Messi chia tay đội tuyển Argentina: Tango giãy giụa trong đau đớn

03/07/2016 11:19 GMT+7 | Copa America 2016

(Thethaovanhoa.vn) - Cú sút penalty lên trời trong loạt luân lưu của Messi làm Argentina thua Chile ở chung kết Copa America có thể là lần cuối Messi chạm bóng trong chiếc áo xanh trắng.

Với người viết, Messi – Argentina là cuộc “hôn nhân” được thừa kế hơn là vì tình yêu. Và nhiều người cũng sẽ không bất ngờ khi nó kết thúc theo cách như vậy, trong phòng thay đồ của sân vận động MetLife nước Mỹ. Với những người khác, đó có thể là quyết định bị cuốn đi bởi nỗi thất vọng, và Leo Messi sẽ sớm quay trở lại. Nhưng điều cần làm hơn là người Argentina sẽ làm gì sau thời của tiền đạo 29 tuổi này.

Messi mãi là người đến sau

Có một định kiến được nhắc đi nhắc lại mãi như để dằn vặt Leo Messi: Anh là người Tây Ban Nha. “Hãy để cậu ta lại đó, những người Argentina chúng tôi không muốn và không cần cậu ta”, kí giả Gabriel Anello là người nói câu khước từ với số 10 của Albiceleste mới đây. Leo Messi không thuộc về xứ sở tango, bất chấp anh đã chọn màu áo sọc xanh trắng như một lẽ tự nhiên, dù có cơ hội khoác áo Tây Ban Nha khi được đề nghị.

Ở đây, người ta chỉ chấp nhận một cậu bé trải qua một học viện bóng đá trẻ, rồi khoác áo đội một của Boca Junior hay River Plate. Sau đó muốn đi đâu thì đi như Diego Maradona, như Carlos Tevez hoặc bất kì cái tên nào khác, đó gần như là bổn phận của một cầu thủ bóng đá, để có lòng trung thành với đội tuyển quốc gia. Nhưng một cậu bé 13 tuổi suýt chút nữa đã chôn vùi cả sự nghiệp, vì không được chu cấp tiền chữa căn bệnh thiếu hormone sinh trưởng, không có lựa chọn nào khác ngoài việc tới Barcelona để chữa bệnh và giảm gánh nặng cho gia đình.


Messi đã quyết định chia tay đội tuyển Argentina

Tự thân quyết định đó đã tạo ra sự ngăn cách lớn, đến mức khi anh nói lời chia tay đội tuyển quốc gia, hẳn nhiều người sẽ bật champange để ăn mừng. Như Dibos, anh vợ của HLV Diego Simeone, người đã bực tức chỉ trích công khai Leo Messi, khi xuất hiện tin đồn số 10 không thích El Cholo dẫn dắt Argentina sau thời HLV Sabella, “chúng tôi đã phát ốm với cách cư xử của cậu ta, chọn cầu thủ này, lựa huấn luyện viên kia, và biến đội bóng thành của riêng mình”. Dibos còn ám chỉ việc Leo Messi gây sức ép với HLV Tata Martino để loại bỏ Carlos Tevez, một người hùng thuần chất Argentina trong mắt người hâm mộ.

“Chúng tôi hi vọng anh chàng chết tiệt đó về lại Barcelona, bởi vì nếu không, chúng tôi mới là những người phải ra đi”, nhà văn Martin Caparros, một kẻ cuồng tín Diego Maradona, yêu xứ sở tango theo kiểu cực đoan, nói với sự hả hê. Nghĩa là ngay từ đầu, nhiều người đã phải học cách “chung sống” với Leo Messi, làm quen với cảm giác một anh chàng trở về từ xứ sở đấu bò, dẫn dắt Argentina của họ, chứ không phải là Carlos Tevez hay Mascherano.

Ronaldo: 'Messi đã ruồng bỏ chúng ta'

Ronaldo: 'Messi đã ruồng bỏ chúng ta'

Huyền thoại bóng đá Brazil mới đây đã có những chia sẻ rất thật lòng về quyết định từ giã sự nghiệp thi đấu quốc tế của Lionel Messi.


Himmelman lý giải trong cuốn “Gánh nặng làm Messi”, “điều chống lại cậu ấy chính là Messi không đủ Argentina, kể cả cậu ấy có làm gì đi chăng nữa”. Thế nào mới đủ Argentina? Lấy Diego Maradona làm nguyên mẫu, thì tiền đạo của Barcelona không có phong cách kiểu đó: không sống cuộc đời khốn khó, không ma túy, không bị bắt giữ, không khiến cả đất nước phát cuồng vì những tuyên bố chạm vào tim người hâm mộ. Anh đứng ngoài mọi “chuẩn mực” đấy, không một thứ gì ở Messi cho thấy anh là người Argentina theo cách như vậy.

“Leo Messi và sự bất lực”, kí giả Cristian Grosso hậm hực viết trên tờ La Nación’s sau khi tiền đạo 29 tuổi này đá hỏng quả luân lưu ở nước Mỹ, “tại sao cậu ta có thể làm được nhiều điều kì diệu như thế cho Barcelona, mà lại tầm thường như vậy với chúng ta. Những giọt nước mắt đó chẳng nói lên điều gì cả, cậu ta sẽ trở lại Catalunya kiếm vài chục triệu đô một năm và vứt bỏ lại đây một đống hỗn độn”. Đó là một cảm giác phức hợp, nếu Albiceleste giành một danh hiệu lớn mọi thứ sẽ suôn sẻ, và nếu không như ý, Messi – Barcelona sẽ lại là cái cớ để người Argentina trút giận.

Argentina sẽ ra sao?

“Điều đó tốt cho tất cả, cho tôi và cho những người khác. Nhiều người muốn như vậy, họ không hài lòng với việc chỉ vào đến chung kết, và tôi còn buồn hơn thế”, Leo Messi trả lời về quyết định của mình. Nếu Javier Mascherano cũng quyết định nối gót Leo Messi rời bỏ Albiceleste, đó sẽ là thiệt thòi lớn với người yêu bóng đá nước này. Tiền vệ vừa chuyển tới Juventus có thể không được yêu mến như Carlos Tevez, nhưng anh có vừa đủ những tiêu chuẩn với người Argentina.


Lời chia tay của Messi đồng nghĩa với việc sẽ đem tới một công thức mới cho Argentina

Nhưng vị trí thủ lĩnh của lối chơi chỉ là vấn đề nhỏ, mà xa hơn là ở Liên đoàn bóng đá Argentina (AFA), một tổ chức hỗn loạn vào lúc này, khi không có chủ tịch để điều hành công việc, ra mọi quyết định và khiến mọi việc trở nên tốt đẹp hơn với bóng đá Argentina. Những người phải khởi xướng một cuộc cách mạng giống như Bỉ, Đức đã làm hơn chục năm qua, để định hình lại giá trị của đội bóng.

Thất bại ở Copa America một lần nữa cho thấy, Argentina đang lạc hậu thế nào về chiến thuật và triết lý. Lời chia tay của Messi đồng nghĩa với việc sẽ đem tới một công thức mới cho Argentina, có thể theo cách tích cực hơn, vì từ năm 2007 đến nay, Albiceleste được xây dựng quanh tiền đạo 29 tuổi này.

Messi đã làm tốt nhiệm vụ, dẫn dắt đội bóng vào đến 3 trận chung kết trong 3 năm liên tiếp, nhưng chưa đủ hoàn hảo, khi Argentina chỉ biết trông cậy vào sự tỏa sáng của anh. Nếu đội bóng áo sọc xanh trắng được thiết kế trên một phông tập thể, với những tài năng mới như Lamela hay Dybala, kết hợp với những cầu thủ đúng kiểu Argentina như Augusto, và được nhào nặn trong đôi tay của những HLV có triết lý chơi bóng rõ ràng như Sampaoli hay Diego Simeone, mọi thứ sẽ tiến triển theo hướng tốt hơn.

Leo Messi không thể là lời giải cho tất cả những vấn đề của bóng đá Argentina hiện tại. Anh cũng không phải là đối tượng để so sánh với Diego Maradona, hay một mình phải gánh vác nghĩa vụ giành chức vô địch cho Albiceleste. Đó là trách nhiệm đầu tiên của AFA, bổn phận của HLV trưởng và cả những cầu thủ khác nữa.

Maradona: Messi phải tới Nga

Từng lên tiếng chỉ trích và gây sức ép lên hậu bối, huyền thoại Diego Maradona giờ kêu gọi Messi phải tiếp tục chiến đấu cho Argentina: “Cậu ấy phải giữ vững lập trường, và điều tốt đẹp nhất cuối cùng sẽ đến. Bởi vì cậu ấy phải tới nước Nga và trở thành nhà vô địch thế giới, cậu ấy phải như vậy”.

Messi đầy chất Argentina

Leo Messi thật sự là người Argentina hơn so với cách đánh giá, dù không cần phải hát thật hào hứng quốc ca, hay việc anh đã tới Tây Ban Nha từ quá sớm, đây là bằng chứng: Gia đình anh vẫn ở Rosario, diễn viên yêu thích vẫn là Ricardo Darin, một minh tinh nổi tiếng của xứ sở tango. Món ăn yêu thích là Milanesa do mẹ anh chế biến, “Leo thích món ăn phải thật đơn giản, bò bít tết không trộn với giăm bông hoặc thịt ngựa; có gà với nước sốt làm từ hạt tiêu, hành, cà chua và rau oregano. Nó không thích một món ăn phức tạp”, bà Celia tiết lộ với kí giả Luca Caoilli, trong cuốn ‘Messi – Từ El Pulga đến một huyền thoại”. Anh khẳng định giải thưởng Quả bóng Vàng World Cup 2014 không có giá trị nào cả, vì phần thưởng cá nhân không có ý nghĩa bằng danh hiệu tập thể. Cũng như từ chối không nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận chung kết Copa America 2015 vì lẽ tương tự.

Adidas cũng không níu được Messi?

Một tổn thất lớn cho Liên đoàn Bóng đá Argentina khi Messi chia tay là bản hợp đồng với Adidas. Rất có thể tài trợ sẽ bị suy giảm. Bản thân Adidas cũng có hợp đồng 10 triệu USD/năm với Messi (chủ yếu là vì đi giày). Thế nên Adidas có thể có những tác động để Messi đổi ý, nhưng thu nhập từ Adidas chỉ chiếm chừng 1/10 thu nhập của Messi.

Trần Dũng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm