19/06/2024 06:26 GMT+7 | Văn hoá
Nguyễn Dương Hiếu là dịch giả của nhiều đầu sách phi hư cấu, trong đó đa phần là sách thể thao, nhất là những tác phẩm có liên quan đến bóng đá.
Nhân EURO 2024, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với dịch giả Nguyễn Dương Hiếu xoay quanh tình yêu với dịch thuật và trái bóng tròn.
* Anh có thể chia sẻ một chút về việc dịch sách bóng đá của mình đã bắt đầu từ khi nào?
- Năm 2014, khi NXB Trẻ mua bản quyền cuốn Hồi ký Alex Ferguson, tôi đã mạnh dạn xin phép được dịch, dù trước đó chưa từng dịch sách về thể thao nói chung, hoặc bóng đá nói riêng. Khi đó Sir Alex Ferguson vừa mới về hưu (năm 2013), sau gần ba thập niên dẫn dắt đội bóng nổi tiếng Manchester United, nên tôi có chút tò mò về ông thầy người Scotland này.
Tôi mê xem bóng đá từ lúc 9-10 tuổi, theo dõi giải đấu đầu tiên trên phát thanh là SKDA 1984 (một giải đấu bóng đá quốc tế uy tín). Hình như năm đó, đội tuyển quân đội Việt Nam đã vượt qua các đối thủ rất mạnh từ Đông Âu như đội tuyển quân đội CHDC Đức 3-1, hòa đội tuyển quân đội Ba Lan 0-0. Sau đó thì tôi xem bóng đá qua tivi lần đầu tiên ở World Cup 1986, rồi tìm đọc mọi loại sách báo có thể kiếm được từ những ngày tháng đó.
Tôi đã từng hy vọng có dịp dịch sách thể thao và bóng đá, nhưng phải đến 2014 thì mới có cơ hội. Nếu tôi nhớ không lầm thì hình như đó cũng là một trong những cuốn sách đầu tiên mà NXB Trẻ làm về mảng đề tài này.
Sau khi "năn nỉ" xin nhận dự án này, tôi bắt đầu tìm kiếm các thông tin liên quan tới tác giả và các vấn đề được nhắc tới trong cuốn sách. Người hâm mộ của MU tại Việt Nam rất đông, trong quá trình tìm kiếm thông tin trên Internet, thậm chí tôi thấy nhiều chương của cuốn sách đã được họ chủ động dịch ra tiếng Việt và phổ biến miễn phí. Tôi quyết định không "ghé mắt" vào đọc, dù chỉ một câu, vì nỗi lo ngại mơ hồ là khi dịch - dù đây chỉ là một tác phẩm hồi ký, tức là thuộc thể loại phi hư cấu - sẽ bị ảnh hưởng bởi một bản dịch đã có sẵn!
Cuốn sách được tôi và hai người bạn cùng dịch, tất nhiên tôi là người chịu trách nhiệm chính, là người đọc lại toàn bộ và đảm bảo tính thống nhất trong văn bản dịch. Tới nay cuốn hồi ký này đã được tái bản 14 - 15 lần gì đó, nên tôi cảm thấy mình thật may mắn!
* Thường anh sẽ chủ động chọn tác phẩm và tiến cử với NXB để dịch?
- Nhiều bạn bè khi biết tôi dịch sách cũng hỏi câu này. Trong ngành xuất bản hiện nay, với mảng sách dịch, theo tôi thấy thì có nhiều bên, nhiều người có thể chủ động chọn và giới thiệu các tác phẩm cho đơn vị làm sách. Đơn vị đó có thể là một nhà xuất bản, mà cũng có thể là một công ty sách tư nhân. Quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về đơn vị làm sách này, nói nôm na là "chủ đầu tư".
Tất nhiên là tôi cũng từng giới thiệu cho những đơn vị xuất bản mà tôi quen biết một vài tựa sách nước ngoài mà tôi nghĩ là thú vị, thuộc những mảng đề tài mà tôi quan tâm, nhưng việc này không mấy thường xuyên, và thú thật là những đề xuất của tôi cũng… ít được chấp thuận. Tôi đoán chừng là việc chọn dịch một cuốn sách ra tiếng Việt để xuất bản và phát hành trên thị trường Việt Nam đòi hỏi nhà làm sách phải tính toán tới nhiều yếu tố khác nhau, trong đó bản thân nội dung tác phẩm cũng chỉ là một yếu tố mà thôi…
* Theo quan sát của anh, sự quan tâm của độc giả quốc tế dành cho các sách bóng đá như thế nào?
- Tôi không thể đưa ra nhận xét nào khả dĩ về sự quan tâm của độc giả quốc tế về mảng sách này, song chắc chắn là tồn tại một nhóm độc giả như vậy.
Các tựa sách bóng đá quốc tế vẫn được xuất bản liên tục, theo những nhóm chủ đề khác nhau, phổ biến nhất là: sách về các ngôi sao bóng đá, các huấn luyện viên lỗi lạc, các đội bóng lớn, theo dạng tiểu sử "cuộc đời và sự nghiệp", sách về các nền bóng đá lớn (với nội dung xem xét sự phát triển của bóng đá qua thời gian ở một quốc gia nhất định, trong mối liên hệ với hàng loạt khía cạnh "phi bóng đá" khác như văn hóa, xã hội, kinh tế, thậm chí tôn giáo...), sách về sự phát triển của chiến thuật bóng đá, sách về lịch sử của những giải đấu lớn...
Trên các trang mạng xã hội, bên cạnh các diễn đàn và nhóm dành cho người hâm mộ của một đội bóng, một cầu thủ hoặc một giải đấu, tôi vẫn thấy (dù với số lượng ít hơn hẳn!) những nhóm hoặc cộng đồng dành riêng cho việc sưu tập các sách báo bóng đá qua các thời kỳ. Điều đó khiến tôi có cảm nghĩ là độc giả quốc tế của sách bóng đá là không nhiều, nhưng cũng không ít.
"Cá nhân tôi không nghi ngờ gì về tình yêu bóng đá của người Việt Nam, chúng ta có thể so sánh sự cuồng nhiệt này với bất kỳ quốc gia nào. Nhưng với sách bóng đá thì tình hình có lẽ không được sôi nổi như thế" - dịch giả Nguyễn Dương Hiếu.
* Còn ở Việt Nam thì sao? Các sách bóng đá có nhiều độc giả không?
- Cá nhân tôi không nghi ngờ gì về tình yêu bóng đá của người Việt Nam, chúng ta có thể so sánh sự cuồng nhiệt này với bất kỳ quốc gia nào. Nhưng với sách bóng đá thì tình hình có lẽ không được sôi nổi như thế. Bản thân nó chỉ là một mảng tương đối nhỏ trong mảng sách thể thao thuộc thể loại phi hư cấu, với không nhiều đơn vị xuất bản chủ động quan tâm và thực hiện một cách đều đặn.
Như đã nói ở trên, tôi nghĩ sách bóng đá mới xuất hiện nhiều trên thị trường sách Việt Nam khoảng 10 - 20 năm gần đây mà thôi (trước đó chúng ta chỉ có báo, tạp chí dành riêng cho thể thao hoặc bóng đá). Một cách hoàn toàn tự nhiên, người ta đọc báo thể thao, báo bóng đá - cả báo giấy và báo mạng - nhiều hơn sách thể thao, sách bóng đá. Tuy nhiên tôi hy vọng là thời gian tới sách bóng đá sẽ có nhiều độc giả hơn, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu sâu hơn về mọi khía cạnh "túc cầu giáo" của người hâm mộ bóng đá Việt Nam, vốn càng lúc càng am hiểu sâu sắc hơn.
* Anh hâm mộ đội bóng và đội tuyển nào?
- Đương nhiên, là người Việt Nam thì tôi hâm mộ đội tuyển quốc gia Việt Nam nhất. Với bóng đá quốc tế, tôi hâm mộ đội tuyển Brazil từ lần đầu được xem họ trên tivi đen trắng hồi World Cup 1986. Câu lạc bộ tôi yêu là một đội bóng của London, Anh quốc, đó là đội Chelsea FC!
* Nếu được nhờ dịch một tác phẩm liên quan đến đội đối thủ, anh có nhận lời không?
- Tất nhiên là có! Khác với nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam, tôi không hề mê đội MU chút nào, song cuốn sách đầu tiên mà tôi dịch về bóng đá chính là cuốn hồi ký của vị HLV lỗi lạc nhất của họ: Sir Alex Ferguson. Là người hâm mộ của Brazil, tôi cũng không thích Argentina và Messi, song tôi từng dịch một cuốn sách về cặp danh thủ hàng đầu của thế kỷ XXI là Messi và Cristiano Ronaldo, và cũng cảm thấy rất thích thú.
* Giải EURO 2024 đang đá. Năm nay anh đặt kỳ vọng vào đội nào sẽ giành chức vô địch?
- Lý trí nhắc tôi rằng Pháp là ứng viên sáng giá nhất cho chức vô địch năm nay, song trái tim lại ủng hộ đội tuyển xứ sương mù. Quê hương của bóng đá, than ôi, cho tới nay vẫn chưa một lần vô địch châu Âu, dù trong khoảng hai thập niên vừa qua họ đã có những thế hệ cầu thủ vô cùng tài năng. Rất mong tuyển Anh sẽ bất ngờ vô địch EURO 2024.
* Cảm ơn anh.
10 năm dịch sách bóng đá
Nguyễn Dương Hiếu đã dịch và đồng dịch giả nhiều đầu sách về bóng đá, thể thao. Có thể kể các cuốn như Barça - Lionel Messi và sự thăng trầm của câu lạc bộ bóng đá vĩ đại nhất thế giới; Pelé - Cuộc đời và thời đại; Messi vs Ronaldo - Sự đối đầu của hai cầu thủ vĩ đại và kỷ nguyên tái tạo bóng đá thế giới; Tự truyện Luka Modrić; Dẫn dắt - Lãnh đạo chứ không quản lý…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất