Nàng Mê Đê lần đầu lên sân khấu cải lương

18/04/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Tôi đã tiếp cận kịch bản Mê Đê (Medea) của Ơripit (Euripides) (480 - 406 TCN, 1 trong 3 nhà viết bi kịch lớn của Hy Lạp cổ đại) từ khi là sinh viên văn khoa sư phạm. Cũng từng xem kiệt tác Mê Đê - vở kinh điển của sân khấu thế giới -trên sân khấu Việt Nam. Nhưng xem Mê Đê phiên bản 2023 trên sân khấu cải lương thì là lần đầu tiên.

Trước khi xem tổng duyệt vở Mê Đê do do nghệ sĩ Đoàn thể nghiệm Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện vào tối 11/4 tại Nhà hát Lớn, thực sự tôi háo hức, hồi hộp, chờ đợi và có chút lo lắng, chưa tin lắm vở kịch kinh điển Hy Lạp có thể "cộng hưởng" được với kịch hát dân tộc thương hiệu "madein Việt Nam". Nhà viết kịch Lê Quý Hiền cũng thẳng thắn chia sẻ: "nói thật tôi chưa tin nó sẽ thành công, bởi bằng ngôn ngữ kịch nói đã khó nay lại chuyển thể sang cải lương thì sợ cái tiết tấu dồn dập của các sự kiện trong Mê Đê sẽ bị mất đi".

Nàng Mê Đê lần đầu lên sân khấu cải lương - Ảnh 1.

Tạo hình hai con trai của Mê Đê thành hai búp bê do hai cung nữ bế

Và sự hồi hộp, lo lắng đã được hóa giải khi vở cải lương Mê Đê kết thúc đầy cảm xúc.

Giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật ngỡ ngàng và xúc động. Phải chờ khá lâu, tôi mới tiếp cận được NSƯT Lê Đại Chức để chúc mừng và chụp tấm ảnh lưu niệm cùng gia đình anh - người nghệ sĩ được trời cho "giọng vàng".

Vở bi kịch Mê Đê được trình diễn lần đầu tiên vào năm 431 (TCN) trong sự kiện lễ hội Dyonisies và đoạt giải ba cuộc thi kịch. Ngay sau khi ra đời, vở kịch đã phải đối mặt với sự phản đối từ số đông khán giả. Dẫu vậy, nhưng hàng nghìn năm nay, Mê Đê vẫn sống trong lòng khán giả khi hàng trăm nhà hát trên thế giới vẫn chọn dựng cho sân khấu.


Từ kiệt tác sân khấu của tác giả Ơripít ra đời cách nay 2.500 năm, dịch giả Hoàng Hữu Đản (1922-2012) đã dịch một số bi kịch Hy Lạp cổ đại sang tiếng Việt, trong đó có Mê Đê. Năm 2006, Mê Đê đã có mặt trong Tủ sách Kiệt tác sân khấu thế giới...

Đi vào ngóc ngách nội tâm bằng cải lương

Từ nguyên tác kịch bản Mê Đê của Ơripít, 2 tác giả NSƯT Lê Chức và NSND Triệu Trung Kiên đã chuyển thể sang sân khấu cải lương cùng ê-kíp sáng tạo: âm nhạc (nhạc sĩ Trọng Đài); thiết kế sân khấu (NSƯT Doãn Bằng); biên đạo múa (Thành Trung); thiết kế phục trang (NSƯT Minh Hùng); đài trưởng (Thiên Kiều); phụ trách điều hành vở diễn (NSƯT Trần Quang Khải)...

Sau hơn 20 năm bận rộn công tác quản lý, trở lại vị trí đạo diễnở tuổi 76, "quý ông tuổi Đinh Hợi" Lê Đại Chức đã khiến đồng nghiệp thực sự nể trọng về lao động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo.

Vừa bám sát nguyên tác, vừa như một kiến trúc sư tài hoa, đạo diễn NSƯT Lê Đại Chức đã kể chuyện Mê Đê theo cách riêng, theo cảm xúc của mình kết hợp cách diễn, thoại, hát cải lương một cách mượt mà, uyển chuyển, tạo hiệu ứng thẩm mỹ mà không làm mất đi sự toàn vẹntrongnội dung. Như chính khẳng định của ông: "Tôi dàn dựng tôn trọng tối đa tính nguyên bản của tác phẩm. Đây cũng là cách dàn dựng phù hợp nhất của một tác phẩm được tôn vinh là 1 trong 100 tác phẩm kịch kinh điển mọi thời đại".

Nàng Mê Đê lần đầu lên sân khấu cải lương - Ảnh 3.

Cảnh Jedong đau đớn nhận tấn bi kịch của sự mất mát, cô đơn

Và nói như nhà báo Nguyễn Thế Khoa, "vở diễn đã cắt đến hơn nửa kịch bản của Ơripit mà vẫn giữ được tinh thần và những cái hay nhất của nguyên tác...".

Đạo diễn đã tiết chế nhiều chi tiết, kể lại câu chuyện Mê Đê một cách khái quát, cô đọng, súc tích nhất thông qua cải lương. Ngay mở đầu, đạo diễn đã để dàn đồng ca hát, nhân vật dẫn chuyện giới thiệu lai lịch, xuất xứ câu chuyện của tấn bi kịch Mê Đê trong kho tàng văn học dân gian Hy Lạp cổ đại. Nàng là con gái vua xứ Colchis, giỏi phù phép ma thuật. Vua có một tấm da lông cừu vàng - một thứ bùa hộ mệnh quý giá để bảo vệ đất nước và ngai vàng. Vì tình yêu, nàng đã bất chấp tất cả, lấy được tấm da cừu quý giá, giúp chồng là Jadong (Jason) trả thù vua Pélias. Mê Đê cùng chồng và 2 con trai phải chạy đến vương quốc Corin thẩn thân... Tại đó, Mê Đê - Jadong cùng 2 con trai đã sống rất hạnh phúc, hòa thuận cho đến ngày mọi cái đã bị đảo lộn tất cả. Vì tham vọng quyền lực, mưu đồ được thừa kế và trị vì vương quốc Corinth, Jadong đã quyết định lấy công chúa con vua xứ Corinth, phải bội ước tình yêu, rũ bỏ gia đình, chối bỏ vợ con...

Mê Đê hết sức đau khổ, quyết tâm trả thù chồng bằng cách giết chết cha con vua Corinth bằng thuốc độc; tự tay giết 2 con trai rồi mang xác con lên cỗ xe do thần Hélios gửi xuống và bay đi mất. Còn kẻ phản bội phải chịu một hình phạt lớn nhất là mất mát, khổ đau, cô đơn suốt cuộc đời.

Đạo diễn Lê Đại Chức đã bám sát nội dung vở kịch đảm bảo tính nguyên vẹn. Ngoài những cách dẫn chuyện, màn hát của dàn đồng ca, ông tập trung khai thác sự trả thù của Mê Đê với Jadong- người chồng bội bạc. So với nội dung trong thần thoại Hy Lạp, sáng tạo của tác giả Ơripit là cài chi tiết Mê Đê giết chết 2 con trai của mình chính là một khác biệt rất lớn. Có phải vì thế, tác giả Ơripit đã vấp phải sự phản đối của khán giả ngay sau khi vở kịch ra mắt cách nay 2.500 năm? Đạo diễn đã để nhân vật Mê Đê thể hiện độc thoại, hành động trong sự giằng xé nội tâm dữ dội giữa lý trí và tình cảm, giữa yêu thương và thù hận, giữa cảm xúc của người mẹ yêu con mà lại giết con...

Lướt qua các chi tiết bằng cách dẫn chuyện, dàn đồng ca, đối thoại, đạo diễn đã tập trung, xoáy sâu, khám phá tâm hồn người phụ nữ với những dằn vặt đau đớn khi rơi vào hoàn cảnh trớ trêu vì tình yêu mà bất chấp nhận tất cả, khao khát hạnh phúc mà bị chồng bội phản, muốn an cư thì lại bị xua đuổi nơi đất khách, muốn tạo dựng một gia đình mà lại bị mất tất cả... Những ngõ ngách nội tâm qua nghệ thuật cải lương được thể hiện càng sâu sắc hơn. Đạo diễn đã góp phần minh chứng đầy sức thuyết phục cho tài năng của "nhà triết lý trên sân khấu" Ơripit bằng cải lương.

Nàng Mê Đê lần đầu lên sân khấu cải lương - Ảnh 4.

Mê Đê (NS Như Quỳnh) đang quỳ lạy cầu xin vua Creong (NS Quách Thông) ban ấn cho hai con trai ở lại vương quốc này

Kết thúc Mê Đê là một bi kịch thảm khốc, nhưng lại lại khiến khán giả lắng lại trong cảm xúc, tỉnh táo để minh định, lý trí để phân tích để càng thương xót cho nhân vật Mê Đê hơn. Quả là, trong Mê Đê, Ơripit đã phản ánh một xã hội đầy bất công - xã hội đã góp đẩy Mê Đê đến bước đường cùng, buộc nhân vật phải quyết định tấn bi kịch cho mình dẫu biết việc gây tội lỗi sẽ đồng hành cùng khổ đau và bi phẫn. Vì thế, sau mấy ngàn năm, Mê Đê vẫn là 1 trong những đỉnh cao của thần thoại Hy Lạp và sân khấu thế giới.

Dấu ấn diễn xuất

Nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam đã thể hiện rất tốt vở diễn kinh điển này. Các tuyến nhân vật chính, phụ, dàn đồng ca...đều thể hiện hết sức xuất sắc vai của mình.

Khán giả dành nhiều tình cảm cho giọng ca đầy nội lực của cặp nghệ sĩ Như Quỳnh - Minh Hải với những tràng vỗ tay không ngớt. Gần 2 giờ đồng hồ, nghệ sĩ Như Quỳnh trong vai Mê Đê tung tẩy trên sân khấu vừa diễn, thoại, hát...và luôn biết tiết chế cảm xúc (bung, ghìm) làm bật lên sự giằng xé nội tâm trong diễn biến tâm lý hết sức đa dạng, phức tạp: Khi xa xót, khóc thương; khi yêu thương, trìu mến; lúc sắc lạnh, hỉ hả; khi cao trào đỉnh điểm của căm ghét, thù hận...

Nàng Mê Đê lần đầu lên sân khấu cải lương - Ảnh 5.

Nghệ sĩ Minh Hải và Thu Hiền vào vai Jedong và công chúa xứ Côranhtơ

Như Quỳnh vào vai kép vừa là đào thương, vừa nữ lệch xuất thần: "Chị tiết chế, ghìm cảm xúc khi lên khi xuống, nhấn nhá khi "nói lối", đã diễn tả xuất sắc một Mê Đê sắc sảo, nanh nọc, quyết trả thù đến cùng. Đây là vai diễn nặng ký và thành công của chị" - Triệu Đình Vũ nhận xét.

Nghệ sĩ Minh Hải thể hiện vai kép lệch Jadong đầy ấn tượng. So với Như Quỳnh, anh xuất hiện trên sân khấu không nhiềunhưng đã chinh phục khán giả từ ngoại hình đẹp, sang trọng, giọng ca ấm áp, truyền cảm cùng lối diễn xuất xuất thần trong nhân vật Jadong- kẻtham lam, say mê quyền lực, mưu mô đã bội tín, bội tình để thỏa mãn giấc mộng đế vương. Cảnh cuối cùng, Minh Hải đã diễn thật sống động tấn bi kịch vật vã, đớn đau, cô đơn...

Nàng Mê Đê lần đầu lên sân khấu cải lương - Ảnh 7.

Các tuyến nhân vật phụ dù xuất hiện thoáng qua, nhưng đều có điểm nhấn diễn xuất. Nghệ sĩ Thu Hiền xuất hiện không nhiều, nhưng cách diễn khá hiệu quả, nhất là cái chết vật vã, tức tưởi của nàng công chúa trước thềm hạnh phúc.

Nghệ sĩ Thiên Kiều duyên dáng, tự nhiên vào vai người vú già dẫn chuyện xuất hiện đầu vở diễn. Các nghệ sĩ tham gia dàn đồng ca, các vai cung nữ như Minh Nguyệt, Lệ Hằng, Lan Phương... trong trang phục trắng thanh khiết, tạo nên chất tươi mới góp phần làm nên thành công cho Mê Đê...

Chen vào chất cổ điển Hy Lạp là chất Việt gần gũi


"Biên tập cắt ngắn gọn câu chuyện thật hợp lý. Thời lượng vừa đủ lại xâu chuỗi giữ được tiết tấu của các sự kiện. Cách chuyển thể vào các bài bản cải lương mà vẫn giũ được ngôn ngữ cổ nguyên tác" - nhà viết kịch Lê Quý Hiền nhận xét - "Theo tôi, đây là thành công của chuyển thể, vì không thấy được cái Việt hóa cũng như sự khập khiễng so lệch với những bài bản cải lương. Và như ai đã từng nói, vở diễn thành công là khi đạo diễn biết giấu mình để dàn dựng khéo léo như bản thân của vở diễn cứ tuần tự diễn ra như nó vốn phải vậy".

Anh nói thêm: "Sự thử nghiệm lần đầu tiên ở sân khấu cải lương Việt Nam là một thử thách không hề nhỏ. Nhưng sự sáng tạo của tập thể Nhà hát đã cho Mê Đê một vẻ đẹp mới mẻ, chen vào chất cổ điển Hy Lạp là chất Việt gần gũi, sự phá cách phong cách sân khấu truyền thống bằng ngôn ngữ cải lương tạo hấp dẫn, để không thể bỏ sót bất cứ gì đang diễn ra trên sân khấu".


Vở cải lương Đê luôn là bài học quý giá cảnh tỉnh cho những kẻ mải mê quyền lực, bội bạc, hận thù, phản trắc, chiến tranh... Để hóa giải cho nhân loại đứng trước những thảm họa trên chỉ có thể là nuôi dưỡng lòng nhân ái, bao dung, khát vọng hòa bình...

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm