Luật Điện ảnh sửa đổi: 'Gỡ' loạt vấn đề bất cập để thúc đẩy điện ảnh Việt phát triển

24/08/2019 08:18 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hội thảo lấy ý kiến góp ý để xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã diễn ra ngày 23/8 tại Hà Nội. Các đại biểu đại diện cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh đã đóng góp nhiều ý kiến hữu ích, phù hợp với thực tế.

"Bụi đời Chợ Lớn" vi phạm Luật Điện ảnh: Đã rất ưu ái phim Việt!

"Bụi đời Chợ Lớn" vi phạm Luật Điện ảnh: Đã rất ưu ái phim Việt!

"Bụi đời Chợ Lớn" từ khi khởi quay đã gây chú ý, nên thông tin phim chưa được cấp phép phổ biến và phải dời ngày phát hành càng thu hút dư luận.

Cần thiết xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, qua 12 năm thi hành, Luật Điện ảnh đã tạo hành lang pháp lý, đem lại nhiều bước tiến cho điện ảnh nước nhà như: Thu hút, khuyến khích được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân từ mọi thành phần kinh tế vào các lĩnh vực hoạt động điện ảnh; đưa tác phẩm điện ảnh đến phục vụ mọi đối tượng công chúng, đưa điện ảnh Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy quốc tế…

Tuy nhiên, trước sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin, Luật Điện ảnh hiện hành bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tế, đặc biệt là các quy định về việc khai thác, phổ biến phim trên môi trường mạng internet, xem phim trên các thiết bị di động, vấn đề vi phạm bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh… chưa được quy định đầy đủ và chưa có chế tài xử lý.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

TS. NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà - Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh thì cho hay, trải qua 12 năm thi hành, Luật Điện ảnh đã tạo hành lang pháp lý cho các đối tượng tham gia hoạt động điện ảnh cơ chế và điều kiện phát triển. Doanh thu ngành điện ảnh Việt Nam những năm gần đây tăng trung bình từ 25 - 30%/năm. Riêng năm 2018, doanh thu đạt gần 150 triệu USD.

Tuy nhiên, trước sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học công nghệ và kỹ thuật số, Luật Điện ảnh bộc lộ nhiều điểm lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với thực tế. Chỉ riêng vấn đề khai thác, phổ biến phim trên môi trường internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân là những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh…

Chú thích ảnh
TS. NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà - Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), dự thảo gồm 8 chương, 48 điều quy định những vấn đề chung; sản xuất phim; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; lưu chiểu, lưu trữ phim; quản lý nhà nước về điện ảnh. 

Tại hội nghị ngày 23/8, các vị đại biểu tham dự đã nêu khá nhiều vấn đề mang tính góp ý để xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập, đồng thời bổ sung những vấn đề mới phát sinh cho phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển.

TS. Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định, thời điểm này việc ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) là cần thiết, không còn gì phải băn khoăn, tranh luận. TS. Ngô Phương Lan cho rằng, đề xuất bỏ quy định doanh nghiệp muốn nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim là rất quan trọng và cần phải tính đến phương án phát triển rạp chiếu của các công ty, đơn vị trong nước. Để làm được điều này, theo TS. Ngô Phương Lan, cần quan tâm đến việc ứng xử với các nhà đầu tư nội trong việc xây dựng rạp chiếu trong nước.

Bà Ngô Phương Lan lấy ví dụ, ở Hàn Quốc thì 2 đơn vị phát hành hàng đầu của nước này đều là đơn vị trong nước (CGV, Lotte), chiếm tới 90% thị trường phát hành phim; trong khi đó con số hệ thống rạp chiếu nội địa ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20%. Ở một số nước lân cận trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Maylaysia… tỷ lệ hệ thống cụm rạp nội địa cũng áp đảo (trên 70%) so với cụm rạp nước ngoài.

TS. Ngô Phương Lan cũng nhấn mạnh về sự phát triển như vũ bão của các hãng phim tư nhân, cụ thể đến cuối năm 2018 thì số lượng các hãng này đã lên tới 500 hãng. Tuy nhiên trên thực tế thì chỉ có khoảng 20-30 hãng duy trì hoạt động sản xuất phim đều đặn, khoảng chục hãng sản xuất được 2-3 phim, còn lại 450 hãng “ngồi chơi xơi nước”.

Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, điều cần thiết là phải tính đến phương tiện phát hành phổ biến phim ở thời đại kỹ thuật số này, nhất là khuyến khích phổ biến rộng rãi các phim có nội dung tốt, giá trị nhân văn và tính giáo dục cao.

Vấn đề sản xuất, phát hành và phổ biến phim được các vị đại biểu quan tâm và đưa ra góp ý, bàn luận, đặc biệt là các quy định về phát hành phim Việt Nam tại rạp chiếu mỗi năm.

Ông Đỗ Duy Anh - nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam cho rằng, tính đến năm 2018, số lượng phim Việt Nam sản xuất tăng đáng kể. Cụ thể, số lượng phim Việt Nam sản xuất tăng gấp gấp 2 lần so với năm 2012 (2012: 16 phim, 2018: 37 phim), chiếm khoảng 25 - 30% tổng số phim phát hành trong cả nước. Giá đầu tư trung bình để sản xuất một phim truyện Việt Nam có thời lượng từ 90 đến 100 phút là khoảng từ 12 đến 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi phát hành và phổ biến trong mạng lưới rạp chiếu phim chỉ có khoảng 10% phim thu hồi được vốn sản xuất, đa số các phim còn lại không thu hồi được vốn, đặc biệt là phim nghệ thuật. Thực tiễn đó đòi hỏi cần phải thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh để tạo điều kiện chủ động về tài chính trong sáng tạo, phổ biến tác phẩm điện ảnh.

Đại diện Công ty Cổ phần Thiên Ngân cũng nhấn mạnh rằng, số lượng phim Việt sản xuất ở thời điểm hiện tại chưa thể đáp ứng được nhu cầu phổ biến theo tháng, quý, năm… Do đó, các nhà phát hành buộc phải lựa chọn phim nhập khẩu để duy trì hoạt động của mình.

“Chất lượng phim Việt Nam chưa đảm bảo để đáp ứng được nhu cầu của khán giả… Số lượng phim Việt ra rạp trong 3 năm gần đây trung bình khoảng 40 phim/năm. Tuy nhiên, số phim thành công và hoà vốn chỉ chiếm 1/3, còn lại là lỗ vốn. Có những buổi chiếu phim Việt chỉ đạt dưới 5 khán giả hoặc phía rạp phải huỷ bỏ suất chiếu. Vì thế, việc quy định tỉ lệ chiếu phim Việt cũng cần phải được xây dựng dựa trên những tiêu chí cụ thể và hài hoà”, đại diện đơn vị phát hành này bày tỏ.

Đại diện Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD) đề xuất quy định trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần bổ sung các quy định cụ thể về tỷ lệ phân chia doanh thu bán vé bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, giữa phim điện ảnh trong nước và nước ngoài.

Cùng với đó, đại diện BHD cho rằng, cần thiết kế các rào cản kỹ thuật về thương mại để hỗ trợ điện ảnh Việt Nam phát triển, cụ thể là quy định số giờ chiếu tối thiểu vào giờ vàng cho phim Việt Nam là 50% thay vì 20% như hiện nay.

Việc phân loại phim được các đơn vị phát hành phim đặc biệt quan tâm. Đại diện Công ty Cổ phần Thiên Ngân cũng kiến nghị rằng, việc phân loại độ tuổi C13 (không phổ biến phim đến khán giả ở độ tuổi dưới 13) đang gây khó khăn cho các phim bom tấn siêu anh hùng của các hãng lớn. Cụ thể là các khán giả từ 9 - 12 tuổi không có cơ hội tiếp cận bộ phim mặc dù nội dung của phim hoàn toàn phù hợp với lứa tuổi này.

Mức phân loại C18 (không phổ biến phim đến khán giả ở độ tuổi dưới 18) vẫn còn bị hạn chế bởi hình ảnh của bộ phim bị yêu cầu chỉnh sửa hoặc cắt xén khá nhiều dẫn đến ảnh hưởng chất lượng phim.

Đại diện Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam cũng bày tỏ: “Có những bộ phim về cơ bản hoàn toàn phù hợp với tất cả các đối tượng bao gồm cả những trẻ nhỏ 2-3 tuổi, nhưng trong phim có một vài hình ảnh, lời thoại hoặc nội dung cần có sự giải thích của người lớn cho trẻ nhỏ xem cùng để các em có thể hiểu đúng, đầy đủ thì rất cần một mức phân loại PG – viết tắt của cụm từ Parental Guidance (trẻ nhỏ khi xem phim cần có người lớn đi kèm).

Nếu bổ sung thêm 2 mức phân loại PG và C9 thì hệ thống phân loại phim sẽ sát với thực tế hơn, tạo cơ hội để nhiều đối tượng khán giả khác nhau có thể tiếp cận bộ phim”.

Nội dung cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi tham gia các bộ phim hoặc các cảnh quay nhạy cảm về tình dục, bạo lực, sử dụng các chất kích thích”, cũng được các đại biểu chú ý.

NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhận định, sáng tác điện ảnh đòi hỏi tính chân thực cao độ, làm sao để câu chuyện trên màn ảnh được khán giả cảm nhận như đời thực. Nếu cấm trẻ em (diễn viên) dưới 16 tuổi trực tiếp tham gia (đóng, diễn) trong các cảnh quay dù có phần nào “nhạy cảm” về tình dục, bạo lực… khiến đoàn phim buộc phải thay bằng các diễn viên trưởng thành (để không trái với Luật Lao động) thì tính chân thực của cảnh quay và rộng hơn là tổng thể tác phẩm điện ảnh chắc chắn sẽ bị ảnh hướng. Nhưng nếu cho phép thì có thể trái với Luật Trẻ em.

Vì vậy, ông Hải kiến nghị, việc sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi tham gia các bộ phim hoặc cảnh quay nhạy cảm về tình dục, bạo lực… cần tuân thủ tinh thần của Luật Trẻ em hiện hành.

Bên cạnh đó, các vị đại biểu tham dự hội nghị cũng đưa ra những góp ý thiết thực về các vấn đề như: Đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước; Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; Quảng bá xúc tiến phát triển điện ảnh; Về quy định, phổ biến phim trên internet, khai thác phim từ vệ tinh; Ưu đãi cho các đoàn phim nước ngoài vào thực hiện các dự án sản xuất phim ở Việt Nam…

Tiểu Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm