Đồ dùng học tập cũng “đồng phục”

08/09/2011 07:59 GMT+7 | Giáo dục

Không có cơ quan quản lý nào đưa ra quy định về việc học sinh phải dùng loại vở này, loại bút kia, nhưng ở nhiều trường, phụ huynh phát mệt khi phải chạy theo những yêu cầu riêng.



Phụ huynh chọn mua vở cho con tại một nhà sách ở Hà Nội. Nếu không theo yêu cầu của giáo viên, phụ huynh dễ mua phải những loại vở “không đạt yêu cầu” - Ảnh: Thư Hiên.

Năm học này cháu L.A. - con anh Tiến - lên lớp 3 Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Chuẩn bị cho ngày khai giảng, anh Tiến dắt con đi mua đồ dùng học tập, trong đó có 10 cuốn vở loại bốn ô li 48 trang. Tuy nhiên, sau ngày tựu trường, cháu L.A. thông báo phải mua ngay vở khác, loại năm ô li.

TSKH Phan Hồng Giang: Mỗi sản phẩm đều có vị trí riêng

Những sản phẩm phục vụ giáo dục được phép lưu hành trên thị trường đều có vị trí nhất định của nó. Nếu các nhà giáo cho rằng chỉ có vở chủng loại nọ chủng loại kia mới đáng dùng thì tất cả vở chủng loại khác đều ế hết hay sao! Tôi đồng ý việc tuân thủ các chuẩn mực trong giáo dục nhưng phải có giới hạn, phải để cho phụ huynh và học sinh một khoảng tự do nhất định. Giáo viên tư vấn cho phụ huynh thì được, nhưng nếu buộc họ phải thực hiện là cách làm phản giáo dục”. Từ vở, bút, bảng...

Ngay trong ngày anh Tiến vội ra nhà sách mua 10 cuốn vở năm ô li loại 80 trang (do nhà sách không có loại vở năm ô li 48 trang). Vì lo lắng, buổi tối vợ anh Tiến đi mua thêm 10 cuốn vở năm ô li loại khác cho chắc ăn. Thế nhưng, ngày hôm sau cháu L.A thông báo cô giáo không chấp nhận loại vở này với lý do dày quá, đồng thời đề nghị bố mẹ cho tiền mua vở của trường phát hành.

Anh Tiến bức xúc: “Hồi lớp 1, 2 cháu viết vở bốn ô ly, giờ lên lớp 3 bỗng dưng phải viết vở năm ô ly. Mà tại sao trường không lưu ý trước? Tự nhiên nhà tôi thành kho chứa vở! Ngoài những cuốn vở tôi và vợ tôi mua, cháu có rất nhiều vở được tặng nhưng tất cả đều không đáp ứng yêu cầu của cô giáo”.

Trong khi đó chị Hằng, một phụ huynh có con học Trường Nam Thành Công, Hà Nội, cho biết: “Phần thưởng học sinh giỏi của con năm học trước là vở của cơ sở TR.N nhưng khi vào năm học mới cô giáo lại yêu cầu học sinh dùng vở của cơ sở sản xuất khác vì cho rằng giấy không trơn, dễ viết”. Phụ huynh một trường công lập khác ở quận nội thành Hà Nội cũng băn khoăn: “Tôi nghe nói vở HH là loại phù hợp với học sinh lớp dưới nên đã mua cho con dùng, nhưng cô giáo lại yêu cầu chỉ dùng đúng loại vở HH mã số 0509”.

Nhiều trường học ở Hà Nội hiện nay phát hành vở “đồng phục” do trường phối hợp với các cơ sở sản xuất in, bìa sách có in ảnh và tên của trường. Và để đỡ mất công do “không mua được vở đúng với yêu cầu của giáo viên”, phụ huynh đành nộp tiền mua “đồng phục” vở. Tương tự, một số phụ huynh ở Trường tiểu học Phương Nam đổ xô đi tìm bảng của cơ sở sản xuất NA vì cô giáo đề nghị “phải dùng loại bảng này mới tốt”.

Đến... giấy kê tay

Trong một cuộc họp phụ huynh đầu năm học mới ở một trường tiểu học ở quận Đống Đa, Hà Nội, nhiều phụ huynh đã phát sốt vì các yêu cầu “thống nhất về đồ dùng học tập của học sinh”. Một phụ huynh cho biết: “Tôi đã mua đến ba loại bút chì HB theo lời dặn của cô giáo, nhưng vẫn không đạt yêu cầu”. Trong buổi họp phụ huynh, cô giáo đã dành đến 20 phút để giải thích loại bút chì nào phù hợp. Đến nỗi ban đại diện phụ huynh vừa được bầu phải làm ngay một việc thiết thực đầu tiên là “thu tiền của phụ huynh để đi mua sắm lại đồng loạt các loại vở, bút chì, bảng”.

Chị Ngọc, ở Gia Lâm, Hà Nội, có con năm nay vào lớp 1, băn khoăn: “Tôi thấy Bộ GD-ĐT khuyến khích giáo viên, các nhà trường tự làm đồ dùng dạy học, nhưng ở trường con tôi, cô giáo lại chỉ muốn phụ huynh xài đồ mua sẵn.

Khi cô giáo đề nghị học sinh phải có giấy kê tay (để không làm bẩn vở khi viết) tôi đã tự làm cho con bìa mỏng để kê tay. Nhưng buổi học hôm sau con gái tôi cho biết “cô không đồng ý cho con dùng bìa kê tay này”. Tôi lại bỏ một buổi tối để làm loại bìa kê tay khác tiện lợi hơn, nhưng hôm sau cô vẫn không chấp nhận, mặc dù con gái tôi cho biết “con dùng bìa của mẹ rất tiện và không lo bẩn vở”. Cuối cùng tôi cũng phải tìm đến cửa hàng văn phòng phẩm mua đúng loại giấy kê tay mà cô giáo chỉ dẫn”.

Cũng về chuyện giấy kê tay, chị Hiền có con học lớp 2 cho biết: “Khi con đầu của tôi học lớp 1 Trường tiểu học Lê Văn Tám, cô giáo chủ nhiệm của con tôi bày cho phụ huynh một kinh nghiệm tự làm giấy kê tay rất tiện lợi: sử dụng chính giấy bọc vở được gập dài hơn vào bên trong, đúng bằng kích cỡ trang giấy. Học sinh vừa dùng làm giấy kê tay, bìa vở lại cứng hơn, không bị quăn góc. Tôi mang kinh nghiệm này áp dụng khi con thứ hai của tôi vào lớp 1 năm nay, nhưng đã bị cô giáo phản đối, yêu cầu “mua giấy kê tay giống các học sinh khác”.

Bệnh hình thức hay vì lợi ích?

PGS-TS xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng các nhà giáo cần phải cân nhắc tỉ mỉ trước mỗi yêu cầu của mình đối với cha mẹ học sinh, nên cân nhắc phương thức thực hiện sao cho hiệu quả, giảm thiểu tối đa sự phiền nhiễu không đáng có cho phụ huynh. ”Trong xã hội hiện nay tồn tại rất nhiều nhóm lợi ích đằng sau mỗi yêu cầu của những người có quyền hoặc có khả năng ảnh hưởng tới người khác. Vì thế các nhà giáo càng phải thận trọng khi đưa ra những yêu cầu với cha mẹ học sinh” - TS Trịnh Hòa Bình nói.

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm