03/04/2025 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Vở kịch nói Ngàn năm tình sử (tác giả Nguyễn Quang Lập) từng gây tiếng vang lớn trên sân khấu IDECAF cách đây khoảng một thập kỷ. Và ngày 26/3 vừa qua, tại sân khấu Thế Giới Trẻ (TP.HCM), nó đã trở lại trong phiên bản cải lương để tiếp tục chinh phục khán giả.
1. Đây là tác phẩm báo cáo tốt nghiệp của đạo diễn trẻ Vũ Hùng, thuộc khoa Đạo diễn Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Dù mang tính chất của một bài thi tốt nghiệp, vở cải lương (qua bàn tay chuyển thể tài hoa của soạn giả Phạm Văn Đằng) lại sở hữu chất lượng vượt xa mong đợi.
Với thời lượng chỉ hơn 2 tiếng rưỡi, Ngàn năm tình sử gây ấn tượng bởi tiết tấu nhanh gọn, súc tích, giúp khán giả không bị cuốn vào mê cung của những tình tiết rườm rà. Thay vào đó, họ được đắm chìm vào dòng chảy cảm xúc đa chiều: hào khí chiến trận, nỗi đau mất mát, và sự giằng xé giữa tình riêng với nghĩa nước.
Một cảnh trong vở diễn
Tác phẩm truyền tải trọn vẹn cuộc đời của danh tướng Lý Thường Kiệt. Ở đó, khán giả không chỉ thấy một Lý Thường Kiệt oai hùng như trong lịch sử mà còn cảm nhận được những góc rất đời thường trong tâm hồn ông. Sự đan xen giữa hình tượng anh hùng và những xúc cảm con người đã tạo nên một bức chân dung sống động, gần gũi mà vẫn đầy kính phục.
Trong vở diễn, chàng trai Ngô Tuấn là một thanh niên đầy nhiệt huyết hoài bão. Trong những ngày tháng tuổi trẻ, chàng yêu say đắm một cô gái tên Thuận Khanh. Nhưng định mệnh nghiệt ngã đã chia cắt đôi uyên ương khi Ngô Tuấn lên đường tòng quân, mang trong lòng ước vọng lập nghiệp để đền đáp non sông. Còn Thuận Khanh lại bị kẻ gian hãm hại, ép buộc vào cung làm phi tần của nhà vua.
Trong nỗi đau tột cùng, Ngô Tuấn đưa ra quyết định táo bạo: trở thành hoạn quan để vào cung tìm người thương. Cơ hội đến khi chàng lập công cứu giá, được vua tin cậy và cất nhắc. Từ đó, Ngô Tuấn dần thăng tiến, thậm chí được ban họ Lý của hoàng gia, trở thành thái úy Lý Thường Kiệt - người viết nên trang sử vàng với chiến công chống quân Tống và bài thơ Nam quốc sơn hà bất hủ.
Người xem có thể thắc mắc: Tại sao Lý Thường Kiệt chấp nhận hy sinh tất cả để tìm Thuận Khanh, nhưng suốt 24 năm dài đằng đẵng lại không một lần gặp mặt nàng? Câu trả lời nằm ở bối cảnh thời đại khắc nghiệt. Là một hoạn quan thấp bé thuở ban đầu, ông khó lòng tự do ra vào mọi khu vực nơi cung cấm. Để rồi, khi đã nắm trong tay quyền lực, ông lại vì hai chữ "trung quân" mà không dám phụ cái nghĩa cái ơn, khi Thuận Khanh trên danh nghĩa vẫn là phi tần của hoàng gia.
Và cả hai chữ "ái quốc" nữa, cứ cuốn Lý Thường Kiệt vào phận sự với nước non, khiến ông chỉ dám cất tình yêu với Thuận Khanh vào một góc của trái tim, để dành chỗ lớn hơn cho tình yêu Tổ quốc. Tiếng sáo đêm khuya của ông - vừa da diết vừa u uẩn - như lời độc thoại với quá khứ, nơi tình yêu và lý tưởng luôn song hành nhưng chẳng thể hòa làm một.
2. Vai Lý Thường Kiệt do NSƯT Lê Trung Thảo đảm nhận đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, bằng sự kết hợp hài hòa giữa khí chất anh hùng và nét trữ tình sâu lắng. Vóc dáng thanh thoát cùng ánh mắt sắc sảo giúp anh thể hiện trọn vẹn hào khí Nam quốc sơn hà. Đặc biệt, những phân cảnh chiến trận được anh xử lý điêu luyện với kỹ thuật "slow motion", biến các động tác vũ đạo thành những thước phim sống động, đầy chất điện ảnh.
NSƯT Tú Sương trong vai Thuận Khanh cũng không kém phần xuất sắc. Cô diễn rất có hồn, mượt mà trong từng câu ca, đặc biệt gây xúc động ở lớp gặp lại Lý Thường Kiệt. Những khắc khoải chờ đợi bao năm dồn nén, rồi vỡ òa và nhanh chóng tan biến thành nỗi thất vọng được cô thể hiện tinh tế, chừng mực mà vẫn đủ sức lay động lòng người.
Trong lớp diễn cuối, hai người tiếp tục lấy nước mắt khán giả với nỗi cô đơn vô tận, không trách hờn mà chỉ để lại sự xót xa. Lời thoại của Lý Thường Kiệt: "Ta đã thắng bao nhiêu trận chiến, nhưng cuối cùng vẫn thua chính bản thân mình" đã phơi bày nỗi cô đơn tột cùng của một trái tim vĩ đại nhưng tan vỡ, để lại câu hỏi day dứt về nỗi đau của bậc anh hùng,.
Dù là tác phẩm tốt nghiệp, Vũ Hùng đã chứng tỏ năng lực đạo diễn đáng nể. Anh tối giản hóa cảnh trí, thay vào đó tận dụng ánh sáng và chất liệu vải lụa để biến sân khấu thành không gian đa chiều. Những tấm vải trắng bồng bềnh có lúc hóa thành sóng nước sông Như Nguyệt, lúc lại là rèm the che giấu nỗi niềm cung nữ. Dàn diễn viên hơn 50 người di chuyển nhịp nhàng trong các đại cảnh, tạo nên khí thế hừng hực mà không hề rối mắt.
Điểm nhấn đáng giá là cách Vũ Hùng phối hợp âm nhạc truyền thống với hiệu ứng ánh sáng hiện đại, đưa khán giả từ cảm xúc này sang cảm xúc khác một cách tự nhiên. Dàn diễn viên cũng diễn xuất đồng đều từ các vai chính như NSƯT Lê Trung Thảo, NSƯT Tú Sương, Chí Bảo, Lệ Trinh, Hoài Thanh đến các vai phụ như Diệp Duy, Sơn Minh, Du Bảo, Hà Trí Nhơn, Phạm Tuyên, Nguyễn Kim Hiếu...
Ngàn năm tình sử không chỉ là vở diễn xuất sắc mà còn là tuyên ngôn nghệ thuật của thế hệ trẻ: Cải lương có thể vừa sang trọng, vừa gần gũi. Nó xứng đáng được biểu diễn rộng rãi, không chỉ ở các sân khấu lớn mà còn trong học đường – nơi nó có thể trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất