18/09/2018 06:43 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - 7 người chết, 5 người hôn mê sâu sau lễ hội âm nhạc điện tử Trip to the moon vào tối 16/9 tại công viên nước Hồ Tây. Theo khám nghiệm ban đầu, tất cả những trường hợp này đều có phản ứng dương tính với ma túy.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một lễ hội âm nhạc diễn ra theo cách bi thảm như vậy. Và câu hỏi đang được nhiều người thắc mắc: tại sao, họ phải sử dụng chất kích thích tại một không gian công cộng, nơi có mặt hàng ngàn con người?
Nhưng thật ra, từ khá lâu, dư luận đã nhắc tới việc sử dụng chất kích thích tại những nhạc hội dành cho giới trẻ.
Điển hình, vào tháng 5/2017, trong một nhạc hội tại sân vận động Mỹ Đình, một nam thanh niên cũng đã tử vong tại chỗ. Theo kết quả giám định pháp y của Trung tâm Pháp y Hà Nội, anh bị sốc sau khi sử dụng một loại chất kích thích có tên là "cỏ Mỹ".
Thậm chí, đây là câu chuyện không chỉ có ở Việt Nam – khi mà trên thực tế, nhiều nước phát triển cũng đã phải đối phó với nạn sử dụng ma túy của giới trẻ trong những đại nhạc hội.
Đơn cử, tại Malaysia năm 2014, sáu thanh niên trẻ cũng sử dụng chất kích thích và tử nạn vì sốc thuốc khi tham dự Nhạc hội Tương lai Châu Á (Future Music Festival Asia) tại Kuala Lumper – một kịch bản rất giống với câu chuyện vừa qua.
Tại Mỹ, tình trạng này đã bắt đầu xuất hiện từ cuối thập niên 1990 của thế kỷ trước. Và thống kê gần nhất trong năm 2016 cho thấy: có hơn 100 ca chấn thương do sốc thuốc và 17 ca tử vong liên quan đến ma túy đã diễn ra tại các đại nhạc hội trong năm này.
Vì sao, các đại nhạc hội của giới trẻ lại tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn do sử dụng chất kích thích như vậy?
Đã có nhiều phân tích khẳng định: việc sử dụng rượu và chất kích thích khá phát triển tại những sự kiện lễ hội âm nhạc mạnh như EDM (âm nhạc điện tử) hay rock. Ở đó, trong tâm lý phấn khích và bị kích động bởi âm nhạc, giới trẻ thường có xu hướng "xõa hết mình" và làm những điều ít khi làm trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm cả việc dùng "chất phụ trợ".
Thực tế thì sau vụ việc tại công viên nước Hồ Tây, nhiều người cũng đã lên tiếng khẳng định: việc dùng chất kích thích tại các lễ hội EDM của Việt Nam không phải là điều hiếm gặp.
***
Trước mắt, ngoài việc yêu cầu rà soát quy trình cấp phép cho Trip to the moon vào tối 16/7, ngành quản lý cũng đã tạm dừng việc cấp phép các lễ hội âm nhạc tương tự tại Hà Nội trong khi chờ kết luận điều tra. Rõ ràng câu chuyện vừa rồi để lại cho bài học quá lớn về việc kiểm soát những lễ hội âm nhạc dành cho giới trẻ với quy mô lớn.
Nhưng thẳng thắn, sẽ không công bằng, nếu chúng ta đổ toàn bộ trách nhiệm cho những lễ hội âm nhạc. Bởi ai cũng hiểu: một khi đã cố tình muốn sử dụng chất kích thích, người ta sẽ hoàn toàn không cần đợi tới những sự kiện như vậy để thỏa mãn nhu cầu của mình.
Nói cách khác, dù dư luận có lúc nhầm lẫn, vẫn có một ranh giới khá rõ ràng, giữa những người sử dụng ma túy hàng ngày và những người bị cuốn theo việc buông thả bản thân để tự thể hiện mình, trong một bối cảnh dễ hưng phấn và bị kích động như khi tham gia lễ hội âm nhạc.
Ranh giới ấy, dù mong manh, nhưng vẫn có thể điều chỉnh bằng một khái niệm dù cũ nhưng luôn có giá trị: vui có điểm dừng, để biết tự kiểm soát bản thân mình.
Không cơ quan chức năng nào có thể theo dõi và giám sát một cá nhân24/24 giờ, trước sự hấp dẫn của các loại chất kích thích, kể từ rượu, cỏ, bóng cười cho tới những mặt hàng có trong danh mục cấm như ma túy. Bởi thế, xét cho cùng, việc sử dụng gì, và sử dụng tới đâu, là trách nhiệm của mỗi người với chính bản thân mình.
Hãy tự lựa chọn.
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất