14/01/2020 07:56 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 13/1, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức bãi bỏ quyết định liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ vốn được Washington đưa ra từ tháng 8/2019. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy xu hướng hạ nhiệt căng thẳng giữa 2 cường quốc kinh tế sau gần 2 năm xung đột.
Chỉ 2 ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 theo kế hoạch với Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định trong báo cáo nửa năm một lần trình Quốc hội rằng, đồng Nhân dân tệ (NDT) đã mạnh lên và Bắc Kinh không còn bị coi là một quốc gia thao túng tiền tệ.
Báo cáo của bộ trên viết, trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, “Trung Quốc đã đưa ra những cam kết có thể thực thi nhằm kiềm chế hành động phá giá mang tính cạnh tranh và không sử dụng tỷ giá hối đoái của họ vì những mục đích cạnh tranh”.
Ngày 5/8/2019, Bộ Tài chính Mỹ đã liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng NDT khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên leo thang. Quyết định của Mỹ được đưa ra sau khi cùng ngày Trung Quốc để đồng NDT lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu phá ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD, khiến các thị trường tài chính hỗn loạn và giới đầu tư chờ xem đồng tiền này có giảm sâu hơn nữa hay không.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) một ngày sau đó tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết phản đối quyết định của Mỹ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, cho rằng Bắc Kinh chưa và sẽ không sử dụng đồng nhân dân tệ để đối phó với những bất đồng về thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo tuyên bố của PBOC, việc coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ gây tổn hại nghiêm trọng tới các quy tắc quốc tế.
Ngọc Biên/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất