Nghệ sĩ Trung Dân: Nghệ sĩ phải là cầu nối văn hóa giữa các thế hệ

08/02/2022 08:30 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Không nổi danh đình đám, lại tự xem mình không là ai trong thế giới này, vậy nhưng Trung Dân luôn được xếp vào nhóm những nghệ sĩ hài tiêu biểu ở phía Nam, với lối hài châm biếm thói hư tật xấu bằng giọng Nam bộ bộc trực và mạnh mẽ.

Nghệ sĩ Trung Dân: 'Tôi đang viết tiểu thuyết về giới showbiz Việt'

Nghệ sĩ Trung Dân: 'Tôi đang viết tiểu thuyết về giới showbiz Việt'

Trung Dân là một nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng, điều này đông đảo công chúng đã biết. Trung Dân là một biên kịch có nghề, điều này nhiều người đã biết qua các tác phẩm trên sân khấu và truyền hình. Nhưng chuyện Trung Dân mê viết văn, thì rất ít người viết, vì đến giờ anh vẫn chưa xuất bản một tập truyện ngắn, hoặc tiểu thuyết nào.

Đầu năm Nhâm Dần 2022, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) trò chuyện cùng Trung Dân về việc in tiểu thuyết sau khi giải nghệ diễn xuất, cũng như về “ông hổ” gắn bó với gia đình từ thời lập ấp, khai hoang.

Năm hổ, nói chuyện... bạch hổ

* Vào những ngày giáp Tết vừa rồi, trên Facebook của anh xuất hiện hình bạch hổ. Điều này có ý nghĩa gì vậy?

- Năm Nhâm Dần đến, gợi tôi nhớ về câu chuyện của tổ tiên. Ông cố của bà ngoại tôi là một lưu dân miền Trung từng tập hợp trai tráng vào khai khẩn đất hoang tại Hóc Môn thuộc xứ Gia Định thời Nguyễn. Hồi ấy, đất Gia Định nhiều rừng rậm, sông ngòi chằng chịt. Nơi ông khẩn hoang có một con bạch hổ rất dữ tợn, ban đêm từng xông vào lán trại bắt người ăn thịt.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Trung Dân

Trước tình cảnh đó, ông và các thợ săn đặt bẫy. Sau bao ngày kiên nhẫn, bạch hổ cũng sa lưới, chân trước bị bẫy kẹp chặt. Gầm rú, lồng lộn, cuối cùng nó tự cắn đứt cái chân dính trong bẫy để thoát thân trước sự kinh hãi của những người thợ săn.

Qua câu chuyện này, tôi rút ra một điều: Trên hành trình sống của mình, con người vì vô tình hoặc cố ý đã xúc phạm thiên nhiên. Việc khai khẩn đất hoang của ông cố bà ngoại tôi rất có ý nghĩa trong sự phát triển và sinh tồn. Ông là một trong những người góp phần biến vùng rừng rậm thành khu sinh sống trù phú về sau. Chính ông cũng là người bỏ tiền xây nhà thờ đầu tiên của vùng Hóc Môn, tên là Tân Quy. Tuy nhiên, hành trình khai khẩn ấy đã đụng chạm đến đời sống của muông thú và vạn vật.

Tôi nghĩ rằng mỗi một vùng đất đều có một người chủ, mà trong rừng là “chúa sơn lâm”. Khi ta từ xa đến, xâm phạm vào vùng đất thiêng của họ, ta sẽ phải trả một cái giá nào đó.

Sau này ở vùng Hóc Môn, nhiều nơi lập miếu thờ bạch hổ, để ghi nhớ công lao và những được mất thời khai hoang. Trong rừng, ông cọp là người cai quản sơn lâm, ông cho phép thì con người mới sống yên ổn. Có những ngôi đình thờ những người khi còn sống đã làm được nhiều điều có giá trị cho cộng đồng. Lúc đó, họ được sự công nhận và bảo vệ của chúa tể sơn lâm.

Chú thích ảnh
Dù đã hướng đến chuyện giải nghệ, nhưng hiện Trung Dân (phải) vẫn khá đắt show

* Anh vừa gợi nhớ về cái thời khai khẩn đất Gia Định xưa để về sau này có khái niệm Gia Định - Sài Gòn 300 năm. Trong quá trình này, anh có ấn tượng với nhân vật lịch sử nào nhất?

- Nếu nói về vị tổng chỉ huy tiên phong trong quá trình mở mang bờ cõi, phải nhắc đến lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Nhưng cá nhân tôi ấn tượng với tả quân Lê Văn Duyệt, một trong ngũ hổ tướng của vua Gia Long. Không chỉ là người gan dạ, lập nhiều đại công khi đánh trận, ông còn là tổng trấn Gia Định sau này. Với tài thao lược, ông đã giúp cho vùng đất trù phú và có sự giao thoa nhiều nền văn hóa này phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn văn hóa. Sang thời vua Minh Mạng, ông vẫn là rường cột quốc gia, cai trị đất Gia Định bằng luật pháp nghiêm minh và từng chém đầu cha vợ vua Minh Mạng là Huỳnh Công Lý vì tham nhũng, cửa quyền. Những gì ông đã làm khiến tôi ngưỡng mộ và tự xem ông là vị thánh bảo vệ cho mình, vì vậy, tôi thường viếng lăng ông vào ngày đầu năm.

Chú thích ảnh
Trung Dân giờ thích vui thú điền viên và chăm lo việc gia tiên

Tránh xa sự thị phi

* Ngoài việc hóa thân vào các nhân vật, anhcòn thường chia sẻ những câu chuyện văn hóa lịch sử như “nguồn gốc của lúa nước”, “nguồn gốc người Việt” và các sự tích khác. Điều gì thôi thúc anh nghiên cứu tìm hiểu văn hóa và lịch sử?

- Mỗi một người có một sở thích riêng. Ngày nhỏ, tôi đã ảnh hưởng thú đọc sách từ cha và người lớn. Nhà ở miệt Hóc Môn không có điện, tôi đem đèn dầu vô mùng đọc sách, má tôi sợ bị cháy la quá trời, nhưng tôi tánh nào tật đó. Kết thúc trung học, tôi do dự giữa trường sư phạm và nghệ thuật, cuối cùng tôi đã chọn nghệ thuật, nhưng thói quen tìm hiểu văn hóa và lịch sử qua việc đọc vẫn còn lưu giữ. Bên cạnh đó, việc viết kịch bản bắt buộc tôi phải tìm hiểu kỹ vấn đề thông qua truyền khẩu dân gian, tài liệu và sách vở. Tôi nghĩ nghệ sĩ là cầu nối văn hóa giữa các thế hệ, chứ không chỉ để mua vui đơn thuần.

* Nhiều năm trước, anh từng hứa hẹn sẽ ra mắt tiểu thuyết “Chuột ở thánh đường”, nhưng đến nay độc giả và khán giả hâm mộ anh vẫn còn tiếp tục chờ?

- Tôi đã rất muốn quyển sách này ra mắt, nhưng rồi tôi nghĩ lại sách do tôi viết có ai xem không, tôi do dự. Bên cạnh đó, theo thời gian, tôi càng phát hiện ra nhiều điều trái khoáy đang diễn ra trong thánh đường nghệ thuật, tôi quan sát thêm và bổ sung. Tôi vẫn còn đang viết đấy chứ, rồi sẽ ra mắt sau khi tôi chia tay đời nghệ sĩ.

* Sau 35 năm ăn cơm nghệ thuật, giờ nhìn lại, anh có thể tổng kết gì về cuộc đời nghệ sĩ của mình?

- Càng ngày tôi càng thấy mình nhỏ bé trong không gian nghệ thuật nói riêng và vũ trụ nói chung. Tôi chẳng là ai cả, nên bắt đầu thu mình lại. Tôi có một góc riêng của mình là khu vườn trên sân thượng và bàn thờ tổ tiên. Ở đó, tâm hồn tôi được an trú và phần nào tránh xa sự thị phi của cái nghề bị người đời xem là xướng ca vô loài.

* Cảm ơn anh về buổi trò chuyện này!

“Với tôi 2 chữ nghệ sĩ đã quá nặng nề trách nhiệm rồi, nếu mang vác thêm danh hiệu NSƯT hay NSND, tôi e rằng mình không đảm trách nổi. Thực ra, tôi từng được suất đặc cách, nhưng tôi thấy mình không đủ sức, nên từ chối” - Trung Dân chia sẻ.

Nguyễn Huy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm