13/03/2023 07:50 GMT+7 | Bóng đá Việt
HLV trưởng Việt Nam trong ngày chia tay đội tuyển quốc gia sau 5 ngày tập trung làm quen, đã bày tỏ mong muốn được thấy V-League sẽ kéo dài 10 tháng, mỗi cầu thủ được chơi 40-50 trận và đội tuyển của ông có nhiều trận giao hữu với các đội trong Top 60 FIFA để tăng tính cạnh tranh và cọ xát.
Gọi là mong muốn chứ những điều ông Troussier nói thực ra là một tiêu chuẩn thông thường của các nền bóng đá phát triển hoặc muốn phát triển. Nói như vậy, cũng có nghĩa là bóng đá Việt Nam đang ở tình trạng "dưới chuẩn", dù xét về mặt nguồn lực và khát khao chiến thắng thì lại luôn dư thừa.
Một cầu thủ chuyên nghiệp ở Việt Nam, nếu chơi bóng ở đội rất mạnh, thì tối đa cũng chỉ có chưa đến 30 trận chính thức một mùa, chỉ hơn phân nửa so với mong muốn của HLV Troussier. Tổng thời gian thi đấu thực tế của cầu thủ chưa đầy 6 tháng trong 1 năm. Nghĩa là nửa năm còn lại chỉ tập và tập. Đá ít, nghỉ nhiều, khó mà giữ được sự ổn định. Ấy là chưa nói đến chất lượng cạnh tranh của V-League vốn không quá cao.
Số lượng CLB của Việt Nam hiện nay là 14, cách xa "chuẩn" 18-20 đội ở các giải vô địch quốc gia ở những nền bóng đá tiên tiến. Còn nếu xét trên số dân, thì với tổng số trên dưới 40 CLB đăng ký chính thức trong hệ thống thi đấu quốc gia thì lại còn thấp hơn mọi chuẩn.
Điều này dẫn đến việc, nếu có cầu thủ nào "lỡ" đam mê có muốn được đá thêm vài trận trong mùa cũng không biết đá ở đâu, khi mà các xuống các giải cấp thấp thì số trận càng ít hơn cả V-League, khác hẳn với trường hợp Quang Hải ở Pháp, không đá Pau FC thì xuống đội B chơi giải hạng 5, muốn ra sân bao nhiêu trận cũng được.
Một trường hợp cụ thể hơn. Ông Troussier vừa quyết định bổ sung 4 cầu thủ từ đội U20 cho đội U22, trong đó có 2 cái tên quen thuộc là Văn Trường và Khuất Văn Khang. Gọi là triệu tập lên U22, chứ thực ra, 2 cầu thủ này chỉ "trở lại" vì năm ngoái họ đã là thành viên U23 thi đấu thành công ở VCK châu Á. Khuất Văn Khang cũng đã ra sân trong màu áo đội tuyển quốc gia đá giao hữu ở Cúp Tam hùng hồi tháng 9 năm ngoái. Giải đấu đó nằm trong FIFA Days.
Sự có mặt của các cầu thủ nói trên ở đội U20 hay U22 về lý thuyết sẽ bổ sung chất lượng cho các đội tuyển này, nhưng ở phía ngược lại, họ sẽ "chiếm suất" của các cầu thủ trẻ vì có kinh nghiệm và trình độ cao hơn. Từng khoác áo đội tuyển quốc gia thì việc phải quay lại để đá cho các đội tuyển U là điều không nên. Đành rằng không có họ, thì đội U sẽ yếu đi một chút, nhưng xét cho cùng thì không có hại gì nếu chúng ta đừng đặt nặng thành tích với bóng đá trẻ.
Hồi giải U19 châu Á 2018, dù đăng ký Đoàn Văn Hậu trong danh sách nhưng HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn không đưa Văn Hậu sang Indonesia sau khi cầu thủ này đã tỏa sáng trong màu áo U23 Việt Nam ở giải châu Á. Năm đó, đội U19 không thành công, nhưng một loạt cầu thủ U19 như Bùi Hoàng Việt Anh, Nhâm Mạnh Dũng, Dụng Quang Nho, Đặng Văn Tới … một vài năm sau đều được gọi lên U23 hoặc đội tuyển quốc gia. Điểm chung của họ vẫn là có cơ hội thi đấu nhiều ở V-League.
Danh sách U22 hiện nay của HLV Troussier không có nhiều người đá chính tại các CLB, và đó chính là lý do mà ông Troussier "mong muốn" họ thi đấu nhiều hơn. Có vẻ như ông thầy người Pháp đã nhìn ra điểm yếu của cầu thủ Việt Nam, nhất là các cầu thủ trẻ, điều mà khi còn dẫn dắt U19 ông không tường tận lắm. Không được thi đấu nhiều, thì kỹ năng dù có tốt cũng khó hoàn thiện, nói gì đến phát triển.
Năm 2017, dù khởi đầu cũng chỉ từ U23, nhưng 90% cầu thủ trong tay HLV Park Hang Seo đều có đẳng cấp V-League. Nhóm cầu thủ HAGL từng chơi V-League từ 2015, nhiều người khác thì từng khoác áo đội tuyển quốc gia. Chưa bàn đến chuyện chất lượng cá nhân giữa 2 lứa cầu thủ, nhưng đội ngũ U22 mà ông Troussier đang có trong tay kém xa thế hệ đàn anh dưới thời ông Park về khả năng thực chiến.
Vấn đề của ông Troussier đặt ra không mới, nhưng chắc là còn lâu nó mới cũ. 15 năm trước, trong một lần được mời góp ý cho bóng đá Việt Nam, HLV đội tuyển Việt Nam khi đó là ông Henrique Calisto đã nói điều tương tự.
Chuyên gia người Bồ Đào Nha thậm chí còn đề xuất V-League đá theo hệ thống của giải Argentina, tức là một mùa giải có đến 2 lần đá lượt đi-về để nhân đôi số trận đấu. Khi số trận tăng lên, cầu thủ nước ngoài có nhiều cũng không sao vì các CLB sẽ phải tính toán phân bổ nhân lực, trọng dụng cầu thủ trẻ để tiết kiệm ngân sách. Những góp ý khi đó, là lúc mà V-League cũng đã 14 CLB và số trận đấu như hiện nay.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất