Mỹ sẽ trảm 'Thần sấm' A-10?

15/12/2013 13:26 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bị Không lực Mỹ ghét bỏ lâu nay, chiếc máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II cuối cùng có thể sẽ bị đưa tới đoạn đầu đài, do áp lực từ ngân sách quân sự bị cắt giảm.

Máy bay tấn công mặt đất A-10 Thunderbolt (Thần sấm) ra đời từ những chỉ trích trong chiến tranh Việt Nam

“Xe tăng trên không trung”

Không lực Mỹ bị cáo buộc đã không đầu tư nghiêm túc cho lực lượng hỗ trợ mặt đất bám sát (lose air support - CAS). Hậu quả là trong chiến tranh Việt Nam, một lượng lớn máy bay cường kích đã bị bắn hạ bởi súng trường, súng phòng không tầm thấp, buộc quân đội phải nghĩ tới việc cho ra đời một loại máy bay có thể chống lại được các vũ khí này.


A-10 Thunderbolt được bộ binh yêu mến, nhưng bị Không lực ghét bỏ

Năm 1966, Không lực thành lập chương trình Cường kích thử nghiệm (A-X) nhằm chế tạo ra chiếc máy bay có thể hỗ trợ bộ binh hiệu quả. Tháng 5/1970, Không lực đưa ra một bản đề xuất chi tiết hơn về mẫu máy bay cường kích họ mong muốn có. Thời điểm này, mối đe dọa tới từ lực lượng thiết giáp Liên Xô đã trở nên lớn hơn, nên chiếc máy bay được bổ sung thêm yêu cầu phải mang được pháo GAU-8 Avenger cỡ nòng 30mm, tốc độ bắn 4.000 viên/phút.
 
Về cơ bản A-10 được thiết kế quanh khẩu pháo này. Đây là vũ khí chủ lực của máy bay và cũng là khẩu pháo nặng nhất từng gắn lên một chiếc máy bay. A-10 mang theo được 1.170 viên đạn xuyên giáp cho khẩu pháo, đủ mạnh để bắn thủng những chiếc xe bọc thép với giáp rất dày.

Bộ khung của A-10 được thiết kế để tăng cường khả năng sống sót. Nó có thể chịu được cú bắn thẳng từ đạn xuyên giáp 23mm. Nó vẫn bay được dù bị bắn hỏng một động cơ, một bên đuôi và mất nửa cánh.

Mẫu A-10 hoàn chỉnh đầu tiên được sản xuất trong tháng 10/1975 và tổng cộng có  715 chiếc được sản xuất, với chiếc cuối cùng được chuyển giao vào năm 1984.

Yếu thế vì đơn năng

Mặc dù chậm chạp và nặng nề, chiếc máy bay hai động cơ này lại đặc biệt hiệu quả trong hoạt động hỗ trợ mặt đất, khiến nó trở thành một tài sản được Lục quân Mỹ đánh giá cao. Bộ binh gọi đùa A-10 là Hog (lợn lòi) và với họ, nó giống như thiên thần cứu mạng,

Nhưng Không lực Mỹ chưa từng "hứng thú trong việc chế tạo một chiếc máy bay cường kích bay dưới tốc độ âm thanh", theo như nhận xét của chuyên gia hàng không Richard Aboulafia ở tập đoàn tư vấn Teal Group.

"Đây là chiếc máy bay phục vụ các trận chiến lớn trên bộ và trong tương lai gần, có thể thấy sẽ không có nhiều trận chiến như thế, chưa kể tới vấn đề áp lực ngân sách" - ông nói.

Khẩu pháo 30mm trên A-10 cũng là hệ thống pháo nặng nhất từng treo trên một chiếc máy bay cường kích Mỹ


Kể từ cuối cuộc Chiến tranh lạnh, Không lực Mỹ đã có vài lần tìm cách loại bỏ một phần lớn phi đội A-10. Nhưng rồi họ lại phải từ bỏ ý định do xảy ra các trận chiến ở Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên Aboulafia tin rằng thời điểm thuận lợi cho Không lực đang đến gần.

Bộ Quốc phòng hiện đã đối mặt với áp lực cắt giảm ngân sách quốc phòng lên tới 1.000 tỷ USD trong vòng thập kỷ tiếp theo, với một nửa số tiền này sẽ bị cắt giảm tự động. Riêng Không lực đã phải tiết kiệm 12 tỷ USD trong năm 2014, theo Tham mưu trưởng Không lực Mark Welsh.

Vì thế tới năm 2015, Không lực đã có kế hoạch chia tay vơi toàn bộ phi đội A-10 hiện nay, tổng cộng 326 chiếc, nhằm tiết kiệm 3,7 tỉ USD. "Đây là chiếc máy bay tuyệt nhất trên thế giới trong việc thực hiện chức năng mà nó được thiết kế" - Welsh nói với các nghị sĩ Mỹ. Ông cho biết bản thân đã lái chiếc máy bay này trong hàng ngàn giờ. Nhưng ông khẳng định rằng Không lực đã rất thẳng thắn khi buộc phải xem xét việc vứt bỏ thứ gì đó để tiết kiệm chi phí.

Theo ông, vấn đề của A-10 là nó chỉ có thể hỗ trợ các nhiệm vụ trên bộ. Nó không có khả năng đa nhiệm như các máy bay F-15 hoặc F-16. Ông cũng chỉ ra rằng Không lực sẽ chỉ tiết kiệm được nhiều tiền nếu loại bỏ toàn bộ phi đội A-10. Ông chỉ ra rằng để tiết kiệm chừng ấy tiền, Mỹ sẽ phải hủy bỏ số máy bay F-16 lớn gấp 3 tới 4 lần số lượng A-10. "Nếu phải lựa chọn như thế, chúng tôi sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ" - ông khẳng định.

Người muốn bỏ, người muốn giữ

A-10 hiện thực hiện chưa đầy 30% số chuyến bay hỗ trợ mặt đất bám sát. Các máy bay F-16 và trực thăng Apachie đã chiếm một lượng lớn còn lại và tương lai gần, máy bay chiến đầu F-35 sẽ vào cuộc.

Thế nhưng trong khi Không lực muốn hủy bỏ A-10, Lục quân Mỹ lại cố tìm cách làm điều ngược lại. "A-10 là máy bay hỗ trợ mặt đất bám sát tốt nhất mà chúng ta có ngày hôm nay" - người đồng cấp với Welsh trong Lục quân, Tướng Ray Odierno, tuyên bố hồi tháng 11 - "Nó thực hiện nhiệm vụ rất tốt ở Iraq và Afghanistan".

Tháng trước, khoảng 3 chục nghị sĩ Mỹ từ cả hai đảng đã viết thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel để bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về kế hoạch dẹp bỏ máy bay A-10. Xem ra, dù rất muốn “chém” chiếc máy bay này, Không lực vẫn chưa dễ hạ đao.

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm