Ngẫm ngợi Cuối tuần: Học theo thiên nhiên

12/11/2016 07:15 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Con người ta sống có thời có đoạn, lúc khỏe lúc yếu, giống như “Sông có khúc/ người có lúc”. Chẳng ai có cuộc đời từ khi sinh ra rồi đến khi về với tổ tiên thẳng tưng như cây thước kẻ, mà nó zích zắc lắm đoạn, chẳng ai có thể nghĩ trước ra được điều gì!

Cứ lấy cuộc sống mình ra so. Cả đời bao năm leo đèo lội suối bàn chân không run, nước không thấy lạnh vậy mà khi có tuổi, chớm ốm đau chỉ ngọn gió lọt qua khe cửa sổ cũng bắt nạt được mình. Lúc khỏe, bị ai quát nạt sát bên  tai còn chưa thèm nghe thấy, khi yếu chỉ tí gió lẩn quất từ ngoài sân vào qua kẽ vách đã thấy ớn lạnh. Cho nên sống trên đời phải biết sợ sớm là hợp lẽ.

Hồi tôi đi vẽ ở miền rừng núi Khau Ca, gặp một bác trung niên có tên là Kham ở đơn độc cánh khu rừng trên ngọn nguồn sông Công. Năm ấy tháng 7, nước lũ dâng qua mặt sông, dìm cả bãi ngô ven bờ trong biển nước. Vậy mà ông Kham tay giơ cao cái giậm, tay kia khua mặt nước, bơi đứng qua sông. Ai cũng lạnh người.

Hôm sau nước rút, gặp ông bên bờ sông, nghe tôi nói cảm giác sợ hãi, ông cười khạch khạch bảo “bao giờ vịt chết đuối thì nước mới cuốn nổi lão Kham này”.


Ba năm sau trở lại Khau Ca thăm lại nơi thực tập hỏi thăm lão Kham thì người trong bản bảo “Bị nước cuốn năm ngoái rồi... Lũ ống về to quá, lão cứ bơi sang sông, ai bảo sao cũng không nghe thế là giữa dòng bị lũ ống dập…Phải tuần sau mới tìm thấy xác. Ở Khau Ca, chỉ có mỗi ông Kham là người không có cơ hội rút kinh nghiệm với sông nước, chứ dân núi mà cứ như ông có mà chết sạch”.

Thiên nhiên sòng phẳng và cương quyết lắm. Thiên nhiên không nói nhiều và nhất là không cho ai rút kinh nghiệm cả, dù rút kinh nghiệm sâu sắc như cán bộ mắc sai lầm cũng không được. 

Mấy vụ đá lở năm qua có bất ngờ đâu, trông thấy cả nhưng cái lý luận củ chuối vẫn cứ tồn tại: chắc đâu núi đã lở/ lở chắc đâu đã trúng nhà mình/ trúng nhà mình chắc đâu đã chết…Cái tam đoạn luận ấy của thiên nhiên nó chẳng bao giờ mềm dẻo như con người, vẫn chết đấy nhá.

Mấy năm trước có chuyện cán bộ già trẻ mắc sai lầm trong quản lý và xây dựng thất thoát cả trăm tỉ, chỗ nào cũng kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc rồi  đều yên vị, dân núi tôi góp ý với chính quyền: Sao không  học theo thiên nhiên cho cuốn phăng như lão Kham đi, họp rút kinh nghiệm làm gì?!

Cán bộ lớn lại bảo người khác thiên nhiên chứ, thiên nhiên vô tình, chúng ta còn tình đồng chí ai lại cạn tàu ráo máng thế được. Nhưng chúng tôi bảo, tiền có hạn, cứ để mất mãi rồi chỉ rút kinh nghiệm thì mấy năm sông thành suối, suối thành khe cạn, khe cạn thì thành rãnh nhỏ thì có nhóm bếp cũng chẳng có gì để lên kiềng…Cán bộ ơi, phải biết sợ đi là vừa.

Mà bây giờ mới biết sợ là đã chậm lắm rồi đấy. Già rồi mà lội suối ngày mưa vẫn không sợ lũ ống, mùa rét hơi lạnh luồn qua cửa sổ vẫn không sợ, vẫn không  thấy rét là điềm xấu lắm rồi đấy.

Một người trong bản bảo: theo tôi quản lý nhà nước bây giờ nên học theo thiên nhiên nhiều hơn chứ không nên duy ý chí, duy tình cảm. Ý kiến ông này nghe thật hồn nhiên nhưng không phải không có lý, không phải là không đáng nghe.

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm