10/03/2023 19:06 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Sở hữu hai nhân tài hiếm có trên đời là "Ngọa Long, Phượng Sồ", nhưng Lưu Bị vẫn không thể hoàn thành đại nghiệp thống nhất đất nước.
Tam Quốc là một thời kỳ nhiều biến động, trong đó đỉnh điểm là cuộc chiến vương quyền giữa ba tập đoàn mạnh nhất, đó là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô. Để xây dựng đại nghiệp, cả Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền đều hiểu rằng cần phải chiêu mộ được nhân tài. Trong khi Tào Tháo, Tôn Quyền có những xuất phát điểm thuận lợi, Lưu Bị lại có những trở ngại nhất định trong việc phục hưng Hán thất, lập nhà Thục Hán.
Trong những ngày đầu khởi nghiệp, Lưu Bị từng nhận được lời tiên đoán đặc biệt về những người có thể phò tá cho ông làm nên đại nghiệp. Đó là lời tiên đoán của Tư Mã Huy, một ẩn sĩ rất biết nhìn người, có tài kinh bang tế thế. Dù xuất hiện rất ít nhưng Tư Mã Huy, hay còn được gọi là Thủy Kính tiên sinh, một nhân vật lịch sử sống vào cuối thời Đông Hán, lại dường như tính toán được cục diện cuối cùng của Tam Quốc.
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Tư Mã Huy từng nói với Lưu Bị rằng: "Ngọa Long, Phượng Sồ, được một trong hai có thể an định thiên hạ".
Ngọa Long, Phượng Sồ vốn là biệt hiệu của Gia Cát Lượng và Bàng Thống. Theo lời tiên đoán của Thủy Kính tiên sinh, Ngọa Long là Gia Cát Lượng và Phượng Sồ là Bàng Thống. Việc có được một trong hai người này cũng có thể an thiên hạ cho thấy tài năng của họ xuất chúng đến mức nào.
Bàng Thống (178 – 214), tự Sĩ Nguyên, hiệu là Phượng Sồ, là mưu sĩ của Lưu Bị thời Tam Quốc. Ông được người đời đánh giá là có tài năng ngang ngửa với Gia Cát Lượng. Trong cuộc đời của mình, Bàng Thống từng hiến 3 kế sách cho Lưu Bị để giúp vị quân chủ này chiếm được Ích Châu. Thế nhưng, sau khi Lưu Bị để Bàng Thống dẫn quân công thành, vị mưu sĩ này lại không may trúng phải tên độc mà qua đời. Đây quả là một tổn thất to lớn đối với Lưu Bị và nhà Thục Hán.
Trong khi đó, Gia Cát Lượng (181 – 234), biểu tự Không Minh, hiệu Ngoại Long, là thừa tướng, nhà chính trị, nhà chỉ huy quân sự, đồng thời là một nhà phát minh kỹ thuật nổi tiếng của nhà Thục Hán. Ông đã giúp Lưu Bị gây dựng nên nhà Thục Hán, hình thành thế chân vạc thời Tam Quốc. Dù là một trong những mưu sĩ, chiến lược gia kiệt xuất nhất thời Tam Quốc, nhưng cuối cùng Gia Cát Lượng lại lâm bệnh qua đời vào năm 234 sau khi thực hiện thất bại chiến dịch Bắc phạt.
Gia Cát Lượng nổi tiếng với tấm lòng tận trung báo quốc, cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi. Tuy nhiên, cuối cùng vị thừa tướng, quân sư trên thông thiên văn dưới tường địa lý, với tài năng "xuất quỷ nhập thần" vẫn phải ra đi đầy nuối tiếc trong khi đại nghiệp của nhà Thục Hán vẫn chưa thành.
Trong hồi thứ 37 của Tam Quốc diễn nghĩa, sau khi tiến cử kỳ tài Gia Cát Lượng cho Lưu Bị, Tư Mã Huy đã nói một câu liền đoán trúng vận mệnh của vị mưu sĩ này. Đó là "Ngọa Long tuy đắc kỳ chủ, bất đắc kỳ thời" (tạm dịch là: "Ngọa Long tuy gặp chủ, nhưng không gặp thời").
Câu tiên đoán này ẩn chứa nhiều hàm ý sâu xa, rằng Gia Cát Lượng tuy đã tìm được một vị minh chủ biết trọng dụng tài năng của mình, song lại không gặp thời. Nguyên nhân là vào thời điểm khi Gia Cát Lượng xuống núi đi theo Lưu Bị, thiên hạ lúc bấy giờ đã trong tình trạng vô cùng hỗn loạn. Tào Tháo khi đó đã nắm giữ thiên tử để hiệu lệnh chư hầu. Nhân tài dưới trướng của Tào Tháo cũng nhiều vô số kể. Hơn nữa, sau khi đánh bại Viên Thiệu, Tào Tháo đã thống nhất vùng phương Bắc rộng lớn.
Rõ ràng Lưu Bị có được cả hai mưu sĩ kỳ tài là Bàng Thống và Gia Cát Lượng nhưng cuối cùng vẫn không thể hoàn thành đại nghiệp thống nhất đất nước. Vì sao?
Hóa ra, có một nhân vật không xuất hiện trong lời tiên đoán của danh sĩ Tư Mã Huy, nhưng lại là "trùm cuối" trong Tam Quốc. Người này ẩn nhẫn chờ thời, chịu đựng phục vụ 3 đời Tào gia, cuối cùng đã thực hiện thành công một cuộc đảo chính ngoạn mục (sử gọi là Sự biến lăng Cao Bình), tạo nền tảng vững chắc cho con cháu sau này lập nên nhà Tấn, chấm dứt thời kỳ Tam Quốc. Người này là Tư Mã Ý (179 – 251).
Tư Mã Ý có tài như Gia Cát Lượng không? Chỉ cần nhìn vào biệt hiệu của vị quân sư này sẽ rõ.
Nếu như Gia Cát Lượng có biệt hiệu là "Ngọa Long" (ngụ ý là rồng nằm), Bàng Thống - "Phượng Sồ" (hàm ý chỉ chim phượng chưa trưởng thành), Tư Mã Ý lại có biệt hiệu là "Chủng Hổ".
"Chủng Hổ" quả thực là biệt hiệu cho thấy đầy đủ về tính cách của Tư Mã Ý. Theo đó, từ "Chủng" có nghĩa mồ mả, mộ phần. Trong khi đó, con hổ là loài vật được mệnh danh là chúa sơn lâm, dữ dằn, hung ác. "Chủng Hổ" là con hổ nằm trong mộ, cho thấy sự nham hiểm, hung ác.
Thực tế chứng minh, trong Tam Quốc, sau khi Phượng Sồ, Ngọa Long qua đời, chỉ còn lại "Chủng Hổ" là còn sống sót. Cả ba tập đoàn mạnh nhất là Tào Ngụy, Thục Hán, Đông Ngô tranh đấu suốt mấy chục năm trời, thế nhưng người thắng cuộc lại là gia tộc Tư Mã. Trong đó, công lao lớn nhất là nhờ vào "Chủng Hổ" Tư Mã Ý.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, 163, Baidu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất