31/03/2011 09:14 GMT+7 | Văn hoá
Việc nhà nhiếp ảnh Tô Thanh Nghiệp công bố bộ ảnh chụp người mẫu Ngọc Quyên khỏa thân với mục đích kêu gọi mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường (!?), đã tạo ra những phản ứng ngược từ phía dư luận.
Hầu hết cho rằng không thấy được mục đích “vì môi trường”, chỉ thấy hình một cô gái khỏa thân trần trụi trong những bức ảnh. Để góp một cách nhìn đúng bản chất của sự việc, chúng tôi đã tìm tới những nghệ sĩ có uy tín trong lĩnh vực nhiếp ảnh.
Thật là... đại hài hước!
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. |
Nếu ai đó khen những bức ảnh trong bộ ảnh khỏa thân mà Tô Thanh Nghiệp chụp, tôi lại thấy phản cảm khi nhìn vào những bức ảnh đơn thuần chỉ là khỏa thân chứ không cảm nhận được một ý tưởng tốt đẹp nào từ đó.
Đây chỉ là chiêu thức PR quảng cáo cho bản thân mình một cách trắng trợn và thiếu tế nhị. Ranh giới giữa ảnh nghệ thuật khoả thân và ảnh khỏa thân dung tục là sợi chỉ rất mong manh. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp phải có bản lĩnh để chụp và phân biệt được giữa cái đẹp nghệ thuật và cái chưa thực sự đẹp.
Lẽ ra những bức ảnh này chỉ nên cất riêng cho cá nhân thôi chứ không nên tuyên truyền ra rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc các phương tiện thông tin đại chúng đua nhau đăng tải những tấm hình khỏa thân, khen chê hay chỉ là giới thiệu, theo tôi nghĩ cũng là điều không nên làm. Chúng ta vô hình trung đã tiếp tay cho mục đích tuyên truyền cá nhân của người đưa ra bộ ảnh này. (Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm)
Chỉ thấy ý tưởng... phô diễn cơ thể
Tôi cũng như nhiều nhà nhiếp ảnh khác cảm thấy thất vọng khi xem bộ ảnh nuy của Tô Thanh Nghiệp. Đã là ý tưởng sáng tạo thì nó phải khác và vượt trội hơn những cái mà người ta đã làm nhưng đáng tiếc là bộ ảnh này không đạt được yêu cầu đó. Trên thế giới đã có nhiều cô người mẫu khỏa thân phản đối nạn giết thú rừng để làm áo lông...
Nhà nhiếp ảnh muốn mọi người yêu đất nước quê hương của mình thì phải chụp làm sao để hình ảnh của mình trở nên đẹp hơn, đó mới là sức mạnh của nhiếp ảnh. Ảnh khỏa thân là con dao 2 lưỡi và rất nhạy cảm đối với người Á Đông.
NSNA Lê Hồng Linh
Không phải nhà nhiếp ảnh nào yêu thích và dấn thân vào cũng có thể thành công. Bằng chứng là có người đã phải trả giá quá đắt, thậm chí bỏ mạng khi sử dụng không đúng mục đích những bức ảnh khỏa thân của mình.
Mặt khác, một bộ phận công chúng chưa "được trang bị" trình độ thẩm mỹ để thưởng lãm thể loại ảnh nghệ thuật khỏa thân. Đây cũng là lý do mà ngay cả hội nghề nghiệp cũng vô cùng cân nhắc để chưa thể cho ra một triển lãm ảnh nghệ thuật khỏa thân mặc dù chúng ta đã có những bức ảnh rất thành công trong thể loại ảnh này.
Về chất lượng, bộ ảnh chụp người mẫu Ngọc Quyên của Tô Thanh Nghiệp chưa nêu được ý tưởng đưa ra, yếu tố thiên nhiên bé nhỏ không đáng kể so với sự phô diễn hình thể lộ liễu của người mẫu. Vì môi trường chúng ta đâu nhất thiết phải đưa người mẫu khỏa thân ra để thể hiện ý tưởng này? Việc nhà nhiếp ảnh Tô Thanh Nghiệp công bố ồ ạt những bức ảnh khỏa thân chưa đạt tới độ chín một cách thiếu thận trọng đã gây ra những phản ứng tiêu cực, tác động xấu đối với công chúng. (NSNA Lê Hồng Linh - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN)
Nên có hội đồng thẩm định những bức ảnh nude trước khi công bố
Là người đeo đuổi bộ môn ảnh nghệ thuật khỏa thân 19 năm qua, tôi cho rằng bộ ảnh của Tô Thanh Nghiệp thiếu rất nhiều yếu tố để trở thành một bộ ảnh nghệ thuật khỏa thân từ ánh sáng, đường nét, tạo dáng...
Tô Thanh Nghiệp cho biết thực hiện bộ ảnh này trong 2 giờ đồng hồ thì khó có thể được một bộ ảnh nghệ thuật giá trị. Khi chụp một bức ảnh khỏa thân người ta phải đầu tư rất kỹ về công sức, ý tưởng và thời gian.
NSNA Thái Phiên
Đó là lý do mà bộ ảnh thiếu đi cái hồn, chưa tạo được sự hòa quyện giữa con người và cảnh vật. Chính vì vậy nên gọi đây là một bộ ảnh mang tính lưu niệm thì chính xác hơn là “đeo” vào cho nó những ý tưởng đầy cao siêu như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Việc công bố những bức ảnh nude ồ ạt không có kiểm soát trong tuần qua là điều không nên. Tôi mong rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc.
Đơn cử như muốn công bố những bức ảnh khỏa thân nghệ thuật phải qua một hội đồng nghệ thuật thẩm định gồm các nhà nhiếp ảnh chuyên môn, tốt hơn hết là thuộc hội nghề nghiệp - Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN. Có như vậy, chúng ta mới có thể lọc chọn và đưa ra những bức ảnh nude nghệ thuật có giá trị và sàng lọc đi những bức ảnh chưa thực sự được coi là nghệ thuật. (NSNA Thái Phiên)
Các phương tiện thông tin đại chúng bị lợi dụng... mà không biết
NSNA Cao Phong
Theo tôi, việc cô người mẫu Ngọc Quyên chụp ảnh khỏa thân là việc cá nhân của cô ấy. Nhưng, vấn đề không bình thường ở chỗ cô ấy chụp xong lại tung lên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là báo mạng...
Ai là người có trách nhiệm kiểm soát các tờ báo mạng? Tại sao chúng ta lại tốn giấy mực và các bài viết quan tâm phản ánh cho hiện tượng này? Theo tôi, các phương tiện thông tin đại chúng đang bị lợi dụng... mà không biết. Nhìn sang nghệ thuật đương đại ở quốc tế, rất nhiều hiện tượng nghệ sĩ khỏa thân đi lại trên đường phố để triển lãm này nọ... nhưng tuyệt nhiên, báo chí không hề đưa tin và đăng tải gì về họ.
Và dĩ nhiên mục đích PR cá nhân của những người này bị thất bại và lần sau họ sẽ không làm gì nữa. Chúng ta cần nghĩ tới một giải pháp để kiểm soát được ngay từ cái gốc của câu chuyện. Đó là không quan tâm, đăng tải gì về những ý tưởng kỳ quặc, phi nghệ thuật đó, và dĩ nhiên khi bị khoanh vùng ảnh hưởng, họ sẽ thấy chán và không làm nữa. (NSNA Cao Phong)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất