12/12/2018 06:55 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Trong niềm hưng phấn với bóng đá, hàng ngàn người đã chen lấn, xô đẩy, trèo rào, đẩy tung cửa tràn vào trụ sở Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) hòng kiếm được một suất mua vé.
Cùng với đó là hàng ngàn người chầu trực “canh” vé trên mạng. Người nhiều mà vé ít, cho nên lẽ tất nhiên là niềm hoan hỉ “có vé” thì ít, mà sự thất vọng, thậm chí phẫn nộ thì nhiều.
Trong niềm hưng phấn với bóng đá như thế, chúng ta đừng quên rằng, mưa lớn đang gây ngập lụt kinh hoàng ở miền Trung, nhiều nơi bị cô lập. Hàng ngàn hộ dân nằm trong diện ngập nặng ở Quảng Nam phải di dời, lánh nạn, cuộc sống bị đảo lộn.
Theo thông tin đến sáng qua, mưa lớn đã làm 6 người chết và mất tích. Tuyến quốc lộ 1A đoạn qua huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam, Tỉnh lộ 629 và 639 tỉnh Bình Định có 3 điểm ngập sâu gần 1 mét.
Trong cảnh nước dữ mênh mang ấy, thật rưng rưng trước câu chuyện của anh Trương Văn Được (30 tuổi, thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng, Quảng Nam), một dân quân tự vệ. Trong suốt ngày 10/12/2018, anh Được và đội cứu hộ của thôn đến nhiều nơi bị ngập sâu để giúp dân di dời, sơ tán. Sau một ngày dài đội mưa, đến khoảng 23h thì anh Được lội nước lũ về nhà, nhiều nơi đã ngập đến ngực. Đến 8h ngày 11/12, người dân phát hiện anh Được ngã chết gần nhà.
Anh ra đi để lại mẹ già gần 80 tuổi.
Chiều 11/12/2018 tại xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), trong lúc vớt bèo bám vào thành cầu để khơi thông dòng chảy, anh Phạm Duy Quang (dân quân cơ động xã Hoài Thanh) đã bị nước cuốn trôi, tử vong.
Những chuyện vừa xảy ra làm chúng ta nhớ về vụ cháy chung cư Carina (TP.HCM) hồi 23/3/2018, bảo vệ Trần Văn An (48 tuổi) tử vong do kiệt sức và nghẹt thở sau khi cứu sống rất nhiều người. Anh An đã làm bảo vệ gần 3 năm tại chung cư này.
Hoặc một mất mát khác, đó là hồi 8/8/2018, hai nữ sinh Đại học Cửu Long (Vĩnh Long) bị đuối nước, được anh Trần Thiện Khiêm (21 tuổi) cứu sống, sau đó anh Khiêm bơi ra cứu người khác thì gặp nạn tử vong.
Dẫu biết rằng “sinh nghề tử nghiệp”, ở đời không có việc gì là an toàn tuyệt đối, nhưng sự mất mát khi ra tay nghĩa hiệp vẫn làm nhiều người biết tin chạnh lòng. Nếu tính toán, nghĩ suy một chút thì họ - còn rất nhiều tấm gương sáng khác nữa - có thể đã không tử vong, nhưng chắc những người đang gặp nạn kia sẽ tử vong, khiến hậu quả các vụ tai nạn sẽ lớn hơn rất nhiều.
Điều đáng khích lệ và đáng tự hào đó là trước các mất mát to lớn này, đa số người thân, gia đình của những tấm gương hy sinh này lại cảm thấy được an ủi, dấy lên tự hào trước tinh thần “vì nghĩa quên thân”.
***
Ca khúc Một đời người một rừng cây của Trần Long Ẩn có câu: “Chân lý thuộc về mọi người, không chịu sống đời nhỏ nhoi/ Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người”.
Rất may trong cuộc sống vẫn còn nhiều nhân tố “không chịu sống đời nhỏ nhoi”, sẵn sàng “sống vì mọi người”.
Hy sinh bản thân vì mọi người là một nghĩa cử cao cả, tất nhiên, không phải ai cũng có thể làm được.
Nhưng tất cả chúng ta đều có thể làm được, và nên làm một việc này: Đó là hãy “hy sinh” lợi ích của bản thân, chịu nhường nhịn nhau một chút khi mà miếng bánh thực sự không thể đủ để chia cho tất cả mọi người.
“Miếng bánh” ấy là số vé vào xem trận chung kết AFF Cup trên sân Mỹ Đình vào ngày 15/12 tới.
Hy sinh một chút đam mê, hy sinh cơ hội mua được cặp vé, mỗi người vẫn còn rất nhiều niềm vui với đội tuyển qua màn hình ti vi. Khi đó việc mua bán vé AFF Cup sẽ không biến thành một cuộc tranh giành, làm xấu xí đi hình ảnh của chính mình trong con mắt của cộng đồng, đặc biệt là trước các cầu thủ trẻ đang nỗ lực cống hiến hết mình cho đến phút thi đấu cuối cùng trên sân.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất