08/04/2024 07:00 GMT+7 | Giải trí
Lễ trao Giải thưởng Cống hiến lần 18 - 2024 do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức thành công vào cuối tháng qua với nhiều dư âm đẹp. Đóng góp trong thành công ấy, không thể không nhắc đến hai người dân chương trình: nhà báo Trương Anh Ngọc và MC Phí Linh - "mắt xích" kết nối mạch trao giải, đã dẫn dắt các khách mời, nghệ sĩ và khán giả vào cuộc hành trình cống hiến, tôn vinh, tỏa sáng.
Dù lần đầu trên sân khấu của Cống hiến, cũng là lần đầu cùng nhau dẫn chung một chương trình, nhưng nhà báo Trương Anh Ngọc và MC Phí Linh đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả về một cặp dẫn vừa hóm hỉnh, thoáng đạt, nhiều chất thơ. Đặc biệt là MC Phí Linh. Cô được yêu mến bởi lối dẫn duyên dáng, dí dỏm, giàu "vốn" mà vẫn rất chừng mực.
Được nhận định đây là một trong những chương trình mà mình dẫn hay nhất, nhìn từ góc độ nghề cũng như là một khán giả khó tính, MC Phí Linh đã có những chia sẻ với báo Thể thao và Văn hóa sau sự kiện.
Để con tim lên tiếng
* Tôi nhớ, khi hẹn phỏng vấn, Phí Linh bảo hãy để mình được nói về dư âm của giải, bởi cũng sẽ chỉ có một lần dẫn giải thưởng. Với suy nghĩ này, chắc hẳn chị đã dẫn Cống hiến với tâm thế hết công suất cho một lần duy nhất?
- Thực ra, trong lúc tập luyện, tôi và nhà báo Anh Ngọc đã "xác định" với nhau, rằng mình cứ dẫn thoải mái, dù "hứng gạch đá", vì đằng nào cũng chỉ dẫn một lần thôi, nhưng thật ra chúng tôi cực kỳ thận trọng. Không nhận trả lời phỏng vấn trước sự kiện cũng vì lẽ đó.
Tôi nhớ, cho đến những khoảng thời gian chuẩn bị cuối cùng trước khi bắt đầu chương trình, mình vẫn còn đang chắp bút viết lời dẫn cho đoạn vinh danh các đề cử Nam/ Nữ ca sĩ của năm, vì mình muốn ca sĩ nào cũng được trân trọng, không chỉ là người thắng giải.
* Theo dõi giải thưởng Cống hiến từ lâu, cho đến khi chính mình đứng trên sân khấu dẫn dắt chương trình, cảm xúc đầu tiên của chị như thế nào?
- Tôi bị khựng lại ngay giây phút đầu tiên, suýt quên phải giới thiệu "kỷ lục gia" Cống hiến Tùng Dương! Vì lúc đó cảm giác rất khó tả - cảm giác của người đang được đứng trên sân khấu mình từng dõi theo suốt thời niên thiếu để chào khán giả với tư cách MC.
Hơn thế, đây còn là sân khấu đã từng tôn vinh âm nhạc chạm vào trái tim mình, sân khấu ấy cũng là nơi mình từng say sưa xem phần dẫn dắt của những người mình ngưỡng mộ - như anh Lại Văn Sâm, chị Diễm Quỳnh, anh Đinh Tiến Dũng, anh Lê Hoàng, chị Trác Thúy Miêu, chị Thùy Minh, thầy Thanh Bạch… Họ đã đứng ở đây và đã làm nên chất riêng của Cống hiến, làm nguồn cảm hứng cho tôi suốt bao năm qua.
Vậy thì hôm nay mình đứng ở đây, thái độ và trách nhiệm của mình như thế nào để tiếp nối? Với suy nghĩ ấy, tôi đã để cho con tim mình lên tiếng… và thế là mình tự nhiên nhất, chân thật nhất, nói bằng cảm xúc của mình, như một dòng chảy.
* Năm nay, chương trình có thêm giải Ấn tượng Cống hiến. Còn chị, khi theo dõi các màn trao giải của các khách mời, chị ấn tượng nhất ở những khoảnh khắc nào của họ?
- NSND Xuân Bắc từng nổi tiếng với câu nói ở giải Cống hiến 2017: "Tôi trao giải là sẽ nói dài 22 phút". Năm nay anh rút xuống một chút: "Tôi sẽ nói chừng 21 phút". Tất nhiên là anh chỉ nói hóm hỉnh vậy, vì biết BTC thường sẽ bị áp lực với vấn đề thời lượng phát biểu của khách mời trao giải thôi, chứ không bao giờ phát biểu dài thế và điều quan trọng là phần phát biểu trao giải của anh khá hay.
Tôi cũng nhớ sự xuất hiện của cặp đôi nhạc sĩ Lời của gió Quang Vinh và "nữ hoàng" hát nhạc phim Mai Hoa, hoặc như NSND Trung Hiếu, nhà báo Lại Văn Sâm… các anh chị cất giọng lên là uy tín, yêu thương với khán giả Hà Nội.
Nhưng ấn tượng nhất là chất Hà Nội của Cống hiến: không quá ồn ào, hơi nghiêm nghị, hài hước thì chấm phá. Màu sắc địa phương là điều mà Ban tổ chức đã cố gắng xóa nhòa, nhưng tôi nghĩ là rất khó, vì đó là đặc trưng của giải rồi. Đó cũng là lý do vì sao 4 năm giải Cống hiến tổ chức ở TP.HCM, tôi có cảm giác nhớ nhung điều gì đó không lý giải được.
Chính vì thế, tôi và nhà báo Trương Anh Ngọc đã cố gắng làm lại cái chất dí dỏm, dịu dàng của Cống hiến ở mùa giải năm nay, để tinh thần đó lan tỏa đến các khách mời trao giải, khiến cho họ thoải mái, giao đãi gần gũi, nhưng vẫn gửi đến những thông điệp rất sâu sắc về nghệ thuật và thể thao.
Còn về chủ nhân giải thưởng thì không hề có sự cục bộ, mà là những đánh giá rất công tâm: ca sĩ Mỹ Tâm, nhạc sĩ Đức Trí - chủ nhân giải thưởng của những năm trước, hoặc Hứa Kim Tuyền, DTAP của năm nay là những minh chứng rất sống động về tính đa dạng vùng miền và sự khách quan của giải thưởng.
* Với những chia sẻ của các nghệ sĩ đoạt giải, chị thích nhất hoặc bị bất ngờ ở những câu chuyện nào?
- Tôi rất yêu cách VĐV bơi lội Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ về chiến thắng của mình ở giải thưởng Gương mặt thể thao. Sau khi hồn nhiên khoe gia tài huy chương, Hoàng nói: "Năm nay em rất vinh dự được đánh bại tất cả mọi người để đứng trên hạng mục cao nhất" - rất gen Z, rất đáng yêu. Đến mức cả tôi và anh Trương Anh Ngọc bàn nhau phải ra bắt tay và tôn vinh bạn ấy nhiều hơn vì chàng trai này vừa đoạt chức vô địch giải bơi lội quốc gia tại Huế ngay trong buổi sáng cùng ngày và vượt quãng đường xa cả đường bộ và máy bay để về dự giải Cống hiến.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng tuy Thể thao Cống hiến mới là năm thứ hai trao cho các vận động viên, HLV, đội tuyển… nhưng quy mô, ý nghĩa, tầm vóc là rất ý nghĩa, mong sớm sẽ cân bằng với Âm nhạc Cống hiến. Vì thế, tôi và nhà báo Anh Ngọc khi dẫn, luôn hướng tới sự tôn vinh trân trọng như nhau, dù là ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất hoặc vận động viên, huấn luyện viên… họ đều là những ngôi sao cống hiến!
* Như chia sẻ trước đó, bản thân chị cũng rất mong chờ được xướng tên những đề cử có sự tham gia sản xuất của mình thắng giải. Và khi điều đó thành sự thật, chị đã nghĩ gì?
- Tất nhiên là tự hào lắm! Dù không thể chạy ra ôm đồng đội, nhưng tôi nhìn họ bằng ánh mắt hạnh phúc. Trong 3 đề cử tôi tham gia sản xuất và dẫn dắt là Show của Đen, Đỗ Bảo & Friends / Một mình bao la và HAY FEST, đã có live concert Đỗ Bảo & Friends / Một mình bao la nhận được giải thưởng Chương trình của năm.
Có lẽ hạnh phúc hơn nữa với tôi là người bạn thuở thiếu thời còn chơi thân với mình đến giờ này lại chính là đạo diễn của show Đỗ Bảo & Friends / Một mình bao la. Trong live concert này, dù chỉ tham gia sản xuất một khâu nhỏ trong chương trình là biên tập nội dung giao lưu sân khấu của nghệ sĩ, nhưng được góp sức cho giấc mơ âm nhạc đầy tầm vóc của nhạc sĩ Đỗ Bảo trở thành sự thật, đã là một niềm vui lớn đối với mình. Giờ lại chứng kiến chương trình được vinh danh tại Cống hiến, mình thật sự vỡ òa. Tôi mừng cho Linh Nguyễn (đạo diễn của show) và cảm thấy yêu thêm con người âm nhạc, con người cho nghệ thuật bên trong chúng mình.
"Tôi cũng muốn nói thêm rằng tuy Thể thao Cống hiến mới là năm thứ hai trao cho các vận động viên, HLV, đội tuyển… nhưng quy mô, ý nghĩa, tầm vóc là rất ý nghĩa, mong sớm sẽ cân bằng với Âm nhạc Cống hiến" - MC Phí Linh.
"Phần được nhất chính là nhịp điệu chương trình…"
* Chị có thấy nhận xét Lễ trao giải Cống hiến lần 18 - 2024 hay nhất (từ trước đến nay) là hơi ưu ái không? Theo chị, đâu là những điều làm nên cái "hay nhất" của buổi lễ năm nay?
- Vừa là người dẫn, vừa là khán giả khó tính, tôi nghĩ phần dẫn dắt năm nay chưa thể vượt qua được Lê Hoàng và Trác Thúy Miêu năm nào. Do điều kiện tổ chức mỗi năm mỗi khác, nên năm nay không có được quy mô so với một số năm làm truyền hình trực tiếp. Nhưng với một chương trình tôn vinh như Cống hiến, không bán vé thì làm được như vậy là một điều quá đáng trân trọng.
Tôi nghĩ phần được nhất chính là nhịp điệu chương trình mượt mà, có ý đồ, có chuyển mạch cảm xúc, có sự tươi mới, phong phú... Đây là kết quả của quá trình làm việc nhóm đầy tâm huyết của nhóm sản xuất Ngọc Việt production, đạo diễn Phú Trần, nhóm nội dung của báo Thể thao và Văn hóa, cả 2 MC nữa.
Thực tế, kinh nghiệm sản xuất chương trình ở VTV khiến cho cái đầu của tôi phân thành hai nửa, ngoài nửa sáng tạo bay bổng, còn một nửa còn lại bên trong đầy lý trí để đảm bảo tuyến chương trình khớp nối vẹn tròn với cả ekip.
Chúng tôi đã bàn tính với nhau từng đoạn, và rất cầu thị, lắng nghe nhau cũng như tất cả đều chủ động trước mọi diễn tiến sân khấu: Có thêm voice off đọc giới thiệu khách mời trao giải, không phải đoạn nào cũng là người dẫn nói về giải thưởng mà nhường cho khách mời có khả năng nói tốt sẽ phát huy, có những đoạn cần nhấn thêm, tôn vinh riêng nghệ sĩ thì thực hiện theo ý đồ riêng, như đoạn lời thoại tôi viết để tôn vinh từng đề cử Nam/ Nữ nghệ sĩ của năm… Có thể điều đó làm nên những cái khác biệt cho buổi lễ năm nay.
* Trong mỗi chương trình, dù thành công đến mấy cũng sẽ có những điều mà người trong cuộc mong muốn sẽ được làm tốt hơn thế, thành công hơn thế. Với chị, đâu là những điều nếu làm lại mình sẽ có thể làm tốt hơn?
- Có thể tôi sẽ "lầy lội" hơn, "bung xõa" hơn chăng? Nhưng vì đã nghĩ nhiều đến cái chung, cho sự trôi chảy của chương trình và cho những điểm nhấn dành cho khách mời được vinh danh chứ ít nghĩ đến việc mình phải thể hiện như thế nào để lấy được "spotlight" (tâm điểm – PV) về mình, nên tôi… chỉ được đến vậy thôi!
Đến việc rất yêu quý Đen và muốn ôm cậu ấy một cái trên sân khấu nhưng tôi cũng không làm vì sợ ảnh hưởng nhịp chương trình mà cả ê-kíp đã bắt tay nhau thực hiện. Nhưng cũng vì thế mà giây phút Hứa Kim Tuyền chủ động đến gần và ôm mình ngay sau khi nhận giải khiến cho tôi thật sự trân quý. Bao nhiêu lời tâm huyết đẹp đẽ mình nói để tôn vinh nghệ sĩ, rồi được nhận lại yêu thương bằng một cái ôm của Tuyền làm mình mãn nguyện. Cảm ơn Hứa Kim Tuyền đã tinh tế và nghĩ đến tôi trong phút giây hào quang của bạn ấy.
* Trong hành trình làm nghề của mình, Phí Linh không chỉ là một MC, mà còn hoạt động đa nhiệm từ sản xuất đến dẫn chương trình cho nhiều sự kiện văn hóa, âm nhạc và nghệ thuật. Vậy chị học hỏi để hoàn thiện bản thân, vươn tới những đỉnh cao hơn trong nghề như thế nào?
- Học hỏi từ chính những người nghệ sĩ và sản phẩm nghệ thuật của họ, tôn trọng bản ngã nghệ thuật của tất cả những người làm nghề mà mình có cơ hội tiếp xúc, và không phán xét, bài trừ mà chỉ chắt lọc đâu là thứ phù hợp để mình có thể học hỏi.
Làm phóng sự, sản xuất chương trình cũng tạo vốn liếng kiến thức thêm và cũng là một đam mê khác không kém phần cháy bỏng của tôi. Ở mảng này tôi làm đa dạng chuyên đề, từ văn hóa nghệ thuật đến lịch sử, khoa học kỹ thuật. Và dù học hỏi bằng hình thức nào đi nữa thì tôi cũng tâm niệm, phải cho đi đã, cho đi sức lực, tâm huyết, tình yêu và trách nhiệm, rồi sẽ nhận lại giá trị sau.
Để cho cuộc đời nợ mình một niềm hân hoan, chứ đừng để chỉ mình mang nợ cuộc đời. Còn nợ nhau là sẽ còn duyên, là còn đi bên nhau thăng hoa… Mình làm phép tính toán sơ bộ thế, cũng không biết nợ qua nợ lại vậy là lỗ hay lãi nữa! (Cười)
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất