22/02/2014 17:18 GMT+7 | Thế giới
Chặng đường trưởng thành và phát triển của Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai, trung tâm điều trị các bệnh lý về tim mạch hàng đầu của Việt Nam, có một phần đóng góp không nhỏ công sức và trí tuệ của GS, TS, NGND Nguyễn Lân Việt.
GS, TS, NGND Nguyễn Lân Việt sinh ra trong gia đình nổi tiếng và có truyền thống khoa cử của Việt Nam. Cha ông là cố GS, NGND Nguyễn Lân (1906 - 2003), người được ví như “người thầy của những người thầy” trong nền giáo dục hiện đại Việt Nam. Các anh, chị và em của ông cũng đều là những nhà khoa học nổi tiếng. Điển hình như GS, TS Nguyễn Lân Tuất, nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, và GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ sinh học của Việt Nam.
Tiếp nối truyền thống của gia đình, năm 1980 chàng thanh niên Nguyễn Lân Việt bước chân vào ngành y. Sau 33 năm học tập và nghiên cứu, đến nay GS, TS, NGND Nguyễn Lân Việt đã gặt hái được rất nhiều thành tựu trong lĩnh vực quản lý, nghiên cứu và giảng dạy.
Năm 1995, ông được bổ nhiệm làm Phó Trưởng bộ môn Tim mạch Trường Đại học Y Hà Nội và Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam. Với kinh nghiệm của một người vừa làm công tác giảng dạy, vừa trực tiếp thăm khám, điều trị bệnh, ông đã kết hợp giữa việc giảng dạy lý thuyết với thực hành. Ông tâm sự: “Trong lĩnh vực điều trị bệnh tim mạch, tôi luôn hướng cho các sinh viên của mình phải biết thực hành, học phải đi đôi với hành thì mới tiến bộ nhanh được”.
Vì vậy, mô hình kết hợp “Viện - Trường” của ông đã tạo nên sự gắn kết rất hiệu quả giữa các hoạt động giảng dạy ở Bộ môn Tim mạch - Trường đại học Y Hà Nội với thực tiễn điều trị ở Viện Tim mạch Việt Nam. Và cũng chính nhờ mô hình này, nhiều Phó giáo sư, Tiến sĩ của Viện cũng đã tham gia vào công tác đào tạo tại Đại học Y Hà Nội. Nhờ đó mà các thầy thuốc ở Viện tim mạch Việt Nam thường xuyên được cập nhật những kiến thức mới nhất của thế giới. Vì thế, một số bác sĩ ở Viện Tim mạch Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới mời tham gia giảng dạy và chuyển giao những kỹ thuật tiên tiến về chuyên ngành tim mạch cho nhiều nước trong khu vực.
Năm 2003, ông được bổ nhiệm vào cương vị hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Dưới thời quản lý của ông, Trường Đại học Y khoa Hà Nội đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cũng trong thời gian này, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội ra đời, tạo thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu và học tập hiệu quả cho thầy và trò trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời cũng góp phần tích cực vào công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Với những đóng góp lớn trong công tác giáo dục và đào tạo, năm 2008, Giáo sư Nguyễn Lân Việt vinh dự được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.
Bên cạnh công tác quản lý, GS, TS, NGND Nguyễn Lân Việt còn là một thầy thuốc, một nhà khoa học xuất sắc và đầy tâm huyết. Ông đã chủ trì, tham gia nghiên cứu 04 đề tài cấp khoa học Nhà nước và nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ. Điển hình như đề tài “Nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ y học hiện đại của thế giới trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh tim mạch ở Việt Nam” đã được tặng “Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ” năm 2005. Ngoài ra, ông đã xuất bản được 19 đầu sách và giáo trình giảng dạy đại học và sau đại học; công bố hơn 90 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước; tham gia thuyết trình nhiều đề tài tại các hội thảo khoa học; tham gia hội chẩn điều trị cho nhiều ca bệnh khó tại các bệnh viện ở Trung ương và các tỉnh thành...
Trên cương vị là Viện trưởng, GS Nguyễn Lân Việt cùng tập thể lãnh đạo Viện Tim mạch Việt Nam đã xây dựng và chỉ đạo triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý về tim mạch như: siêu âm cản âm, siêu âm gắng sức, siêu âm tim qua thực quản, holter điện tâm đồ 24h, holter huyết áp 24h, kỹ thuật chụp và can thiệp động mạch vành, kỹ thuật nong van hai lá bằng quả bóng da... Việc ứng dụng thành công, rộng rãi các kỹ thuật tiên tiến này là một thành công lớn, giúp bệnh nhân giảm được rất nhiều chi phí điều trị, thay vì phải ra nước ngoài chữa trị tốn kém như trước kia.
Tâm sự về nỗi buồn vui của cuộc đời mấy chục năm làm nghề thấy thuốc chữa bệnh cứu người, GS, TS, NGND Nguyễn Lân Việt chia sẻ: “Cái thiếu thốn nhất của người bác sĩ đó là thời gian dành cho gia đình. Bởi công việc luôn bận rộn, vất vả và căng thẳng. Nhưng bù lại, người thầy thuốc có một niềm vui sướng và hạnh phúc không gì đánh đổi được, đó là khi cứu sống được một người bệnh, đưa được họ từ cõi chết trở về”.
Đến nay, tuy đã nghỉ hưu nhưng GS, TS, NGND Nguyễn Lân Việt vẫn tích cực tham gia vào công việc nghiên cứu và giảng dạy. Với cương vị là Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, hi vọng ông vẫn sẽ còn đóng góp nhiều cho ngành tim mạch học của nước nhà.
Bài Vĩnh Hưng - Ảnh Tất Sơn
Báo Ảnh Việt Nam
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất