Ngẫm ngợi cuối tuần: Chiêm nghiệm trong dân gian

18/01/2025 08:00 GMT+7 | Văn hoá

"Rượu trên be/ chè dưới ấm", chả lẽ là lời tổng kết của trà đạo Việt Nam chăng? Tôi biết đến thành ngữ này trong một chuyến dã ngoại. Người kể tôi nghe là anh bạn mới qua tuổi trung niên. Trên đường đi, ấm pha trà không có, anh phải pha bằng cái bình giữ nhiệt đi đường mà trà vẫn giữ có được hương vị như pha ấm phòng trà.

Bí quyết thật đơn giản, trà cho vào bình chừng nửa phút, anh đóng nắp, và chừng hơn một phút sau, anh dốc ngược bình xóc mạnh nhiều lần, rồi mở nắp rót trà. Tách trà thơm đủ đậm không nồng.

Anh giải thích: "rượu trên be" là rượu luôn bốc trên mặt, ghé miệng nhâm nhi ngay mới ngon; "chè dưới ấm" là chất chè thường đọng phía dưới, khi xóc mới trộn lên đều. Nên pha trà ấm khi rót, người ta thường lắc ấm rồi rót ra cái chuyên là thế.

Tôi dân vùng chè mà mãi giờ mới biết, vì mình làm chè nhưng chỉ là người uống trà chứ đâu là người thưởng trà. Chế biến cho mẻ chè ngon thì biết đủ kĩ thuật, nhưng thưởng trà thì dân uống trà mới hay.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Chiêm nghiệm trong dân gian - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Nghệ thuật là thế đó, người vẽ tranh làm ra tranh đẹp theo cảm nhận của mình, nhưng người xem tranh thì nhìn ra nhiều cái hay bất ngờ mà người vẽ không hẳn biết đã có ở tranh mình. Tôi đã có lần ngồi nghe người xem tranh nói về những bức vẽ của mình, đã từng ngạc nhiên như vậy.

Chế biến chè và thưởng trà là hai việc khác hẳn nhau. Một bên là kĩ thuật còn bên kia thưởng thức là thẩm định.

***

Thời trai trẻ, tôi hay ghi chép các câu danh ngôn thế giới, nghĩ đó là những tổng kết hay, nhưng mãi sau mới nhận ra khá nhiều trong số đó chỉ là những chiêm nghiệm nhất thời có tính ngẫu hứng chứ không phải tổng kết. Chỉ có tổng kết mới thực có giá trị bền lâu, có sức nặng thực sự. Vì tổng kết là chỉ ra quy luật qua sự chiêm nghiệm của nhiều thế hệ, còn lập ngôn chỉ là những suy ngẫm cá nhân nhất thời.

Xin đưa một ví dụ từ lời tiền nhân: "Đời cua cua máy/ đời cáy cáy đào". Đây là tổng kết rất hay, khi chỉ ra được cái cốt lõi của cuộc sống con người. Đó là lời dạy, lời nhắc nhở rằng, cuộc đời phải trông vào chính mình, không thể cậy nhờ ai, thì mới vững vàng. Người dân trồng lúa nước lấy ngay đời con cua, con cáy ra dạy con cháu đừng có lười biếng sống dựa. Ỷ lại là sống dựa, cậy quyền là sống dựa. Cua cáy là tầng lớp thấp nhất trong xã hội mới nhìn rõ điều đó. Thời nay, ta thấy có những người lười biếng hoặc sống dựa vẫn nhất thời có uy danh nhưng không bền, chẳng mấy chốc trở lại thân phận thấp hèn.

Tôi luôn yêu nhưng câu tục ngữ, thành ngữ trôi nổi trong nhân gian, vì đó là những lời dạy sâu sắc có tính bác học. Biết nó, thấm nó, con người sẽ vững vàng và thanh thản trước cuộc đời sóng gió. "Sóng cả không ngã tay chèo" khi hiểu quy luật cuộc sống.

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm