Man United: Khi thành công là thước đo bản sắc

13/09/2014 15:18 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều cổ động viên, cựu cầu thủ và bình luận viên đang nói rất nhiều về việc Man United đang “đánh mất bản sắc” của mình. Nhưng có thật là bằng việc chiêu mộ những Radamel Falcao hay Di Maria, Quỷ Đỏ đang bán đi linh hồn của mình?

Cuộc sống càng hiện đại, người ta càng hoài cổ. Các CĐV bóng đá cũng không phải là ngoại lệ. Họ yêu đội bóng của mình, nhưng vẫn nhớ về những gì của ngày xưa, từ không khí trên khán đài, các cầu thủ, HLV và cả áo đấu của CLB. Với Manchester United, họ có 2 trong số những HLV có thời gian gắn bó lên đến trên dưới 2 thập kỉ: Sir Matt Busby, Sir Alex Ferguson. Dưới trướng của họ, là những cầu thủ tự đào tạo, 2 thế hệ cầu thủ là niềm tự hào của Quỷ Đỏ: “Những đứa trẻ của Busby” và “Thế hệ 92”.

Man United không chỉ tự đào tạo cầu thủ

Chả trách, họ lại có niềm tự hào mãnh liệt về bản sắc của CLB đến thế. Chả trách, mà trong khi phần lớn các CĐV vui mừng vì đội bóng chiêu mộ một trong những tiền đạo hay nhất thế giới, Radamel Falcao, thì một số ít lại cảm thấy thất vọng tột cùng, khi đội bóng bán đi Daniel Welbeck, một cậu bé người Manchester chính gốc, trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của đội bóng và cứ mỗi khi ra sân là lại chiến đấu nhiệt tình như một chiến binh.

CĐV Man United vẫn hoài nhớ về thế hệ cầu thủ 1992 của "Quỷ đỏ"

Thế nhưng ngoài 2 thế hệ nói trên ra, Man United cho ra lò được thêm bao nhiêu lứa cầu thủ xuất sắc nhất nữa? Cầu trả lời là không. Hai thế hệ trên là hai lứa cầu thủ đặc biệt, mà có lẽ phải còn rất lâu nữa, Man United mới có thể cho ra lò. Đã từ lâu, lò Carrington không còn xuất xưởng những tài năng xuất chúng nữa. Danny Welbeck là người xuất sắc nhất trong lứa cầu thủ trẻ gần nhất của họ khoác lên màu áo Đỏ, nhưng rõ ràng là so với Falcao, Rooney hay Van Persie, anh vẫn chỉ là một tiền đạo hạng trung.

Bên cạnh việc sử dụng cầu thủ trẻ, Sir Alex còn mua về những ngôi sao như Eric Cantona

Hơn nữa, nếu chỉ trông chờ vào thế hệ của những Beckham, Giggs hay Scholes, Sir Alex có thể thành công đến thế? Sir Alex tin vào những cầu thủ trẻ. Nhưng để những cầu thủ ấy trưởng thành, ông cần những người dạn dày kinh nghiệm, đủ khả năng để dìu dắt họ. Đó là lí do mà ông đã mang về những Dennis Irwin, Roy Keane, Peter Schmeichel, Eric Cantona. Trong giai đoạn thành công thứ 2, ông đã mua về 2 ngôi sao trẻ đầy triển vọng là Wayne Rooney và Cristiano Ronaldo, và kết quả ra sao thì ai cũng đã biết.

Sự thay đổi cần thiết

Man United vẫn luôn sẵn sàng bạo chi khi cần thiết, để tìm kiếm những thành công mới, dù không phải lúc nào họ cũng mạnh tay như những Chelsea, Man City hay PSG. Việc chi nhiều đến thế ở kì chuyển nhượng năm nay chỉ là một hiện tượng nhất thời, khi đội bóng cần phải thay máu mạnh mẽ, sau một mùa giải thảm họa. Louis van Gaal đã giữ lời, khi cho các cầu thủ ông có trong tay cơ hội, nhưng khi họ không đáp ứng được yêu cầu, ông để họ ra đi và mua về những con người mà ông cần cho đội bóng.

Man United đã bạo chi vào mùa Hè này để đưa về nhiều cầu thủ chất lượng

Radamel Falcao và Di Maria là những ngôi sao đẳng cấp thế giới. Herrera, Blind và Rojo đã khẳng định được tên tuổi của mình, còn Luke Shaw là một cầu thủ trẻ đầy triển vọng của bóng đá Anh. Man United đã bị ép giá trong hầu hết các vụ chuyển nhượng này, nhưng đổi lại, họ có những con người mình cần để gia tăng sức mạnh đáng kể cho đội bóng. Cuối mùa giải này, nếu họ lọt vào top 3 như mục tiêu mà Phó Chủ tịch Ed Woodward đề ra, liệu có ai có còn nhớ đến Danny Welbeck hay Tom Cleverley?

Các CĐV thích hoài cổ, đó là quyền của họ. Nhưng Man United không thể cứ dựa vào quá khứ huy hoàng để mơ về những danh hiệu trong tương lai. Họ cần những thay đổi, để trở lại là chính mình và tìm lại vị thế vốn có. Mua nhiều, nhưng họ vẫn là đội bóng có số lượng cầu thủ tự đào tạo đăng kí nhiều nhất trong số những đội bóng lớn ở Anh. Mối lo ngại với Man United bây giờ, có lẽ không phải là bản sắc hay truyền thống, mà là họ có thể thành công với những bản hợp đồng mới hay không.

Thanh Hoài

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm