13/02/2016 16:49 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Trong buổi làm việc với chúng tôi vào dịp cuối năm, một cán bộ tín dụng tại Bắc Ninh bộc bạch, Tết Nguyên đán cũng là mùa lễ hội, mong rằng năm nay người dân đi lễ rải ít tiền lẻ thôi để các nhà đền, nhà chùa đỡ vất vả, cán bộ ngân hàng cũng đỡ mệt trong việc hỗ trợ khâu kiểm đếm và vận chuyển tiền lẻ về kho.
Chia sẻ của chị tưởng như rất đời thường nhưng đó đang là câu chuyện nan giải trong xã hội. Người đi lễ thì đua nhau đổi tiền lẻ dù chịu phí cao và tiền lẻ được rải khắp các ban thờ, trong khi nhà chùa lại mất rất nhiều công để thu gom số tiền này, thậm chí có nhiều nơi phải nhờ đến cán bộ ngân hàng đến kiểm đếm hỗ trợ đổi và chuyển tiền về kho. Đó là một nghịch lý xuất phát từ một thói quen không dễ thay đổi của nhiều người dân.
Người dân Hà Nội lễ đầu năm tại chùa Quán Sứ. Ảnh TTXVN
Nhiều năm trở lại đây, dịch vụ đổi tiền lẻ “nở rộ” tại các khu đền, chùa, di tích. Dù mức giá đổi tiền lẻ khá cao, 10.000 đồng đổi lấy 8.000 đồng, thậm chí có mệnh giá 10.000 đồng chỉ được 6.000 đồng nhưng điều đó dường như không ảnh hưởng đến quan điểm của nhiều người khi đã “tín tâm”.
Khi được hỏi tại sao không đặt lễ ở một nơi trong chùa bằng một tờ mệnh giá lớn thay vì rải tiền lẻ nhiều nơi, chị Thương một người dân đi lễ ở Đền Bà chúa kho cho hay, đây là tiền “giọt dầu”, phải đặt ở đủ các ban mới linh và như thế đức bà sẽ thấy được "tâm" của người dâng lễ.
Xuất phát từ quan điểm đó nên nhiều người dân dù đã được tuyên truyền nhưng vẫn cố tình làm ngơ. Không khó để có thể thấy tại nhiều đền chùa, tiền lẻ được đặt ở nhiều vị trí phản cảm như gài vào tượng phật, vào bình hoa hay mâm ngũ quả... gây mất mỹ quan.
Nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra, hiện nay dùng tiền mệnh giá nhỏ cho lưu thông không nhiều, mà chủ yếu dành cho việc đi lễ. Tín ngưỡng là một nét văn hóa nhưng rất nhiều người không hiểu vấn đề đã vô tình gây lãng phí cho xã hội, làm khổ các nhà tu hành.
Theo Ngân hàng Nhà nước, chi phí sản xuất tiền lẻ cao cao hơn cả mệnh giá của đồng tiền đó. Ngoài ra, số tiền lẻ tại các đền chùa hàng năm lại quay vòng về Ngân hàng Nhà nước, phải chi ngân sách bảo quản, kiểm đếm, phân loại nhiều vô kể. Ba năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định không in mới tiền mệnh giá nhỏ và đã tiết kiệm được cho ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thành Lập, Trưởng Ban quản lý cụm di tích Đền Bà chúa kho, cho rằng đã đến với chốn linh thiêng thì điều quan trọng là cái tâm của người đến. Theo quan niệm tâm linh, để tiền ở các cung ban hay trong hòm công đức không có gì khác nhau bởi cuối cùng cũng được nhà đền thu gom về 1 chỗ. Hơn nữa, đặt tiền không đúng cách sẽ gây phản cảm, thiếu văn minh, không phải cứ rải nhiều nơi là tốt.
Thừa nhận trong mấy năm trở lại đây, với sự vào cuộc của nhà quản lý, lượng tiền lẻ tại Đền Bà chúa kho đã giảm nhiều nhưng ông Lập vẫn cho rằng đây là tập quán lâu đời của người Việt và cần thời gian để thay đổi. Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc có mệnh giá tiền phù hợp, tiền mệnh giá nhỏ không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Chị Thanh, một người dân ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết bản thân chị rất tín tâm và mỗi khi đi lễ chùa chị thường đổi nhiều tiền lẻ và đặt đủ các cung, ban. Nhưng gần đây, thấy việc rải tiền lẻ ở nhiều nơi gây tốn kém và mất công của nhiều người nên chị đã bỏ thói quen này, giờ chị chỉ mua lễ và đặt tiền ở ban thờ chính.
Còn bác Lan, một người dân ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phân tích: “Thay vì đổi 10.000 đồng tiền chẵn lấy 8.000 đồng tiền lẻ tại sao chúng ta không bỏ cả 10.000 đồng vào hòm công đức? Vô hình chung chúng ta đã làm lợi cho một nhóm người. Hơn nữa đến chốn linh thiêng là xuất phát từ cái tâm, tiền bỏ vào đâu cũng sẽ được Phật chứng, cứ rải tiền ở khắp nơi vừa mất công nhà chùa phải đi thu gom vừa gây phản cảm, như thế có lẽ còn mắc thêm tội”.
“Tôi được biết việc đổi tiền thu phí là vi phạm luật, nếu chúng ta đi chùa mà đổi tiền dịch vụ là chúng ta đã tiếp tay cho vi phạm pháp luật”, bác Lan nói thêm.
Khi được thông tin về số tiền 1.500 tỷ đồng tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước từ việc không in mới tiền mệnh giá nhỏ, bác Lan hào hứng chia sẻ, con số này có thể sử dụng vào rất nhiều việc mà xã hội đang rất cần, như xây trường học, bệnh viện ở các vùng nghèo khó, hoặc có thể giúp hàng nghìn em học sinh nghèo được đến trường, người nghèo khó có cơm ăn áo mặc. Người đi chùa với tấm lòng từ bi, hướng thiện thì việc tiết kiệm cho đất nước, làm việc tốt cho xã hội là việc cần làm. Một việc làm ý nghĩa như thế tại sao những người hướng thiện không nghĩ tới?
“Theo tôi, các nhà báo cần tuyên truyền thật nhiều để mọi người cùng hiểu rằng sử dụng tiền lẻ đi lễ chùa như hiện nay là một thói quen xấu, nên thay đổi”, bác Lan nói.
Những chia sẻ của người phụ nữ trung niên ấy khiến người viết bài này thấy rõ hơn trách nhiệm của một công dân trong xã hội đối với một thói quen không tốt. Muốn loại bỏ thói quen sử dụng tiền lẻ khi đi lễ thì trước tiên cần phải thay đổi nhận thức của mỗi người. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen này là một công việc bền bỉ, lâu dài.
“Chỉ khi nào người dân hiểu được rằng, tiền lẻ cũng là một giá trị, cách sử dụng nó cần có văn hóa, đồng thời đến với thần thánh cần tấm lòng thành kính, thì khi đó những ứng xử phi văn hóa mới giảm bớt”, một người dân đã từng chia sẻ như thế./
Đỗ Huyền/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất