Nga, Mỹ thảo luận những quan ngại an ninh

17/02/2022 11:42 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken về những quan ngại an ninh.       

Nguy cơ chiến tranh Nga-Ukraine phủ bóng đen lên châu Á

Nguy cơ chiến tranh Nga-Ukraine phủ bóng đen lên châu Á

Báo Straits Times đã đưa ra nhận định về tác động từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đối với châu Á khi căng thẳng tiếp tục gia tăng.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, tại cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì các nỗ lực, đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden nhất trí, nhằm thúc đẩy hợp tác dựa trên các đề xuất an ninh của Moskva. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga cũng kêu gọi tiến hành một cuộc đối thoại thực chất về toàn bộ vấn đề được nước này đưa ra, đặc biệt là an ninh.       

Về phần mình, Ngoại trưởng Blinken cho biết Washington mong muốn Moskva phản hồi bằng văn bản đối với đề xuất an ninh mà Mỹ và Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa ra, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của "việc giảm leo thang căng thẳng có thể kiểm chứng, đáng tin cậy và có ý nghĩa" trong vấn đề Ukraine.       

Các nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước cũng đã thảo luận lịch trình các cuộc gặp sắp tới ở nhiều cấp khác nhau.       

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã có cuộc điện đàm, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố lực lượng ở sườn phía Đông của NATO. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong vấn đề Ukraine.       

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn lời người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng cần đánh giá tình hình Ukraine ở mức "cực kỳ nghiêm trọng", đồng thời cho rằng cần hướng tới việc thực thi các thỏa thuận hòa bình Minsk đã được Nga, Ukraine, Pháp và Đức nhất trí năm 2015 và đạt được tiến triển theo định dạng Normandy - được thành lập hồi năm 2014 trong một nỗ lực nhằm đem lại hòa bình cho miền Đông Ukraine.       

Trong khi đó, một nguồn tin Chính phủ Đức cũng cho biết lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ có cuộc gặp không chính thức trong ngày 17/2 để nghe Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo về chuyến công du tới Moskva. Tuy nhiên, sẽ không có văn kiện nào được thông qua tại cuộc gặp này.       

Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh EU – Liên minh châu Phi (AU) sẽ được tổ chức ở Brussels (Bỉ) từ 17-18/2 và trước hội nghị sẽ là cuộc gặp không chính thức của các nhà lãnh đạo EU thảo luận quan hệ với Nga. Cũng theo nguồn tin, cuộc gặp sẽ được tổ chức dưới dạng báo cáo tình hình, chỉ là trao đổi quan điểm mà không liên quan gì tới văn bản tài liệu. Nguồn tin không cho biết liệu Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người cũng đã tới thăm Moskva và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, có phát biểu tại cuộc gặp hay không.       

Dự kiến Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng có kế hoạch gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 19/2, bên lề Hội nghị An ninh thường niên Munich diễn ra tại Đức. Ngoại trưởng Anh Liz Truss cũng dự kiến tới thăm Ukraine và Ba Lan, trước khi tham dự Hội nghị an ninh thường niên Munich ngày 19/2.       

Căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga và phương Tây thời gian gần đây khi Mỹ và NATO cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Phía Moskva luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc trên là động thái gây leo thang căng thẳng vô căn cứ. Nga cũng cho rằng việc NATO tìm cách mở rộng về phía Đông, trong đó có việc kết nạp Ukraine cũng như đưa vũ khí vào lãnh thổ nước này, đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của Moskva.                               

Mạnh Hùng - Ngọc Hà/TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm