Ngẫm ngợi Cuối tuần: Yêu đến mụ mẫm

23/10/2016 06:40 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1988, lần thứ hai vào Sài Gòn công tác, họa sĩ Nguyễn Trọng Tường là bạn thời Đại học rủ tôi đến chơi nhà một người bạn của anh cùng quê Nam Định. Tường bảo đến nhà Tuân "lịch sự” chơi đi. Hỏi sao gọi thế thì anh bảo, đến khắc biết, anh ấy hay lắm.

Tuấn nhỉnh hơn tôi mấy tuổi, chắc là thế nhưng tôi không hỏi. Anh niềm nở bắt tay mời ngồi, đưa hai tay vuốt tóc thẳng thớm rồi mới bắt đầu pha trà.

Đúng là Tuân “lịch sự” thật như cái biệt danh. Người anh cao ráo đẹp, quần đen sơ mi trắng đóng hộp. Anh nói năng dạ thưa nhẹ nhàng nghe mà không khách sáo. Khi nước nôi sắp ghé xuống chén thấy anh ngoảnh mặt ới vào trong nhà “Có chú Đức ở Hà Nội vào chơi, ra chào chú đi con”!

Tưởng là một thằng bé đang học phổ thông, nhưng bất ngờ đi ta là một thanh niên lớn kễnh, râu ria đàng hoàng, quần áo tươm tất và chỉ cân bằng mắt đã thấy nó to gấp rưỡi mình.


Thanh niên mà Tuấn gọi là con đó đứng khép nép hướng ra bàn trà, khoanh tay rồi hơi cúi đầu như người Nhật “Con chào chú ạ”, tôi đang lúng túng chưa biết đáp lễ thế nào thì nó tiếp: "Cho con xin phép chú, con đang dở việc trong nhà”. Nói rồi nó quay trở vào và lúc ấy anh em mới ngồi trà lá.

Tôi nhìn ngôi nhà anh khang trang. Chắc vào Nam đã lâu nhưng anh vẫn nói giọng Bắc vuông vắn. Lan man mới biết anh là người chơi tranh. Anh yêu nghệ thuật hơn cả người theo nghề vẽ. Nhìn lên tường nhà anh, tôi biết, anh cũng chẳng khá khẩm gì mấy nhưng anh vẫn thu xếp được đến tiền triệu hàng tháng cho một nười bạn thành Nam vẽ tranh gửi vào cho anh.

Tường bảo tôi, Tuân "lịch sự” là người sưu tập. Chữ sưu tập với tôi lúc ấy nghe còn lạ tai lắm. Anh mải mê với việc đó đến mức hầu như có đồng nào đều dồn vào đấy.

***

Sau lần gặp ấy mấy tháng, anh ra Hà Nôi. Tôi tiếp anh ở mép phố, đãi anh ngô nếp luộc, anh ăn khen dẻo và không ít lời ca ngợi đồng quê đã cho người thành thị những miếng ăn ngon. Chẳng biết anh nghĩ thế thật hay vì biết tôi là người nhà quê nên nói thế cho tôi ấm lòng. Tôi thầm cảm ơn anh.

Nhưng quả thật đến giờ ngẫm lại cứ ân hận mình tiếp Tuân đạm bạc quá. Cũng không biết làm thế nào, lúc ấy tôi nghèo, trong túi chẳng có tiền, muốn sang trọng cũng không thể. Cuối những năm tám mươi, dân Bắc đói xanh mặt. Rồi anh em chia tay nhau trên vỉa hè Hà Nội, anh về Nam còn tôi về nhà.

Vậy là tôi gặp Tuân có hai lần, cộng lại chắc chỉ trên giờ đồng hồ là cùng.

Nhưng tôi nhớ Tuấn bởi cung cách anh cư xử bặt thiệp và chân thành.

***

Cách đây mấy năm có người trong Nam ra, tôi hỏi thăm Tuân sưu tập. Bạn tôi hỏi có phải "Tuân lịch sự” không. Tôi mừng quá bảo "phải". "Anh ấy giờ mất trí nhớ rồi". "Sao vậy, bị tai biến à"? "Không, anh sưu tập tranh nhưng rồi khuynh gia bại sản vì cái tình yêu đó.

Có bao nhiêu tiền đầu tư vào đó, rồi còn vay mượn nữa. Gánh nặng tiền nong lên vai, tranh không giải tỏa được làm cho anh điên dại mất trí dần. Giờ vẫn còn nhưng có vào chắc anh ấy không nhận ra ai đâu".

Lại mới đây nhất, con anh bạn tôi từ Sài Gòn ra. Một lần nữa tôi hỏi thăm về Tuân “lịch sự”, cháu nó bảo giờ bác ấy chắc còn biết gì nữa, Nhà cũng chẳng còn. Con cái giờ cũng khổ.

Tôi nín lặng, chẳng biết nói gì vì trong lòng trào lên thương xót Tuân, một con người tôi từng yêu mến và tôn trọng giờ bỗng sống trong hư vô. Khi người ta yêu cái gì đó đến mụ mẫm thì nó cũng dễ bị dẫn xuống đến vực thắm như ma Lam kéo người xuống sông xuống suối.

Tôi bâng khuâng nhớ anh dù hai lần gặp nhau chỉ dư tiếng đồng hồ, không nợ nần gì nhau và cũng rất ít biết về nhau. Mấy chục năm trời chỉ đôi lần nhớ đến nhau mỗi khi trò chuyện với ai đó về Sài Gòn đều với tình cảm trọng thị.

Bất chợt tôi thầm nghĩ, may mà lúc ấy tôi chưa biết vẽ tranh bán. Nếu anh ấy đã mua tranh của tôi thì thế nào cũng sẽ để lại trong lòng mình chút ân hận, vì như thế cũng đã góp một phần vào sự suy sụp của Tuân dù nghệ thuật không bao giờ có tội.

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm