(TT&VH) - M.U đã vượt qua bài thử nghiệm cực khó trên sân White Hart Lane với nguồn cảm hứng chính là cầu thủ được chờ đợi để thay thế Cristiano Ronaldo trong màu áo đỏ mùa giải này, Wayne Rooney. Còn Tottenham, sau một khởi đầu như mơ, đã bộc lộ những giới hạn khi so sánh với các đối thủ hàng đầu Premier League.
Sức mạnh của nhà ĐKVĐ
Thật ra, Spurs đã không thuộc những bài học mà họ nhận được trước đây. Giống như thường lệ khi hai đối thủ quen mặt này gặp nhau, Tottenham khởi đầu ấn tượng, để rồi đánh mất sự kiểm soát sau khi M.U gỡ hòa và vươn lên dẫn trước. Những người hùng khác của đội bóng áo đỏ tối thứ bảy, ngoài Rooney, là Nemanja Vidic và Anderson. Trung vệ người Serbia, đôi khi tỏ ra quá bạo lực, nhưng luôn luôn chính xác. Vidic, có lỗi ở bàn thua mở tỷ số, đã chơi bóng với sự tỉnh táo và đẳng cấp khiến những chân sút đang hừng hực khí thế của Spurs cũng phải chùn bước. Còn Anderson, như một lời phủ nhận dứt khoát những tin đồn về tương lai bất ổn của anh ở Old Trafford, ghi bàn đầu tiên trong màu áo M.U và có một trận đấu xuất sắc, nhất là sau khi đội khách phải chơi thiếu người. Tiền vệ người Brazil thể hiện sự trưởng thành đáng kinh ngạc so với sự sốc nổi và vội vàng trong các mùa giải trước. Chính khả năng giữ nhịp cũng như làm chủ thế trận, chứ không phải bàn thắng, của Anderson mới là điều đáng mừng nhất với HLV Alex Ferguson tối thứ bảy.
M.U (áo đỏ) vượt qua Spurs 3-1 bằng đẳng cấp vượt trội
Cơ hội giữ vững thành tích toàn thắng đã đến khá sớm với đội bóng của HLV Harry Redknapp khi họ có bàn mở tỷ số ngay từ phút đầu tiên nhờ công của Jermain Defoe. Và dù đã bị lật ngược tình thế, thời cơ xuất hiện lần thứ hai với đội chủ nhà khi Paul Scholes nhận thẻ vàng thứ hai ở phút 58 do một pha vào bóng với Huddlestone, thẻ đỏ thứ 9 trong sự nghiệp của tiền vệ máu lửa này, 8 ở M.U và 1 với ĐT Anh.
Công bằng mà nói, Scholes đã cố tránh va chạm, nhưng quán tính khiến anh có một pha va chạm nguy hiểm với cầu thủ đối phương và Ferguson đã quá lời khi tuyên bố “cậu ta bị đuổi chỉ vì tên cậu ta là Paul Scholes”. Dẫu thế nào M.U, sau khi rút Dimitar Berbatov ra và củng cố lại tuyến giữa bằng Michael Carrick, không chỉ đủ sức bảo vệ khoảng cách tỷ số mà còn nới rộng thêm chiến thắng. Rooney, khá im lặng khi đội bóng còn đủ 11 người, đã trở thành một chú sư tử thực sự lúc M.U rơi vào tình huống khó khăn và khẳng định sự vượt trội của đội khách bằng pha độc diễn qua Alan Hutton và sút tung lưới Carlo Cudicini để mang về 3 điểm giúp đội bóng áo đỏ vượt qua đối thủ của họ tuần tới, Manchester City, vươn lên thứ 2 trên bảng xếp hạng.
Spurs & cái dớp không thể vượt qua
Spurs đã đánh bại Liverpool 2 lần dưới thời Redknapp, vượt qua Chelsea và có trận hòa 4-4 đầy ấn tượng với Arsenal, nhưng một chiến thắng trước M.U vẫn là điều chưa thể. Suốt 20 cuộc đối đầu gần nhất trước M.U, Tottenham vẫn chỉ biết bại và hòa. Redknapp đã tung hết mọi lá bài của mình vào cuộc chơi khi Defoe, Peter Crouch và Robbie Keane đều đã có mặt trên sân, nhưng tiền đạo người Ireland, giống như khi còn ở Liverpool, lại gây thất vọng khi bị đẩy sang đá tiền vệ cánh trái. Keane hoàn toàn trở nên vô hại trước sức mạnh và sự cơ động của Darren Fletcher.
Chiến thắng của M.U càng đáng giá hơn khi Spurs không hề tỏ ra sa sút. Phong độ của Defoe vẫn rất ấn tượng, không chỉ bởi bàn thắng chỉ sau 50 giây của anh, mà còn bởi những nỗ lực không mệt mỏi trong suốt trận đấu. Hàng tiền vệ, thiếu vắng Luka Modric, vẫn hoạt động hết công suất với Huddlestone, Aaron Lennon, Wilson Palacios (và sau đó, Jermain Jenas).
Tuy nhiên, trong một ngày mà tất cả các cầu thủ M.U đều đạt phong độ cao và do đó, thể hiện đẳng cấp hơn hẳn, Spurs đã không thể có cơ hội nào. Ryan Giggs, trong trận đá chính thứ 700 cho M.U, đã tỏ ra là người hiểu đối thủ nhất. Cùng với Fletcher và Anderson, tiền vệ người xứ Wales tổ chức một thế trận hoàn toàn chủ động và liên tục gây sức ép về phía phần sân đội bóng áo trắng, ngay cả khi họ chỉ còn 10 người. Anderson cũng đã có trận đấu có lẽ là hay nhất của anh kể từ khi đến Old Trafford năm 2007. Phía sau, Vidic và Rio Ferdinand đảm bảo Crouch và Defoe, dù đã xoay xở đủ cách, không thể lập lại pha đột kích bất ngờ như vào đầu trận.
Qua chiến thắng trước Spurs, M.U cho thấy họ không dễ dàng bị bắt nạt sau khi mất Ronaldo như người đời lầm tưởng. Còn Spurs? Có lẽ họ đã làm tưởng về sức mạnh đích thực của mình.
White Hart Lane trở thành đất lành của M.U
Tối thứ bảy, HLV Harry Redknapp đã thất bại ở sân nhà White Hart Lane trước M.U, giống như 4 HLV gần đây nhất của Tottenham. Sau thất bại cuối tuần, Spurs đã thua 10 trận liên tiếp ở Premier League trước đội bóng của HLV Alex Ferguson ở White Hart Lane, nhiều hơn bất cứ đối thủ nào khác tại giải Ngoại hạng. Lần gần nhất họ thắng được M.U trên sân nhà là dưới thời Glenn Hoddle vào tháng 5/2001 (tỷ số trận đó là 3-1). Kế tiếp sau đó, David Pleat, Jacques Santini, Martin Jol và Juande Ramos đã nối nhau bại trận. Pleat, Santini và Ramos mỗi người thua 1 trận, trong khi Jol thua 2 trận. Ngay cả Hoddle, sau khởi đầu thành công, cũng thua 2 trận trên sân nhà trước M.U, bao gồm thất bại 3-5 khi đã dẫn trước 3-0 trong hiệp 1. Có một điều trớ trêu với các CĐV Spurs: HLV thành công nhất của Tottenham trước M.U trong lịch sử là một cựu cầu thủ của Arsenal, George Graham. Graham thắng 1 và hòa 1 trước M.U, thậm chí ông còn đánh bại họ ở League Cup khi dẫn dắt Spurs.
10 trận thua sân nhà liên tiếp của Spurs trước M.U
2009/2010 Tottenham-M.U 1-3
2008/2009 Tottenham-M.U 0-0
2007/2008 Tottenham-M.U 1-1
2006/2007 Tottenham-M.U 0-4
2005/2006 Tottenham-M.U 1-2
2004/2005 Tottenham-M.U 0-1
2003/2004 Tottenham-M.U 1-2
2002/2003 Tottenham-M.U 0-2
2001/2002 Tottenham-M.U 3-5
2000/2001 Tottenham-M.U 3-1 |
Trần Trọng