11/02/2012 11:38 GMT+7 | Thế giới Sao
(TT&VH)- Trong anh là cả một thế giới phức tạp, giống như cuộc đời chúng ta đang sống. Có tốt, có xấu, có ánh sáng, và bóng tối. Bên cạnh những bàn thắng và những màn trình diễn tuyệt vời, là những giây phút bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích. Luis Suarez, đứa con sinh ra từ sự đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt và cam go, là như thế đấy.
Anh là một con người như thế nào? Đôi khi quá dễ dàng để khẳng định rằng ai đó là tốt hay xấu. Khi còn chơi bóng ở Hà Lan, Suarez đã từng cắn cổ Otman Bakkal của PSV như một con… ma cà rồng, và báo chí nước này đã ví von rằng anh là một tên ăn thịt người. Cách đây 2 năm, anh lấy cả hai tay đẩy bay một bàn thắng mười mươi của Ghana ngay trên vạch vôi vào những phút cuối cùng trận tứ kết World Cup 2010, một pha xấu chơi rất trơ trẽn, nhưng nó đã giải thoát đội Uruguay khỏi địa ngục và đưa họ lên thiên đường trong loạt đá penalty. Anh giơ ngón tay thối về phía các CĐV đối địch (vụ Fulham). Anh thường xuyên cố ăn vạ để kiếm phạt. Anh bị treo giò 8 trận vì những lời lẽ phân biệt chủng tộc với Patrice Evra. Vừa trở lại, như một con mãnh thú sổ lồng, anh chọc mắt và đá thẳng vào bụng của Scott Parker bên phía Tottenham trong một pha tranh chấp.
Thế đấy, Suarez là một cầu thủ láu cá đến mức thủ đoạn, dễ nổi nóng, đầy những thói hư tật xấu trên sân cỏ và có thể bất chấp tất cả để giành chiến thắng. Một cầu thủ như thế không thể là tấm gương cho ai cả, và sự phi thể thao của anh cũng đi ngược lại tôn chỉ của FIFA lẫn những điều được ghi trong sách của những nhà đạo đức học.
Cho dù là bộ mặt nào ở trận đấu này, Luis Suarez, một cách không lẫn vào đâu được, vẫn là… chính anh- Ảnh Internet
Nhưng bóng đá, cũng giống như cuộc đời, không thể được nhìn qua chỉ một lăng kính phiến diện, không thể “sạch sẽ” và giáo điều một cách đôi khi là giả dối. Nếu bạn đòi hỏi Suarez phải giống như “thiên thần” Kaka, thì anh cũng phải sinh ra trong một gia đình cơ bản, lớn lên trong một môi trường giáo dục cũng cơ bản và cuộc sống như một con đường thẳng tắp không sóng gió. Nhưng Suarez là một cá tính khác, gai góc và thú vị hơn, trưởng thành trong môi trường mà nếu các cá thể sống trong đó không tự vươn lên bằng mọi giá, ắt phải bị đào thải.
Khi cuộc đời là nhiều lối đi
Giống như mọi cầu thủ Nam Mỹ khác, Suarez đi lên từ trong nghèo khó, là người con thứ tư trong một gia đình có 7 anh chị em. Anh cùng gia đình chuyển đến Montevideo năm 7 tuổi, và chứng kiến cha mẹ ly hôn năm lên 9 tuổi. Khi lên 11 tuổi, Suarez được gọi vào trung tâm huấn luyện tuyển trẻ quốc gia, nhưng anh buộc phải từ bỏ cơ hội ấy vì không lo nổi một đôi giày đá bóng cho ra hồn.
Tiền đạo người Uruguay là một sản phẩm của sự tự thích ứng bằng mọi giá để tránh bị đào thải, trong một môi trường rất dễ “lưu manh hóa” con người. Nhưng Suarez đã không để cuộc đời bẻ lái anh đi xuống vực. Tại Nam Phi cách đây hai năm, khi báo chí tập trung lên án hành vi chơi xấu rất phản cảm của tiền đạo người Uruguay trong trận gặp Ghana, thì rất ít những dòng viết đề cập đến việc anh đã tham gia vào các công việc từ thiện và ủng hộ hòa hợp dân tộc ở Nam Phi. Khi còn chơi cho Ajax, Suarez cũng từng bán đấu giá áo đấu của mình và quyên góp thêm để giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa sóng thần ở Haiti. Nếu như một kẻ độc tài như Hitler cũng có thể được coi là “tốt” trên khía cạnh nào đó (ông ta ăn chay, không hút thuốc, không uống rượu…), thì Suarez còn xa mới có thể trở thành một “ác quỷ”, chỉ vì cá tính quá gai góc của anh trên sân cỏ.
Tạm bỏ qua những rắc rối và quá khứ bất hảo của tiền đạo người Uruguay, thì theo dõi anh thi đấu đem lại cảm giác thật sự thú vị, vì sự láu cá, dị biệt, đôi khi là vượt qua nhiều khuôn khổ của trí tưởng tượng, vì “tính đời” tồn tại trong đó. Có cái tốt, cái xấu, nhưng không giả dối, không che đậy. Có gai góc, xù xì, nhưng gần gũi và thẳng thắn (anh đã tuyên bố thẳng thừng “không bao giờ xin lỗi Evra”). Có sự tưởng thưởng và cả trả giá, nhưng không bao giờ nhàm chán và luôn sẵn sàng để đối diện với sóng gió.
Một cá tính như thế luôn là con dao hai lưỡi, có thể khiến đối phương quay cuồng, nhưng cũng có thể hủy diệt chính bản thân. Bởi vì cũng giống như cuộc đời, chẳng ai khẳng định đích xác được đâu là tốt, đâu là xấu, đâu là “chính nghĩa”, đâu là “phi nghĩa”, đâu là trời xanh và đâu là vực thẳm. Suarez có thể là nhân vật tâm điểm của trận đại chiến vào tối thứ Bảy theo những cách khác nhau, bằng một cú hat-trick, bằng một scandal khác (đánh nhau, phân biệt chủng tộc), hoặc cả hai (ngã vờ để giúp đội nhà chiến thắng), nhưng điều quan trọng không phải là phân biệt anh là thiên thần hay ác quỷ, mà là chính bản thân Suarez biết bản thân mình muốn gì: Không muốn bắt tay Evra, và muốn chiến thắng. Còn lại, số phận sẽ phán quyết.
Phạm An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất