Từ Hải Quan 1997 đến Ninh Bình 2014

25/08/2014 12:54 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Tiêu cực làm bóng đá Việt Nam biến thái đến chóng mặt. Nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho cơn bão tiêu cực kéo dài, từ một nền bóng đá chưa tự nuôi sống bản thân dù đã khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp; đến sự lên ngôi của những giá trị ảo, hay cung cách quản lý, đầu tư thiếu khoa học, hiệu quả..., và sự xuống cấp trầm trọng của văn hóa bóng đá.

Chuyên đề "Hồ sơ đen của bóng đá Việt - Ngày phán xét" – được TT&VH Cuối tuần thực hiện nhân vụ xét xử 9 cầu thủ Ninh Bình bán độ sẽ diễn ra vào ngày 25/8 không có ý định bi kịch hóa từ những nỗi đau cũ, mà thông qua từng vụ việc, từng con người, từng số phận cụ thể nhằm chuyển tải thông điệp: Bóng đá chẳng hề khu trú trong lĩnh vực riêng với những luật lệ riêng của nó, mà là một bộ phận chịu sự điều chỉnh chung của xã hội, luật pháp như nhiều bộ phận khác.

Năm 1997, “vụ Hải Quan” gần như là vụ án tiêu cực bóng đá đầu tiên được xét xử chính thức. Đội Hải Quan khi đó là một trong những tên tuổi lớn của làng cầu nội, nhưng hàng loạt cầu thủ dính vào đường dây cá độ do Sơn “cao”, Nghĩa “vé số” chỉ đạo thông qua cựu cầu thủ Trần Minh Trung tác động tới Trương Văn Dưỡng là trụ cột của đội. 

Trong số dính chàm có cả Nguyên Chương, một người hùng từng ghi bàn quyết định giúp ĐTQG giành tấm HCĐ SEA Games 19 trên đất Indonesia năm 1997.

Vụ án được cơ quan chức năng triệt phá bắt nguồn từ việc cầu thủ Trương Văn Dưỡng của đội Hải Quan bị "xã hội đen" đe dọa, đòi cắt gân chân vì "lật kèo". Kết quả, Trương Văn Dưỡng bị kết tội và nhận án tù một năm. Tuyển thủ quốc gia Nguyên Chương bị phạt 10 tháng tù treo và 2 năm thử thách vì tội đánh bạc...

Những án phạt nặng của luật pháp dường như cũng chẳng kiến giới cầu thủ... chùn chân! Bởi chỉ 3 năm sau, vụ dùng tiền bôi trơn chức vô địch diễn ra. Đó là tại vòng đấu cuối của kỳ V-League đầu tiên năm 2000 - 2001, khi ấy SLNA kém Nam Định 1 điểm và đội bóng xứ Nghệ buộc phải thắng Công an TP.HCM mới lên ngôi cùng điều kiện Nam Định hòa hoặc thua trên sân Cảng Sài Gòn.

Và hàng trăm triệu đồng đã được SLNA chi ra thông qua cựu tuyển thủ HữuThắng để "chích" vào các cầu thủ Cảng Sài Gòn. Kết quả đã diễn ra đúng với kịch bản, SLNA lên ngôi với chiến thắng 4-3 trước CA.TPHCM, còn Cảng Sài Gòn quật ngã Nam Định tới 5-0.

Khá hài hước là nhiều người trong thế giới bóng đá lúc ấy ngụy biện bằng lý do - Đó không phải là mua bán tỷ số mà là bồi dưỡng để đá hay hơn! Vụ việc khá nóng vào thời gian đó, nhưng không bị đưa ra xét xử khi các cá nhân liên quan hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra.

Suy nghĩ đơn giản - "Vẫn thắng mà vẫn có tiền" ấy là nguyên nhân nổ ra "đại án" Bacolod năm 2005. Tiền vệ trụ cột của U23 quốc gia, Quốc Vượng đứng ra giao dịch với trùm cá độ và rủ rê 6 cầu thủ khác dàn xếp để chỉ thắng Myanmar với tỷ số 1-0. Vụ trọng án bóng đá này được Tòa án Nhân dân TP HCM đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 25/1 và phúc thẩm ngày 20/4/2007. 

Kết thúc phiên tòa, Lê Quốc Vượng nhận án tù (4 năm), các cầu thủ khác chỉ bị án treo do có các tình tiết giảm nhẹ. Trong đó Phạm Văn Quyến, Lê Văn Trương, Trần Hải Lâm và Châu Lê Phước Vĩnh bị phạt 2 năm tù về tội tổ chức đánh bạc; Lê Bật Hiếu và Huỳnh Quốc Anh bị phạt 2 năm 6 tháng tù vì tội tổ chức đánh bạc.

Và đâu chỉ cầu thủ, giới quản lý, trọng tài cũng đã từng phải đứng trước vành móng ngựa với tội danh nhận hối lộ làm sai lệch kết quả trận đấu. Đó là V-League 2004, khi trọng tài Lương Trung Việt đã nhúng tay vào hầu hết các phi vụ dàn xếp trận đấu của CLB Ngân hàng Đông Á - Thép Pomina.

 Lãnh đạo một số đội bóng như Nguyễn Tiến Huy, Vũ Tiến Thành (Ngân Hàng Đông Á - Thép Pomina.), Lê Văn Cường (Tôn Hoa Sen Cần Thơ) đã nhờ Việt quan hệ với các trọng tài và đề nghị họ điều khiển trận đấu theo hướng có lợi cho đội bóng của mình. Mức "nhờ vả" cho mỗi trận đấu có lợi này từ 30-50 triệu đồng.

Tại tòa, với vai trò “đạo diễn”, Lương Trung Việt bị kết án 7 năm tù về tội môi giới hối lộ. Cùng chịu hình phạt tù giam với bị cáo này là các cựu trọng tài FIFA Phạm Hữu Lộc và Trương Thế Toàn (mỗi người 4 năm tù về tội nhận hối lộ). Bị cáo Hoàng Thế Dũng (trọng tài cấp quốc gia) bị phạt tù 4 năm 6 tháng.Án tù treo 36 tháng được áp dụng với 2 bị cáo bị kết tội có hành vi đưa hối lộ: Lê Văn Cường và Vũ Tiến Thành.

Đó là 3 vụ "hầu tòa" đáng nhớ nhất của bóng đá Việt, nhưng lại chưa đủ sức răn đe, bởi đến mùa 2014, hai vụ bán độ khác lại nổ ra với những kịch bản tương tự. Tháng 4, tại AFC Cup, nhóm 9 cầu thủ V.NB do thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng, tiền vệ Trần Mạnh Dũng cầm đầu đã bàn nhau làm độ với tỷ lệ "tài 3 hòa" ở trận đấu với CLB Kelantan, Malaysia. 

Kết quả trận đấu này là V.Ninh Bình thắng Kelantan 3-2, nhóm cầu thủ kể trên đã nhận tiền thắng độ lên đến 1,02 tỉ đồng sau khi về nước và tiến hành chia nhau. Tới tháng 7 đến lượt 6 cầu thủ Đồng Nai cũng bị cơ quan điều tra phát giác cũng với vấn nạn dàn xếp tỷ số.

Dự kiến, vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc của 9 cầu thủ Ninh Bình ở AFC Cup 2014 sẽ được xét xử vào ngày 25/8 tới tại Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình. Nếu các cầu thủ Ninh Bình bị khởi tố theo tội danh đánh bạc, điểu 248 Bộ luật Hình sự quy định khung hình phạt là 2-7 năm tù. Còn nếu bị khởi tố theo tội danh tổ chức đánh bạc, theo điều 249 khung hình phạt sẽ nặng hơn, từ 3-10 năm tù.

Đó đều là những án phạt nặng, chỉ có điểu...

V.M
Thể thao & Văn hóa cuối tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm