Marguerite Duras: Một người tình khắc nghiệt và thù hận

04/05/2014 08:21 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Ai bảo Người tình là chuyện tình say đắm? Có người thấy trong đó một mối thù, một tình yêu thiếu thốn dịu dàng. Tự nhận là một người đàn bà khắc nghiệt, Duras cũng không hề có ý định yêu dịu dàng.

Một ngày rất nhiều con số 4: 4/4/2014, là dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nữ văn sĩ nổi tiếng nước Pháp Marguerite Duras (sinh ngày 4/4/1914). Người ta gọi bà là “Người phụ nữ của ngôn từ” của nước Pháp thế kỷ 20. Duras dành cả cuộc đời để viết ra những kiệt tác, từ tiểu thuyết đến các tiểu luận, kịch bản phim. Bà từng nói: “Đàn ông thích phụ nữ biết viết văn, dù họ không nói thế. Mỗi nhà văn là một đất nước khác”.

Tác giả và linh hồn của Người tình

Một người đàn bà cung Bạch Dương. Đàn bà Bạch Dương điển hình yêu rất mãnh liệt, riêng Duras viết cũng mãnh liệt. Và rất Pháp. Tờ Independent viết về bà “nhân vật mâu thuẫn nhất và ở vài khía cạnh nào đó, hư hỏng nhất, trong bối cảnh văn học ở Paris thời hậu chiến”.

Bà sinh ra ở Việt Nam, rời xứ sở xa xôi này để trở về quê mẹ Pháp năm 17 tuổi nhưng tâm hồn vẫn hướng về quãng đời ngấp nghé giữa niên thiếu và trưởng thành ở Việt Nam. Quãng đời này được khắc họa trong tiểu thuyết mang dáng dấp tự truyện tiêu biểu nhất của bà, Người tình (tiếng Pháp L’Amant, tiếng Anh The Lover).

Marguerite Duras xinh đẹp thuở thiếu thời

Marguerite Duras xinh đẹp thuở thiếu thời

Cuốn sách không chỉ mang về cho Duras giải Goncourt danh giá của văn học Pháp, mà còn được in hơn 3 triệu bản, dịch ra hơn 40 thứ tiếng và được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên Pháp nổi tiếng không kém. Phim quay tại Việt Nam năm 1986.

Duras là người trộn lẫn sự thật và hư cấu vào nhau trong văn chương một cách huyền ảo, đến nỗi gây ra nhiều tranh cãi bàn luận mãi sau này về chuyện đâu là thực, đâu là hư. Chính bà nhận mình là nguyên mẫu nhân vật nữ trong Người tình, cô gái 15 tuổi rưỡi rơi vào cuộc tình bỏng cháy như lửa với người đàn ông Trung Hoa 27 tuổi giàu có, mà nguyên mẫu được cho là công tử Huỳnh Thủy Lê (người Việt gốc Hoa) ở Đồng Tháp, những năm đầu thế kỷ 20. Bà không đặt tên cho họ, gọi họ là “cô gái” và “người đàn ông”, là “nàng” và “chàng”.

Nếu người đọc bối rối vì sự lẫn lộn thực tế - hư cấu trong cuốn sách thì bản thân Duras cũng vậy. Bà từng thừa nhận chìm đắm vào tác phẩm đến nỗi không còn phân biệt được rạch ròi thực hư. Người tình là tác phẩm thứ 48, ra mắt năm Duras đã 70 tuổi, vậy mà văn chương vẫn đầy rạo rực như thuở thiếu thời.

“Nàng nói, em muốn thà anh đừng yêu em. Nhưng nếu anh yêu em, anh hãy hành động như anh vẫn thường làm với đàn bà”. Người tình 27 tuổi cũng phải sửng sốt vì nàng thiếu nữ đó. Tính cách đó có thể có ở Duras năm 17 tuổi, hoặc 70 tuổi, hoặc được vun đắp trong suốt những năm tháng ở giữa. Tiểu thuyết tên là Người tình, để chỉ nhân vật nam, nhưng nhân vật nữ lại ấn tượng hơn hẳn và như là linh hồn của cuốn sách.

Người đàn bà “bị tàn phá”

Khó có thể quên những dòng mở đầu ấn tượng của Người tình, khi Duras không ngần ngại mô tả bản thân mình khi về già như sau: “Một ngày nọ, khi tôi đã già, một người đàn ông tiến đến bên tôi, ở lối vào một nơi công cộng. Ông ta tự giới thiệu mình, rồi nói: “Tôi biết bà nhiều năm rồi. Ai cũng nói khi còn trẻ bà rất xinh đẹp, nhưng tôi muốn nói với bà rằng tôi thấy bà hiện giờ còn xinh đẹp hơn thời ấy nữa. Tôi yêu thích khuôn mặt bà lúc này hơn là khuôn mặt bà khi còn thiếu nữ. Một khuôn mặt bị tàn phá”.

Khi viết về Duras vào đầu năm 1991, khi bà đã 77 tuổi, tờ New York Times nhận định tình yêu trong sách của bà hướng về sự hủy hoại và cái chết. Một cách diễn đạt khác của nét “bị tàn phá” mà người đàn ông nọ đã nhìn ra. “Anh hủy hoại em. Anh thật tử tế với em” - lời nhân vật nữ trong Hiroshima, tình yêu của tôi. Để tổng kết sự nghiệp văn học và điện ảnh hàng chục năm đầy thành tựu của bà, cũng đơn giản thôi: bà dùng ngôn ngữ để truyền tải niềm đam mê và khao khát, nỗi đau và sự tuyệt vọng.

Bí ẩn của tình yêu và tình dục làm bà mê mẩn, nhưng các tác phẩm của bà thiếu thốn tình cảm, cũng chính tờ báo đó (New York Times) viết như vậy khi bà qua đời vào năm 1996. Trong cuộc đời bà cũng vậy, không giàu tình cảm. Tại sao có mâu thuẫn này? Duras từng nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1990: “Tôi viết về tình yêu, ừ đúng thế, nhưng không phải về sự dịu dàng”. “Tôi không thích những người dịu dàng. Bản thân tôi là người khắc nghiệt. Khi tôi yêu ai đó, tôi khao khát họ. Nhưng sự dịu dàng sẽ phá hỏng khao khát”. Đàn bà Bạch Dương điển hình không được biết đến với sự dịu dàng, họ nổi tiếng vì tính cách quyết liệt, như Scarlett O’Hara trong Cuốn theo chiều gió. Và đúng như Duras nói, khi yêu, họ khao khát.

Cuối đời, Duras viết tiểu thuyết The North Chinese Man (Người tình Hoa Bắc), được coi là viết mới về câu chuyện trong Người tình. Bà đặt bút viết Người tình Hoa Bắc sau khi ông Huỳnh Thủy Lê qua đời. Tác phẩm này cũng đã được xuất bản ở Việt Nam, dù không nổi tiếng bằng Người tình.

Một trong những tiết lộ kinh hoàng của Người tình Hoa Bắc là quan hệ loạn luân giữa Duras và 2 người anh em trai. Bà yêu thương tha thiết em trai Paulo, người bị tự kỷ, còn người anh Pierre là kẻ bạo lực. Những câu chữ mơ hồ mà đầy sức gợi trong cuốn sách cho thấy Duras và Paulo đã có quan hệ thể xác. Còn Pierre, bà căm ghét đến mức bộc lộ ham muốn giết chết người anh này. Khi Paulo chết, bà đau đớn đến muốn tự tử. Hai thứ tình cảm mâu thuẫn dày vò tâm hồn cô gái trẻ, góp phần biến bà thành một nữ văn sĩ vô cùng độc đáo của thế kỷ 20.

Tình hay là thù?

Nhiều người say đắm Người tình như một chuyện tình bất hủ, cũng có người nhìn vào đó và chỉ thấy một cô gái - người đàn bà đầy nguy hiểm. Yêu người đàn ông đó, cô gái có tiền để cứu gia đình khỏi cảnh bần hàn. “Nếu yêu anh là sai thì em không muốn đúng” - nàng có thể nói thế nhưng thực tế tình yêu đó là điều cần làm cho gia đình nàng.

Sau này, người tình rời bỏ nàng. Bố chàng trả tiền cho nàng để trở về Pháp, đi khỏi cuộc đời của chàng. Người tình, có thể là một cuộc trả thù bằng ngôn từ của Duras. Viết cuốn sách, bà có tiền và danh tiếng, đều khổng lồ. “Có lẽ, khi đang sống trong mối tình đó, trong đầu bà đã chọn lọc từ ngữ để sau này kể lại câu chuyện” - cuốn tiểu sử Marguerite Duras: A Life của tác giả Laure Adler viết.

Trên thế giới bây giờ, nhiều người, hẳn là yêu văn học, vẫn nhìn Việt Nam bằng đôi mắt của Marguerite Duras. Họ nhìn Sài Gòn như một mảnh đất của những cuộc tình phiêu lưu say đắm, mỗi góc phố mỗi con ngõ đều có khách sạn hoặc nhà nghỉ. “Những gì xảy ra ở Sài Gòn, ai cũng biết, sẽ vĩnh viễn ở lại với Sài Gòn” - một bài báo du lịch trên New York Times.

Một Việt Nam như vậy, chưa nói là đẹp hay xấu, nhưng lãng mạn hơn hình tượng “đất nước của chiến tranh”.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm