18/02/2015 07:38 GMT+7 | Văn hoá
Văn hóa đại chúng ngày càng đậm đặc tình dục, một thứ rõ ràng không có gì mới và không phải là chủ đề của riêng phương Tây. Trong đó, có những tác phẩm mang yếu tố câu khách, có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật hoặc ít nhất là có thông điệp. Nhiều khi, chính công chúng mới rẻ tiền khi đánh đồng tất cả đều là dâm dục, câu khách. Vậy họ cần ứng xử ra sao?
Kim Kardashian và đám đông háo hức
Tháng 11/2014, thế giới được dịp ngắm nghía vòng ba cực lớn, được bôi dầu bóng, hoàn toàn không che đậy của Kim Kardashian, một nhân vật không biết gọi bằng danh xưng gì nhưng rất nổi tiếng, trong bộ ảnh chụp cho tạp chí Paper. Bức ảnh (và những ảnh khác cùng bộ) được xếp vào dạng NSFW, viết tắt của “Not Safe For Work”, tức “không an toàn khi xem ở nơi làm việc”, một cụm từ lóng thông dụng trong tiếng Anh hiện nay.
Nhưng vấn đề là, ảnh Kardashian được đăng khắp nơi từ mạng xã hội cho đến các trang báo như tạp chí Time nên mọi độc giả già trẻ trai gái đều có thể xem được. Những ai muốn xem đều đã xem mà những ai không muốn xem cũng đã phải xem vì ảnh cứ tự nhiên chen vào dòng thời gian trên Facebook.
Dụng ý câu khách của tạp chí Paper là cực kỳ rõ ràng, nhưng ngoài vài phản ứng yếu ớt, công luận nhìn chung là chấp nhận, trong đó một bộ phận rất chào đón. Kardashian được coi là sản phẩm tuyệt tác của dạng nổi tiếng thời mạng xã hội: ái kỷ, cơ hội và đầy tham vọng. Và cô dùng thứ gì để nổi tiếng? Tình dục.
Hình ảnh Kardashian được vây kín bởi yếu tố tình dục ngay khi xuất hiện bằng một đoạn phim nóng cho đến tận bây giờ. Năm 2013, sau khi tuyên bố muốn có không gian riêng tư hơn với người chồng hiện tại Kanye West, đôi tình nhân xuất hiện trên bìa tạp chí L’Officiel với tư thế như đang quan hệ tình dục, với tấm lưng của West chĩa về phía độc giả và gương mặt Kardashian trong biểu cảm cực khoái. Và năm 2014 thì Kardashian phủ kín mạng xã hội và báo chí với bộ ảnh tạp chí Paper.
Sự thật là những bức ảnh của Kardashian không có gì đi ngược lại với mong muốn của một đám đông công chúng, trái lại, chúng đáp ứng mong muốn của họ. Và đám đông háo hức chờ đợi nhiều hơn. Khi các ngôi sao hầu như ai cũng chụp ảnh khỏa thân hay quay những đoạn phim táo bạo, thì những hình ảnh, hành động phải được đẩy đến mức thách thức dư luận và các chuẩn mực như Kim Kardashian hay Miley Cyrus mới được chú ý, rất ầm ĩ.
Và nếu bạn nằm trong số công chúng mong chờ và mãn nguyện với những hình ảnh như của Kardashian, bạn không có tư cách nói chúng rẻ tiền.
Cứ khỏa thân là đánh đồng với tình dục
Trong bài viết cho Thể thao & Văn hóa Cuối tuần số này, dịch giả Hà Vũ Trọng nhắc đến kiệt tác điêu khắc thời La Mã cổ đại gây sửng sốt từ Tây sang Đông về chủ đề phồn thực: bức tượng vị thần nửa người nửa dê Pan giao hoan với một con dê cái. Từng bị coi là tác phẩm khiêu dâm bậc nhất trong hàng trăm năm qua, đến tận năm 2000, bức tượng vẫn bị Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia Naples (Ý) dán nhãn thể loại khiêu dâm, trưng bày ở một khu riêng biệt và chỉ mở cho một số khán giả hạn chế vào xem.
Đến năm 2013, BBC News vẫn nhắc đến bức tượng như một giá trị sốc của thời cổ nhưng khuyến cáo một điều: không thể lấy thế giới quan của ngày nay để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật cổ. Bức tượng giao hoan của Thần Pan trong mắt công chúng ngày nay có thể rất dâm dục, nhưng ở thời điểm nó ra đời thì chưa chắc, nhất là khi các tác phẩm điêu khắc cùng thời cũng ngập trong “nghệ thuật huê tình”.
Ngày nay, cái nhìn đậm tính nhục dục đó trở nên cực kỳ phổ biến. “Nền văn hóa báo lá cải” (cụm từ do báo chí phương Tây dùng) khiến chúng ta nhìn nhận mọi vấn đề theo hai góc độ: thứ nhất là nhục dục hóa và thứ hai là nhìn đâu cũng thấy xấu xa bê bối. Tháng 11/2014, khi cây viết Tâm Phan đăng lên Facebook những bức ảnh khỏa thân của mình do hai nhiếp ảnh gia khác nhau thực hiện, cô vấp phải một làn sóng phản đối, chỉ trích, cho rằng cây viết này muốn khoe thân và lợi dụng ý nghĩa nữ quyền để khoe thân.
Lẫn trong những tranh cãi xung quanh vụ việc, một thông điệp của Tâm Phan đã bị bỏ qua: cô cho rằng ảnh khỏa thân không đồng nghĩa với gợi ý về tình dục. Hay diễn đạt cách khác, một phụ nữ chụp khỏa thân không có nghĩa là mời gọi người khác làm tình với mình. Trong trường hợp này, Tâm Phan chỉ muốn nhấn mạnh sự tự tin với cơ thể không hoàn hảo của bản thân.
Nền văn hóa báo lá cải đã khiến người ta đồng nhất ảnh khỏa thân với ảnh sex, thủ tiêu cách cảm nhận trong sáng về nghệ thuật (nếu bức ảnh đó có giá trị nghệ thuật).
Người ta có thể chỉ trích những bức ảnh của Tâm Phan chưa đủ nghệ thuật hoặc cơ thể cô không chuẩn người mẫu, nhưng không phải vì thế mà gán cho những bức ảnh của cô là có mục đích gợi dục. Theo cảm nhận cá nhân của người viết bài này, ảnh Tâm Phan không gợi dục, bởi chúng không tập trung mô tả cơ thể người được chụp, mà tập trung hơn vào ánh mắt, gương mặt và đặc biệt là mái tóc đen xù buông xõa. Như vậy, bức ảnh chụp một con người, không chỉ chụp một cơ thể phụ nữ không gương mặt, không tính cách.
Nghệ thuật cởi mở hơn, nhưng công chúng phải vững vàng
Năm 2011, triển lãm nghệ thuật sắp đặt Phập phồng ở Viện Goethe Hà Nội trình làng tác phẩm Cổng vạn tuế mang giá trị sốc: một mô hình âm hộ khổng lồ bằng bóng bay màu hồng được dựng nên làm cổng chào cho triển lãm. Bất cứ ai bước vào triển lãm cũng phải bước qua chiếc cổng đặc biệt này, mà hành động “đi vào âm hộ” tượng trưng cho quan hệ tình dục.
Triển lãm Phập phồng được tổ chức đã 4 năm, khi mạng xã hội chưa xuất hiện khắp nơi trong đời sống như bây giờ. Những hình ảnh của triển lãm được đăng trên các trang web chuyên về nghệ thuật hơn là đưa lên Facebook nên mức độ lan tỏa không đủ lớn. Nếu không, những tác phẩm như Cổng vạn tuế có thể cũng gây nên một làn sóng tranh luận, cũng có thể sẽ bị “ném đá” như Tâm Phan. Kể cả vậy, đây vẫn là một tác phẩm độc đáo với cách thể hiện đáng nhớ.
Đập cánh giữa không trung, phim điện ảnh năm 2014 của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, không ngần ngại đưa cảnh ngực trần của nữ diễn viên chính mới 18 tuổi vào phim. Khi chiếu trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội, cảnh này cũng được nhắc đến nhưng không trở thành chủ đề trọng tâm của dư luận khi nói về bộ phim. Trái lại, truyền thông cũng quan tâm đến thông điệp của phim về những người trẻ hoang mang trước cuộc đời, về cá nhân đạo diễn, một phụ nữ trẻ có nhiều trải nghiệm. Cuối cùng, dường như khán giả cũng hiểu rằng phim có một vài cảnh làm tình gây sốc không có nghĩa là phim nói về tình dục.
Xét cho cùng, nghệ sĩ hay trí thức vẫn được cho là những nhóm người có khả năng sáng tạo trội hơn so với những nhóm người khác trong xã hội. Theo tác giả sách kiêm doanh nhân người Do Thái Yaakov Rosenblatt, một xã hội được vận hành và lay chuyển vì những thành viên sáng tạo nhất của nó. Và rất nhiều nghệ sĩ tạo ra những tác phẩm của mình - phim ảnh, kịch nghệ, âm nhạc và sách - dựa trên nguồn cảm hứng từ tình dục.
Điều đó hoàn toàn hợp lý, vì những người sáng tạo đồng thời là những người có khả năng vượt qua những cấm kỵ, và tình dục là thứ rất gần gũi với những cấm kỵ, dù nó là hành động mang tính bản năng của con người. Bản năng không có nghĩa là cần phơi bày tất cả để tình dục mất đi những bí ẩn đầy hấp dẫn. Văn hóa đại chúng vừa là sự phản ánh xã hội vừa có ảnh hưởng ngược trở lại với xã hội, theo xu hướng chung, sẽ ngày càng cởi mở, nhưng cũng đòi hỏi công chúng có bộ lọc vững vàng hơn cho mình.
Phim có một vài cảnh làm tình gây sốc không có nghĩa là phim nói về tình dục. |
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất