17/06/2014 06:01 GMT+7 | Bảng G
(Thethaovanhoa.vn) - Không được nhắc đến nhiều, Thomas Mueller lập hat-trick. Là tâm điểm chú ý, Cristiano Ronaldo mờ nhạt. Cá nhân xuất sắc của Bồ Đào Nha đã không thắng được nhân vật tiêu biểu cho lối chơi tập thể của Đức.
Cùng đến với 3 điểm nhấn sau trận Đức - Bồ Đào Nha.
Không bộc lộ hết
Đó được kỳ vọng là một trận đấu cân tài. Nhưng rất nhanh, trở thành trận đấu mà Đức áp đảo. Sau vài tình huống tấn công, Bồ Đào Nha mất thế trận. Thế rồi họ mất Pepe vì phải nhận thẻ đỏ sau tình huống rắc rối với Thomas Mueller. Đến lúc ấy, Đức dễ dàng kiểm soát tất cả. Bồ Đào Nha chỉ chịu trận, và thua thêm 2 bàn nữa. Chúng ta chưa được khám phá tận cùng khả năng của cả hai đội trong thế trận đó. Đội Đức không phải xoay chuyển nhiều, không phải gồng mình đá như dự kiến. Cristiano Ronaldo của Bồ thì hoàn toàn bị bỏ rơi.
Mueller ghi bàn từ phạt đền.
Sau trận đấu này, gần như chắc chắn Đức sẽ đi tiếp ở bảng G. Trận thua của Bồ Đào Nha tạo cơ hội bứt phá cho Mỹ và Ghana. Bồ Đào Nha vẫn còn nhiều cơ hội đi tiếp trên lý thuyết, nhưng họ cũng đang chông chênh giữa việc bị loại.
Thời khắc của Mueller
Thomas Mueller không được nói đến nhiều trước trận như Cristiano Ronaldo. Điều đó chẳng có gì lạ. Mueller vẫn luôn có duyên ghi bàn khi được đặt vào bóng tối như vậy. Trước giải, giới chuyên môn thắc mắc tuyển Đức sẽ ghi bàn nhờ ai khi chỉ mang theo 1 tiền đạo là “ông già” Miroslav Klose, còn Marco Reus chấn thương. Mueller đã trả lời. Anh có thể cáng đáng công việc ấy. Dù bản thân anh không đá cao nhất trên hàng công. Thế mới đáng gờm.
Sau World Cup 2010 thành công, Mueller đã ghi bàn thứ 6,7 và 8 của anh ở các kỳ World Cup. Anh đang 25 tuổi và anh ghi bàn tại World Cup nhiều hơn Cristiano Ronaldo. Quả phạt đền được thực hiện cẩn thận. Bàn thứ hai là pha dứt điểm chớp nhoáng. Bàn thứ ba là tình huống chớp thời cơ yêu thích. Đâu đâu cũng có dấu giày Mueller. Thậm chí có thể coi Mueller đã lập một poker, khi anh góp phần giúp Pepe bị đuổi. Dù rằng, “bàn thắng” này thì không được fair-play cho lắm. Mueller gợi nhớ Hans-Peter Briegel của World Cup 1982, một tiền đạo làm mọi thứ để chiến thắng.
Nỗi ám ảnh Ronaldo
Hiệp Một, khi Fabio Coentrao có bóng bên cánh trái ở vị trí thuận lợi, thay vì dứt điểm, anh chuyền cho Ronaldo. Cũng trong hiệp Một, trong một pha phản công, Nani gần như bỏ qua giải pháp dứt điểm như sở thích, hoặc thậm chí đi bóng tiếp, thay vào đó, cố sức chuyền cho Ronaldo bên cánh kia. Kết quả là anh chuyền hỏng. Vâng, là Ronaldo. Mãi mãi phải là Ronaldo. Đội tuyển Bồ Đào Nha không dám vượt qua cái tôi khổng lồ của Cristiano Ronaldo để thi đấu thật tự nhiên. Mà đấy là Ronaldo chưa đạt thể lực tốt nhất.
Trận đấu của Mueller.
Chơi bóng với một nỗi ám ảnh như vậy nên Bồ Đào Nha rất khó nhuẫn nhuyễn, mạch lạc và tự nhiên. Khác với tuyển Đức, họ tấn công rất uyển chuyển. Mueller ghi 3 bàn nhưng tuyển Đức hoàn toàn không phụ thuộc vào Mueller hay đá vì Mueller. Đó hầu hết là các pha bóng Mueller tự chớp cơ hội, thay vì đồng đội chủ đích tạo ra bằng được để phục vụ anh. Tuyển Đức không có nỗi ám ảnh Mueller, mà Mueller phục vụ cho tập thể Mannschaft. Khác Bồ. Đá với nỗi ám ảnh Ronaldo.
Gia Hưng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất