Một đặc khảo công phu về Lý Thường Kiệt

08/02/2015 13:48 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Đọc sách Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý (ảnh, NXB Khoa học xã hội, Sách Khai tâm, quý 1/2015) của Hoàng Xuân Hãn là cách để “gặp lại” danh tướng Lý Thường Kiệt. Người Việt đầu tiên tuyên bố với bốn phương bản tuyên ngôn độc lập, công trạng chất ngất, nhưng sử sách nước nhà còn lại rất ít. Sách này vốn do NXB Sông Nhị (Hà Nội) in năm 1949, là một đặc khảo công phu về Lý Thường Kiệt.

“Đối với một anh hùng dân tộc bậc nhất trong lịch sử nước ta, sử sách ta tuy có ghi công, nhưng chép sự nghiệp một cách sơ sài và sai lạc. Lại thêm các nhà văn phụ họa, làm cho ngày nay chúng ta rất mơ hồ về đoạn sử oanh liệt nhất của tiền nhân”, nhà văn hóa Hoàng Xuân Hãn viết trong lời tựa năm 1949.


Sách này gồm 15 chương, chia làm 3 phần, đi theo các công trạng lừng lẫy của Lý Thường Kiệt, từ “bại Chiêm - phá Tống”, “kháng Tống - đòi đất”, đến “vì dân - vì đạo”. Đọc những chương như Cầm quyền bính, Chính sách Bắc cương triều Lý, Hòa và hòa bình, Khôi phục đất mất, Đạo Phật đời Lý, Lý Thường Kiệt với đạo Phật… không chỉ để hiểu hơn về tầm cỡ và sự tiên tri xuyên thời đại của Lý Thường Kiệt, mà vẫn còn nóng hổi tính thời sự của hôm nay. Sách không chỉ nói đến những trận đánh và sự kiện, mà còn phác họa sinh động tính cách, con người, phong thổ, phong hóa, nếp nghĩ, bối cảnh sống… của thời Lý Thường Kiệt.

Người viết sách này lại là Hoàng Xuân Hãn (1908 - 1996), một chuyên gia về sử học, ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam. Ông còn là giáo sư toán học, kỹ sư, nhà giáo dục; người đầu tiên soạn thảo và ban hành chương trình giáo dục bằng chữ quốc ngữ tại Việt Nam. Tháng 4/1945, ông tham gia chính phủ Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng Giáo dục - Mỹ thuật, ra quyết định việc học và thi tú tài bằng tiếng Việt, dùng tiếng Việt trong những công văn chính thức.

Năm 2000, Hoàng Xuân Hãn được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm công trình lịch sử và lịch Việt Nam, trong đó có cuốn Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý. Tháng 8/2011, Đại học Ponts et Chaussées (Trường Cầu đường Paris) lấy tên giáo sư Hoàng Xuân Hãn đặt tên cho một giảng đường. Trước đó, nhân kỷ niệm 100 năm truyền thống của trường này, Hoàng Xuân Hãn được vinh danh vào top 100 sinh viên tiêu biểu nhất trong suốt lịch sử.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm