bán lẻ sữa Việt Nam đang ở mức cao bậc nhất thế giới.

Giống nòi, tầm vóc thanh niên Việt sẽ ra sao, khi chúng ta vẫn thuộc nước “thấp còi” so với thế giới. Chính những thứ độc hại này không những giết dần giết mòn những người sử dụng mà còn gián tiếp gây bao tác hại khôn lường cho hàng chục triệu người xung quanh.

Lẽ ra giá bia, rượu, thuốc lá tại Việt Nam phải bán đắt hơn giá hiện tại nhiều lần chúng ta mới vận hành giá cả một cách hợp lý để định hướng đúng xã hội. Cứ 10 nghìn một điếu thì đảm bảo phần lớn con nghiện bỏ thuốc hết. Nhưng nước mình lại “chết” cái là khó quản lý được thị trường. Quy định giá cao thì thuốc lá lậu lại tràn lan. Đó lại là vấn đề quản lý của nhà nước, của các cơ quan chức năng.

Khẩu hiệu "Bỏ thuốc lá - Không bao giờ là quá muộn", nhưng với cơ chế quản lý không chặt thì với việc giảm tỉ lệ người hút thuốc lá vẫn phải trông chờ vào ý thức của mỗi người nghiện.

Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm