04/05/2016 06:36 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tối nay, Festival Huế lần thứ 9 - 2016 với chủ đề “710 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế; Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” sẽ kết thúc, sau gần một tuần lễ rộn ràng. Tôn vinh những nét văn hóa đặc trưng của xứ Huế qua các thời kỳ, hình ảnh những con người Huế, những nét văn hóa Huế và dấu ấn của Huế là chủ đề xuyên suốt Festival Huế 2016.
Các chương trình chính của Festival mang đậm dấu ấn Huế như Lễ Tế Giao; Đêm Hoàng Cung; Chương trình giới thiệu tinh hoa nghệ thuật truyền thống Huế; Lễ hội Đèn Quảng Chiếu; Lễ hội Hương xưa làng cổ; Lễ hội Áo dài; Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn; Chợ quê ngày hội; Huế dịu dàng – Về miền Hương Ngự,…
Trong đêm khai mạc, màu tím ngát của áo dài Huế cùng với nón bài thơ là những hình ảnh đọng lại trong tâm trí nhiều du khách.
Có thể nói, chưa có một Festival Huế nào lại mang đậm chất Huế như Festival lần thứ 9.
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND TT-Huế, Trưởng BTC Festival Huế 2016 khẳng định: “Dù đã trải qua 8 kỳ Festival, đây là lần đầu tiên, Festival Huế sử dụng một tổng đạo diễn là người Huế người đang làm việc tại Huế (NSND Ngọc Bình - Giám đốc Nhà hát Ca kịch Huế), đồng thời sử dụng công suất tối đa của các đơn vị, các lực lượng trên địa bàn như Nhà hát Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật Cung Đình, Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật, Học viện Âm nhạc Huế cùng với các nghệ sĩ hoạt động trên địa bàn. Trong tất cả các chương trình của Festival, dù là chương trình chính hay chương trình cộng đồng hưởng ứng, dù là trong Đại Nội hay trên đường phố vẫn có sự tham gia nhiệt tình của đông đảo người dân, nghệ sĩ, diễn viên Huế”.
Đặc biệt, với Lễ hội Áo dài - một chương trình đã gắn liền với Festival Huế qua các kỳ và trở thành đặc trưng của Festival - năm nay có sự đầu tư kinh phí (trên 3 tỉ đồng) từ vợ chồng diễn viên Hoàng Phúc (người con xứ Huế) cùng với sự tham gia của hơn 80 học sinh, sinh viên và các người mẫu đang hoạt động trên địa bàn.
Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng được gia đình ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh tự đầu tư kinh phí tổ chức, thu hút sự quan tâm của hàng nghìn người dân, du khách. Ngoài ra, “Chợ quê ngày hội” và “Huế dịu dàng – Về miền Hương Ngự” với mục đích quảng bá những nét văn hóa truyền thống dân dã của xứ Huế đã thực sự để lại dấu ấn sâu đậm trong chuỗi các sự kiện của Festival Huế 2016.
Ông Dung cho biết: “Qua 8 kỳ tổ chức Festival, chúng tôi đã tổ chức Festival lần thứ 9 thành công bằng một quyết tâm rất cao, đó là chúng tôi đã làm chủ Festival và có thể tiến tới phát triển Festival bằng chính lực lượng rất lớn của địa phương”.
Ông Chế Công Chung, Giám đốc Trung tâm Festival Huế chia sẻ: “Chủ trương của chúng tôi là quy tụ các vùng miền văn hóa tiêu biểu về với Huế, đẩy mạnh tính hội tụ. Nhưng bên cạnh đó, tất cả những người con xa xứ của Huế luôn hướng về với Huế. Ai có kinh phí thì hỗ trợ kinh phí, ai có tư chất thì hỗ trợ về trí tuệ, ai có thế mạnh về lĩnh vực nào thì đều cố gắng hỗ trợ về mặt đó. Khi chúng tôi chủ trương quy tụ các lực lượng tiêu biểu về với Huế, thì chúng tôi thấy rằng, chính những người con xứ Huế là những người tiên phong. Điều này cũng làm chúng tôi hết sức cảm động”.
Hoàng Yến
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất