06/02/2023 19:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Đảo Hòn Bà Vũng Tàu là một điểm đến lâu năm của du khách thập phương trong cả nước. Nơi đây in dấu những niềm tin đẹp, nơi người ta gửi gắm ước nguyện về điều tốt lành đến từ tương lai.
Đảo Hòn Bà, hay còn được gọi là Hòn Bà Vũng Tàu, để phân biệt với Hòn Bà Nha Trang, tọa lạc tại khu Bãi Sau, nằm cách Mũi Nghinh Phong khoảng 200m của TP. Vũng Tàu.
Sinh ra từ biển và đá, Hòn Bà quanh năm sóng vỗ rì rào, khoe mình giữa thiên nhiên đất trời, là một địa điểm du lịch tâm linh được nhiều người tìm đến vãn cảnh, chiêm bái. Có địa thế độc đáo, phải chăng vì điều ấy mà ngôi miếu nhỏ trên Hòn Bà càng thêm linh thiêng?
Lượng người đổ về thăm miếu Hòn Bà ngày Rằm tháng Giêng vừa qua rất đông. Ảnh: Hữu Tài
Trải dài theo năm tháng, miếu Hòn Bà đã trở thành một nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian của người dân Vũng Tàu nói riêng và người dân cả nước nói chung. Không chỉ mang vẻ đẹp giữa thiên nhiên đất trời, miếu Hòn Bà còn mang trong mình cả một khoảng thời gian lịch sử lâu dài.
Theo thông tin tìm hiểu, ngôi miếu nhỏ trên Hòn Bà được xây dựng vào năm 1881 bởi một tín hữu người miền Trung tên là Hồ Quang Minh. Trong những năm tháng lịch sử ấy, vào năm 1939, một sĩ quan Pháp, tên Archinard muốn phá bỏ ngôi miếu. Mặc dù bắn ba phát nhưng chỉ trúng một phát vào góc ngôi miếu. Chẳng lâu sau, do một lần bất cẩn sử dụng súng, viên sĩ quan đã bỏ mạng tại đây. Cũng vì lý do đó mà người Pháp gọi là đảo Archinard. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn gọi là đảo Hòn Bà.
Ngôi miếu được bà con làng Thắng Tam gom góp tu bổ nhiều lần, trong đó nổi bật nhất là năm 1971, một thương nhân đến từ Trà Vinh tên Thanh Phong đã vận động người dân cùng sửa miếu.
Miếu Hòn Bà của thời nay cao 4m, bên dưới có một tầng hầm dài 6m rộng 3m - nơi từng là căn cứ diễn ra các cuộc họp cách mạng bí mật thời xưa. Ngay từ dưới chân miếu có một con đường quanh co xây bậc tam cấp chắc chắn dẫn lên điện thờ. Xưa kia, miếu Hòn Bà được xây dựng thờ Thủy Long nữ thần với mong muốn được bà phù hộ, che chở cho ngư dân, những người đi biển được an lành và bội thu mùa tôm cá.
Giờ đây mọi người thường đến vãn cảnh, chiêm bái, xin tài lộc, sức khỏe hoặc tình duyên. Ngoài ra, nơi này còn có rút lá xăm mang về nữa.
Giữa bốn bề mênh mông sóng nước, miếu Hòn Bà nhờ công đức của nhân dân làng Thắng Tam mà trường tồn, là nơi du khách tìm đến có thể dễ dàng vào chiêm bái Thủy Long thần nữ. Từ cổng miếu men theo con đường xây theo bậc tam cấp lên cao đến chính điện.
Tại miếu thờ trung tâm, ban thờ được bài trí bài vị cùng 5 pho tượng Ngũ hành Nương Nương. Trong quan niệm tín ngưỡng của người dân miền sông nước, biển cả, ngoài Thủy Long nữ thần thì Ngũ hành nương nương tượng trưng cho 5 yếu tố vật chất hình thành nên vũ trụ cũng được quan tâm không kém.
Tín ngưỡng thờ phụng Ngũ Đức Thánh Phi (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) vừa mang giá trị ngưỡng vọng, tri ân và tưởng niệm.
Thông thường, muốn ra đảo nằm trên biển, người dân sẽ phải đi ghe, thuyền để đặt chân được lên đảo. Nhưng với miếu Hòn Bà, du khách muốn đến được nơi này, phải “xem ngày, xem giờ” mới tìm được đường ra đảo. Nghe có vẻ mê tín, nhưng trên thực tế, đây là điều thú vị và độc đáo hấp dẫn khách du lịch đến thăm hòn đảo nhỏ nằm giữa biển khơi. Đó là phải tìm được ngày, giờ thủy triều rút.
Mặc dù khi thủy triều lên, có thể đi ghe thuyền nhưng do có nhiều đá nên cũng khó di chuyển được sát đảo nhất có thể.
Ảnh: @chauhomestay, @princebon, @ghiendulich, @jkhobson
Du khách đến thăm đảo Hòn Bà chủ yếu chọn cách đi bộ, đợi con nước rút, ngắm bình minh và đi bộ trên con đường đá để ra đảo. Bạn sẽ mất khoảng 10-15 phút để di chuyển trên đường đá ra đảo. Trên con đường đá, có phủ đầy những vò sỏ, vỏ hàu sắc lẹm, bởi vậy, nếu bạn tìm đến đảo bằng đường đá phải cẩn thận để tránh bị xước da.
Thời gian triều rút và con nước lên không lâu, bởi vậy nhiều người tranh thủ thời gian để ra đảo vãn cảnh, chiêm bái. Với nhiều điểm đến tâm linh khác, có thể đến bất cứ lúc nào bạn muốn. Tuy nhiên, với miếu Hòn Bà, tối đa du khách chỉ có thể tới thăm tối đa 12 lần một tháng tương đương với số lần nước rút mà thôi.
Mỗi năm, du khách đến thăm miếu Hòn Bà nhiều nhất vào 4 thời điểm là tháng Giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 Âm lịch. Đặc biệt, người dân thường tìm đến Miếu Bà vào ngày Rằm, bởi đây là ngày con nước rút sâu nhất.
Chính vì vậy, ngày Rằm tháng Giêng vừa qua, miếu Hòn Bà trở nên thu hút người dân đông đúc, chen chúc nhau đến vãn cảnh và chiêm bái.
Chị Anh Thư cùng bạn đón bình minh sớm trước khi ra miếu Hòn Bà vào ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Mão 2023. Tính giờ con nước lên, đi từ 5 giờ 30 phút và trở lại đất liền vào khoảng 7 giờ. Chị cho biết, vào ngày Rằm tháng Giêng thủy triều lên lúc 10 giờ sáng, bởi vậy, du khách khi muốn đến đây phải tìm hiểu ngày giờ thủy triều rút để có thể đến thăm đảo bằng con đường đá.
Chị Anh Thư, sống tại Vũng Tàu cho biết, từ sáng sớm lúc 5 giờ, chị cùng bạn đã lên đường tới đảo, đi trên con đường đá thăm miếu Hòn Bà. Lượng người đổ về miếu trong Rằm tháng Giêng đông đến mức nghẹt thở, chị không thể chen nổi vào điện thờ chính.
Muốn đến thăm miếu Hòn Bà, du khách cần lưu ý tìm kiếm thông tin ngày giờ thủy triều lên xuống chính xác để có thể đi bộ trở vào đất liền được an toàn.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất