Marguerite Duras: Muốn là người Việt nhưng bị ‘lưu đày’ ở Pháp

18/05/2014 11:42 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Thời thơ ấu và niên thiếu ở Việt Nam in hằn trên cuộc đời của tác giả Người tình, dù bà phải vĩnh viễn rời xa nơi này năm 17 tuổi. Duras nói tiếng Việt như hơi thở, và luôn nghĩ mình là người da vàng.

Trong đời, Duras luôn xem mình như người lai giữa da trắng và da vàng, thậm chí còn thấy mình thuộc về Việt Nam hơn là Pháp. Nhưng xét về dòng máu, bà là người Pháp 100%, không hề lai. Tại sao?

2014 là một năm đặc biệt, đánh dấu năm sinh thứ 100 của nữ văn sĩ nổi tiếng thế giới (1914-2014). Một  cuộc tọa đàm về “Tuổi thơ của Marguerite Duras tại Việt Nam” vừa được tổ chức tại tại L'Espace, Hà Nội với sự tham gia của của GS văn học người Pháp Catherine Bouthors-Paillart (Đại học Paris 6). Sắp tới, trong Những ngày văn học châu Âu tại Hà Nội, các nhà văn nữ châu Âu cũng được vinh danh, trong đó nổi bật là Duras.


GS văn học Catherine Bouthors-Paillart đọc một bài viết xúc động của Marguerite Duras về bản sắc Việt Nam trong con người bà

“Đứa trẻ Việt” trong gia đình Pháp

Marguerite Duras sinh năm 1914 tại Sài Gòn. Bố mẹ bà là người Pháp sang Đông Dương làm việc. Từ năm 1913 đến 1917, gia đình họ sống ở Sài Gòn, sau đó chuyển đến Hà Nội. Người bố qua đời năm 1921 vì bệnh truyền nhiễm. Người mẹ cùng 3 con đến sống ở Vĩnh Long 4 năm, rồi chuyển đến Sa Đéc.

Họ nghèo, GS Bouthors-Paillart nói trong tọa đàm vừa qua: “Một điều lạ lẫm với người dân thuộc địa: một gia đình da trắng nghèo khổ, ở dưới đáy xã hội không khác gì người bản xứ. Họ luôn có cảm giác mình là người thua cuộc và bị cô lập”.

Chính Duras sau này cũng kể lại như vậy. Trong bài phỏng vấn Những nơi Marguerite Duras đã đi qua (1977), Duras nói “Chúng tôi là người Việt Nam, cô thấy đấy, hơn là người Pháp. Đó là điều bây giờ tôi mới vỡ lẽ ra”. Bà sinh ra đã chơi những trò chơi Việt Nam, với những đứa trẻ Việt Nam, bà nói tiếng Việt như là một bản năng, đến nỗi “không cần phải học”.

Cảm giác này được mô tả rõ ràng trong tiểu thuyết Người tình nổi tiếng của nữ văn sĩ. Vì quá chú ý đến câu chuyện tình đầy đam mê, đôi khi người đọc có thể bỏ qua điều này, nhưng trong suốt cuộc đời mình, Duras đã nhiều lần nhắc lại đến nỗi không ai có thể lờ đi.


Bìa tiểu thuyết Người tình. Trong cuốn sách không chỉ có một câu chuyện tình, còn có cuộc đời của những người da trắng nghèo khổ ở thuộc địa

Thiêng liêng Việt Nam

Có 2 lý do để Duras tự coi mình là người lai hoặc người Việt Nam: ngôn ngữ (nói tiếng Việt) và đặc tính tự nhiên. Nhưng là người lai ở thuộc địa khi đó là cấm kỵ và không hề có địa vị xã hội.

Duras và người “anh nhỏ” (thực ra là em trai bà) thích ăn cơm hơn bánh mỳ, thích cá kho nước mắm hơn là thịt, thích cháo hoa của các gánh hàng rong và đặc biệt thích ăn xoài đến no căng bụng, dù mẹ bà đe dọa về bệnh dịch tả. Thậm chí, anh em bà cảm thấy xa lạ với chính người mẹ, một phụ nữ Pháp da đỏ hồng, tay và chân to thô kệch. Còn anh em bà gầy gò, da vàng, mắt xếch. Đó là những đặc điểm cơ thể của người bản địa.

Năm Duras 15 tuổi, bà đi học tú tài và học rất giỏi. Nhưng bà lại thấy sợ hãi khi phải đối mặt với lớp học toàn học sinh da trắng. Khi nhắc lại điều này, Duras cho thấy bà đã suy nghĩ từ điểm nhìn của người Việt Nam chứ không phải là người Pháp.

Việc Duras coi mình là người lai chứng tỏ thứ bà dành cho Việt Nam còn trên cả tình yêu, bà muốn là người Việt để hiểu được nỗi đau của dân tộc Việt Nam khi đó. Cũng giống như sau này, bà từng nói muốn là người Do Thái để hiểu được nỗi đau diệt chủng của người Do Thái trong Thế Chiến 2.

Dù tiếng mẹ đẻ của Duras trên danh nghĩa là tiếng Pháp, nhưng ngôn ngữ gốc của bà là tiếng Việt, thứ tiếng của những bài hát ru bà đã nghe trong thời thơ ấu và đã ngấm vào máu bà. Theo GS Bouthors-Paillart, Duras dù viết văn bằng tiếng Pháp nhưng cũng thể hiện văn phong tiếng Việt khá nhiều. Bà đã viết ra thứ tiếng Pháp nhẹ hơn, ít từ hơn và được đơn giản hóa, do ảnh hưởng của tiếng Việt.

Rời Việt Nam về Pháp năm 17 tuổi (có nhắc đến trong tiểu thuyết Người tình), đối với Duras là một cuộc lưu đày vĩnh viễn. “Có lẽ tôi bị giam lỏng từ khi ở Pháp” - bà nói năm 1974. Nỗi đau Việt Nam đó, từ khi về Pháp, bà đã cố chôn chặt trong lòng. Chỉ sau tuổi 60 (những năm 1970), bà mới mở lòng nói về quá khứ.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm