26/04/2011 07:47 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Muốn chụp chân dung tốt, ai cũng biết là phải có sự tương thông giữa người chụp và người mẫu. Nobuyoshi Araki, Ralph Gibson và Helmut Newton là những người đối thoại tài tình với nhân vật thông qua ống kính.
>> Chuyên đề: Nhiếp ảnh nude - Khi nghệ thuật lên tiếng
Một
Tác phẩm của Nobuyoshi Araki
Đã có thời tôi mê đắm nhiếp ảnh gia Nhật Nobuyoshi Araki, mê đắm những bức ảnh khỏa thân bạo dạn và gây sốc của ông. Araki, sinh năm 1940, tuổi Canh Thìn bằng tuổi mẹ tôi, và giống như mẹ tôi, ông góa vợ sớm. Ông chụp khỏa thân “mặn”, gần như ảnh khiêu dâm, đeo đuổi một thứ triết lý riêng được tuyên bố chính thức sau khi vợ chết, để đến lượt tuyên bố ấy cũng gây sốc không kém ảnh: “Nhiếp ảnh tượng trưng cho sự chết, tính dục cũng là cái chết. Cái gì đông cứng lại, tê liệt, thì là chết. Tôi chọn tính dục và nhiếp ảnh để diễn tả điều đó.”
Toàn bộ sự nghiệp Araki với hơn ba trăm cuốn sách đã xuất bản và hàng triệu tấm phim đủ cỡ (khổ trung, khổ 35mm, Polaroid) chụp bằng mọi loại máy ảnh ta có thể nghĩ đến đã đem lại cho ông vị trí nhiếp ảnh gia số một Nhật Bản đồng thời bị cấm đoán, bị kiểm duyệt ở nhiều cuộc triển lãm quốc tế. Tôi từng mê đắm ông, đó là thời tôi còn trẻ.
Trẻ người thì non dạ. Tôi bị cuốn theo cái triết lý mù mờ mà rất mực hấp dẫn “nhiếp ảnh là cái chết, tính dục là cái chết” để lao sâu vào thế giới ảnh Araki, thán phục từng bức ảnh chụp hoa, chụp mèo, chụp thùng rác Tokyo (ông chụp gì cũng đậm mùi tính dục, hay chính xác hơn, gợi không khí nhục thể); trẻ người thì non dạ và tôi đã từng coi Araki là nhiếp ảnh gia xứng đáng để nghiên cứu nhất (chứ không dám học theo) - tất nhiên nói thế nghĩa là bây giờ tôi đã khác. Tôi không còn thích Araki nữa. Không phải vì ông chụp xấu đi (nói nghiêm túc, thì chưa bao giờ ông chụp đẹp cả!) mà vì quan niệm nhiếp ảnh nơi tôi thay đổi.Khỏa thân như của Araki được xếp vào loại khỏa thân ý niệm (conceptual nudes). Ở đó, không khí và hồn vía ảnh mới là quan trọng. Ở đó, câu chuyện được kể mới là quan trọng. Lõa thể chỉ là phương tiện để kể, để gợi ra không khí. Không có đàn bà khỏa thân, Araki dí ống kính macro vào bông hoa cũng “kể” được về nhục cảm. Cần người mẫu nam, Araki không ngần ngại đặt chế độ self-timer rồi nhảy vào bồn tắm giỡn với người mẫu. Kể chuyện tạo ra sự hấp dẫn cho ảnh và cũng chính nó giết chết ảnh. Một câu chuyện kể mãi thì nhàm; Araki đã gây nhàm. Chưa cần xem đã đoán được có cái gì trong ảnh thì hệt như chỉ cần nghe hắng giọng đã biết sắp kể chuyện gì.
Cái chết hay là tính dục cũng chỉ bấy nhiêu điều quanh quẩn.
Hai
Ralph Gibson, nhà thông thái của nhiếp ảnh đương đại, một leicaist thượng thừa, là tác giả cuốn sách nhiếp ảnh tôi yêu thích: Infanta. Gibson chụp máy phim dòng M với hai ống kính “ruột” Summicron 35mm và 90mm, có khi đặt cả chân máy để chụp khỏa thân. Trong danh sách các nhiếp ảnh gia còn sống và đạt đến trình độ bậc thầy, tôi chọn Ralph Gibson bởi một lẽ hết sức kỹ thuật: một mình ông làm chủ toàn bộ quá trình chụp/tráng/in/cắt cúp/thiết kế đồ họa, ông là người giỏi toàn diện. Và ảnh khỏa thân của ông thuộc thể loại bodyscapes (khỏa thân hình thể). Chụp bodyscapes cần những người mẫu vô danh nhưng chuyên nghiệp, giống như khi ta thuê người mẫu để vẽ tranh hay tạc tượng. Bodyscapes gần gũi với điêu khắc, ở đó hình khối và ánh sáng hắt lên hình khối là điều cần chú trọng ưu tiên. Các phần thân thể người nữ được cắt rời, được đẽo vát thay vì bằng búa/đục điêu khắc, thì bằng ánh sáng. Ánh sáng đèn studio hay ánh sáng tự nhiên là tùy thích. Ralph Gibson, dĩ nhiên với trình độ cao siêu của mình, dùng ánh sáng tự nhiên, ông “sai khiến” được ánh sáng!
Tác phẩm của Ralph Gibson |
Gibson dĩ nhiên không chỉ chụp nudes. Ông còn chụp sách cổ, chụp đàn guitar, chụp chân dung, chụp kiến trúc và phong cảnh. Tất cả các thể loại đều nhất quán về tư tưởng nghệ thuật: nhìn qua ống ngắm Leica, loại bỏ chi tiết thừa, chỉ chọn những gì đủ để làm nên một ấn tượng đồ họa.
Ba
Khỏa thân chân dung (nude portraits) ngày hôm nay có lẽ được đông đảo các nhiếp ảnh gia thời trang khai thác tận tình. Họ sẵn điều kiện tiếp xúc với người mẫu nổi danh, nhân vật nổi tiếng, sẵn chụp thời trang thì chỉ cần thả rơi trang phục xuống là có ngay chân dung khỏa thân. Mario Testino chụp Kate Moss in sách, xem ảnh chỉ thấy vui vui theo kiểu thân mật, à ông này thân với cô kia. Khỏa thân chân dung đạt đến cực hạn của cái đẹp, thì phải là Helmut Newton.
Tác phẩm của Helmut Newton |
Luôn dùng ánh sáng trời, chụp những người mẫu đẹp nhất đương thời trong bối cảnh tự nhiên, tuyệt đối ghét đèn studio (“Đàn bà, họ sống ra sao trước một cái phông trắng toát thế?”), ông là tác giả những bức chân dung vừa duyên dáng vừa bất thường có một không hai. Newton đã chụp trên dưới vài mươi ngàn chân dung gần như toàn bộ những nhân vật nổi tiếng của thế kỷ 20. Từ Brigitte Bardot đến Serge Gainsbourg, từ Cindy Crawford đến Margaret Thatcher, từ Catherine Deneuve đến Karl Lagerfeld, từ Mick Jagger đến Elizabeth Taylor, từ Liz Hurley đến Nicole Kidman. Hầu hết là chân dung khỏa thân.
Muốn chụp chân dung tốt, ai cũng biết là phải có sự tương thông giữa người chụp và người mẫu. Helmut Newton là người đối thoại tài tình với nhân vật thông qua ống kính. Ảnh ông luôn tạo một cảm giác bất an. Bố cục xộc xệch cố ý, ánh sáng gắt, tương phản mạnh, tư thế người mẫu và “câu chuyện” của bức ảnh luôn bất thường. Ông không chụp ảnh, mà tự hóa thành một kẻ nói dối tài tình, kể những câu chuyện không bao giờ có thực về những người rất thực.
Bài kết: Về một bức ảnh 75 năm tuổi
Quốc Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất