07/07/2024 16:36 GMT+7 | Văn hoá
Hơn 30 năm nay, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha có một thói quen theo dõi bóng đá rất đặc biệt, đó là viết nhật ký bằng thơ. Những giải đấu lớn như World Cup, EURO… ông không bỏ sót trận đấu nào, mỗi trận làm 1 bài thơ như cách để ông thỏa mãn đam mê với bóng đá, và cả với thơ.
1. Ham mê bóng đá từ hồi còn nhỏ, cũng là người từng chơi bóng, bởi thế những giải đấu bóng đá, đặc biệt là những giải quốc tế, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha luôn dành sự quan tâm đặc biệt.
"Giải đấu đầu tiên tôi theo dõi, đó là World Cup1958, khi ấy đội tuyển Brazil lên ngôi vô địch. World Cup năm đó, tôi ấn tượng với đội tuyển Liên Xô khi vào tứ kết với sự góp mặt thủ môn Dasayev (từng tham dự 3 kỳ World Cup liên tiếp)" - ông kể - "Thế rồi, tôi liên tục theo dõi các kỳ World Cup tiếp theo. Đó là World Cup 1966, đội tuyển Anh vô địch, rồi đến World Cup 1970, đổi tuyển Brazil lại vô địch. Năm 1974, khi ấy đang ở trong chiến trường, tôi nghe tin đội tuyển Tây Đức vô địch tại sân nhà. Sau giải phóng, mới bắt đầu được xem truyền hình, khi ấy cũng chỉ được xem lại World Cup 1978. Năm đó, đội tuyển Argentinalên ngôi vô địch".
Quan tâm tới những giải đấu bóng đá lớn, ông tâm niệm, xem để biết bóng đá thế giới đi tới đâu, phát triển tới đâu. Và, là một nhà thơ, Nguyễn Thụy Kha cũng có cách quan tâm bóng đá cũng rất thơ.
Ông cho biết: "Năm 1982, tôi bắt đầu làm thơ về bóng đá, nhưng khi ấy mỗi kỳ World Cup diễn ra chỉ làm có 1 bài. Đặc biệt, ở World Cup 1990, còn nguyên trong tôi ám ảnh về giọng hát Gianna Nannini với bài hát Mùa Hè Italia (bài hát chính thức của World Cup 1990 được tổ chức tại Italia). Cái giọng hát ám ảnh đến nỗi sau World Cup 1 tuần, tôi đã làm bài thơ "ám ảnh mùa Hạ" để giải tỏa. Bài thơ được in ngay trên tờ Tiền phong Chủ nhật".
Cũng từ đây, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chợt nghĩ, những giải đấu ấn tượng được cả thế giới quan tâm, sao mình không ghi lại nhật ký bằng thơ để lưu giữ những khoảnh khắc thăng hoa?Vậy là từ World Cup 1994 đến nay, ông đã làm việc này rất đều đặn.
"Nếu ngẫm ra, thấy rằng mình thật gàn dở.Việc quái gì cắm mặt vào ti vi từ 8h tối cho đến 4h sáng hôm sau. Riêng xem 3 trận đã bạc mặt. Thế mà sau mỗi trận lại ngồi lẩm nhẩm viết ra mấy câu thơ chả để làm gì. Thêm mệt xác! Mệt nhưng sướng, giải tỏa được thì cũng cứ mệt xem sao" - ông bày tỏ.
2. Tính từ năm 1994 đến nay, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã có hơn 30 năm viết nhật ký bằng thơ khi theo dõi những trận túc cầu hấp dẫn nhất hành tinh. Là nhật ký bằng thơ nên trận nào cũng có một bài thơ được ra đời.
"Cứ năm nào có World Cup hay EURO, tôi đều làm thơ theo kiểu viết nhật ký suốt từ năm 1994 đến tận bây giờ. Còn nhớ World Cup 2006, báo Bóng đá đặt tôi viết dự đoán các trận. Khi ấy tôi đã viết dự đoán 64 trận theo 64 quẻ kinh dịch gần như đúng cả" - nhà thơ tâm sự - "Khi xem các trận đấu, tôi chỉ muốn ghi lại nhật ký để thỏa mãn đam mê, rồi làm kỷ niệm, coi như nhật ký bóng đá bằng thơ. Tôi cũng có ý định sẽ in một tập thơ bóng đá lấy tên Địa cầu vàng. Thế nhưng in được hay không còn do nhiều yếu tố. Tôi không muốn in một tập thơ mà không đem lại lợi ích cho bạn đọc".
Từng ấy năm viết nhật ký xem bóng bằng thơ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha vẫn nhớ bao kỷ niệm đặc biệt khi vui thú với thói quen này.
Đáng nhớ nhất, ông kể: "Năm đó, khi EURO 2004 đang diễn ra, vợ tôi đang nằm ở bệnh viện Bạch Mai. Bà ấy nằm một phòng riêng nhưng đang ngủ, nên tôi không dám bật đèn. Khi ấy tôi phải "chui" vào nhà vệ sinh, ngồi xem bóng và làm thơ, rồi gửi ngay cho báo Lao động để in.Bóng đá có sức hấp dẫn với tôi một cách đặc biệt. Hầu như trận nào tôi cũng xem. Dịp EURO năm nay, các trận trong cả 3 khung giờ 2h sáng, 8h tối, 11h đêm, tôi đều xem hết, có lúc xem trên điện thoại, có lúc xem trên ti vi".
Ông cho hay, mình có nhiều người bạn thân thiết để chia sẻ niềm đam mê bóng đá. "Chúng tôi hay ngồi uống cà phê, nói chuyện và chia sẻ với nhau về bóng đá. Ví dụ như đạo diễn Doãn Hoàng Giang là một người rất đam mê bóng đá giống như tôi. Hai anh em hay ngồi uống cà phêvà chia sẻ về các trận đấu. Còn bây giờ thì ông ấy đã đi xa".
"Một số người bạn khác của tôi cũng mê bóng đá như nhà thơ Anh Ngọc, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu… Nói chung các văn nghệ sĩ đều rất mê bóng đá. Chúng tôi đều theo dõi, mỗi người xem tại nhà của mình, nhưng hôm sau bao giờ cũng có những bình luận cùng nhau. Đó là một sự kết nối đặc biệt mà bóng đá mang lại, mà không phải môn thể thao nào cũng làm được điều tương tự".
3. Có nhiều người bạn thân thiết mê bóng đá, nhưngNguyễn Thụy Kha chỉ thích xem bóng một mình. "Cứ ở trên căn gác riêng, xem và ngẫm nghĩ" - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ - "Xem như vậy tôi được tập trung và không có những bình luận, thậm chí tôi cũng không thích nghe bình luận. Tôi thích một mình xem và ngẫm nghĩ theo kiểu riêng của mình. Xem quả bóng nó xoay tròn như thế nào".
Có lẽ cũng bởi cách thưởng thức những trận bóng riêng khác như thế mà thơ bóng đá của Nguyễn Thụy Kha có nhiều dấu ấn đặc biệt. Ông cho biết, làm thơ bóng đá không phải để tường thuật, mà để "nảy ra" cái hay của mỗi trận đấu.
Ví như, ở mùa EURO năm nay có trận Georgia đánh bại Bồ Đào Nha với tỷ số 2-0 gây bất ngờ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha viết:
Tân binh Georgia tạo cơn địa chấn
Chiến thắng ông kễnh Bồ Đào Nha
Họ trụ lại vị trí thứ ba
Để thành một trong bốn đội bước vào vòng 1/8
(Hà Nội, 4 giờ sáng, 27/6/2024)
Mỗi bài thơ nhật ký xem bóng được Nguyễn Thụy Kha viết ra rất nhanh. Bởi ông đã ngẫm nghĩ ngay từ lúc xem. Đến lúc xong trận, ông viết ngay, thường chỉ là một bài tứ tuyệt, ít khi làm dài. Cũng theo nhà thơ, mỗi trận đấu có một cái hay riêng với những kịch tính rất lớn mang lại cho ông cảm xúc thực sự thăng hoa trong thơ.
Đơn cử, như trận Italia cầm hòa Croatia với tỷ số 1-1 ở phút bù giờ, ông viết:
Một trận cầu đặc biệt
Ai thắng sẽ đứng nhì
Croatia tưởng làm được rồi
Quả đá bồi vào gôn của Luka Modric
Italia tỏ rõ sự kiên cường của nhà vô địch
Họ chiến đấu không mệt mỏi đến trọn phút bù giờ
Và bản lĩnh đã cho họ phút giây gỡ hòa như kịch
Khi thời gian trận cầu chỉ còn tính bằng giây
(Hà Nội, 4h sáng, 25/6/2024)
Chọn những khoảnh khắc bất ngờ của từng trận đấu để "nảy" ra thơ, theo nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, "bóng đá có một cái rất giống thơ, đó là "sức rướn". Cả 2 đều có "độ rướn". Nếu cầu thủ rướn lên được sẽ ghi bàn. Thơ cũng thế, thơ là "sự rướn" của chữ này sang chữ kia. Chúng tạo ra một hiệu ứng rất khác so với các loại hình khác. Chính vì thế, thơ và bóng đá liên hệ với nhau ở sự bất ngờ của cảm xúc mang lại cho người thưởng thức chúng".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất