(TT&VH) - Trong nỗ lực tìm kiếm thông điệp phát đi từ những nền văn minh ngoài trái đất, các nhà thiên văn học Australia không còn dùng phương pháp thu tín hiệu vô tuyến từ vũ trụ nữa, mà sử dụng thiết bị thu xung laser quang học. Gần đây, họ đã phát hiện ra một tín hiệu lạ chưa từng có. Tới mức họ phải ghi lên bản ghi biểu đồ tín hiệu này hàng chữ: “Is it ET?” (Phải chăng đó là ET?).
Chi tiết Tín hiệu "Is ít Et?" |
Theo sáng kiến của hai giáo sư Phillip Morrison và Giuseppe Cocconti ở Đại học Cornell (New York, Mỹ), từ năm 1959 các nhà khoa học Mỹ và sau đó là một số nước khác bắt đầu chương trình Tìm kiếm trí tuệ ngoài hành tinh (Search for Extraterrestrial Intelligence - viết tắt là SETI). Họ dùng nhiều loại thiết bị, trước hết là kính viễn vọng vô tuyến điện, thu các tín hiệu vô tuyến phát đi từ những dải thiên hà trong vũ trụ mênh mông để từ đó phân tích, với hy vọng có thể phát hiện ra thông điệp của “người ngoài hành tinh”.
Từ chương trình SETI, những năm gần đây người ta đã phát triển một phương pháp tìm kiếm mới, gọi là OSETI, viết tắt từ Optical Search for Extraterrestrial Intelligence (Tìm kiếm trí tuệ ngoài hành tinh bằng quang học). Khác với SETI dùng thiết bị thu tín hiệu sóng vô tuyến, các nhà nghiên cứu OSETI tìm kiếm những xung laser quang học. Lập luận của họ là rất có thể đối với những nền văn minh ngoài hành tinh, công nghệ sóng radio đã quá lỗi thời, tương tự như điện tín đối với chúng ta hiện nay, và họ đã sử dụng những công nghệ dùng xung laser.
Ngoài các trạm thu tín hiệu ở Mỹ, giáo sư - tiến sĩ Ragbir Bhathal thuộc Đại học Sydney hiện đang lãnh đạo Dự án OSETI, trạm thu bằng phương pháp OSETI duy nhất hiện nay ở Nam bán cầu. Trái với những nỗ lực bất thành trước đó, nhóm các nhà khoa học của ông Bhathal hồi đầu tháng 12/2008 đã bất ngờ thu được một tín hiệu bí ẩn khá mạnh mà cho đến nay họ vẫn chưa thể giải mã. Nhưng cũng từ đó đến nay, tín hiệu này chưa hề xuất hiện trở lại. Vì thế, các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra một kết luận gì. Tuy nhiên mới đây những thông tin ban đầu về nó đã lọt ra ngoài.
Giáo sư Bhathal cho biết: “Có thể đó là một xung nhiễu trong hệ thống máy móc của chúng tôi. Nhưng cũng có thể đó là hiện tượng thiên văn, xuất phát từ một nguồn xa lạ trong vũ trụ. Hiện thời chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu tín hiệu thu được”.
Theo các quy định nghiêm ngặt của SETI, chỉ khi nào tín hiệu laser nói trên lặp đi lặp lại nhiều lần và người ta hoàn toàn loại trừ được khả năng nó có thể xuất phát từ một nguồn tự nhiên hoặc sinh ra bởi các yếu tố trục trặc kỹ thuật, đó mới được chính thức công nhận là thông điệp của một nền văn minh ngoài trái đất.
Chi tiết Tín hiệu "Is ít Et?" |
Bất kể kết quả nghiên cứu ra sao thì tín hiệu laser này cũng đã làm cho các nhà khoa học thuộc nhóm của ông Bhathal vô cùng vui mừng, khiến họ phải ghi lên bản ghi tín hiệu hàng chữ: “Is it ET?” (ET là từ viết tắt của Extra - Terrestrial, tức “người ngoài trái đất”). Việc phát hiện ra một tín hiệu lạ như vậy là vô cùng hiếm hoi.
Suốt nửa thế kỷ qua, chương trình SETI của loài người gần như vô vọng trong cuộc tìm kiếm những thông điệp phát đi từ một nền văn minh khác, mặc dù nó được đầu tư khá tốn kém với những thiết bị ngày càng hiện đại. Năm 1971, NASA (Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ) thậm chí đã lên kế hoạch nghiên cứu SETI với Dự án Cyclops đầy tham vọng trị giá tới 10 tỷ USD, sử dụng một dàn viễn vọng kính bao gồm 1.500 chảo, nhưng sau đó đã bị xếp xó vì quá tốn kém.
Bản ghi xuất hiện "tín hiệu Wow!" hồi năm 1977 |
Trước nhóm của giáo sư Bhathal, các nhà nghiên cứu SETI mới chỉ duy nhất một lần thu được tín hiệu lạ, gây xôn xao giới thiên văn học thế giới: Đó là vào năm 1977, nhóm của tiến sĩ Jerry R. Ehman thuộc Đại học bang Ohio (Mỹ) đã nhận được một tín hiệu rất mạnh từ kính viễn vọng vô tuyến Big Ear. Khi nhìn thấy nó xuất hiện trên bản in, ông Ehman ngạc nhiên và mừng rỡ tới mức đã khoanh tròn tín hiệu lạ này và ghi chữ “Wow!”. Đó là một tín hiệu radio sóng ngắn kéo dài 72 giây. Từ đó nó đi vào lịch sử SETI với cái tên “tín hiệu Wow!”.
Chỉ có điều sau đấy, dù các nhà khoa học đã hết sức cố gắng tìm kiếm, “tín hiệu Wow!” không hề xuất hiện trở lại nữa. Điều duy nhất có thể kết luận được cho tới nay là nó chắc chắn không có xuất xứ ở trái đất hay trong hệ mặt trời.
Có lẽ tín hiệu “Is it ET?” mà các nhà khoa học Australia vừa phát hiện cũng sẽ bị trôi vào lãng quên nếu nó không xuất hiện trở lại. Và như vậy, cuộc tìm kiếm thông điệp của một nền văn minh ngoài trái đất vẫn phải tiếp tục được tiến hành.
Minh Bích