Luật An ninh mạng: Tin giả... trách nhiệm thật

29/01/2019 08:48 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Luật An ninh mạng được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Làm rõ những vấn đề nhạy cảm xung quanh Luật An ninh mạng

Làm rõ những vấn đề nhạy cảm xung quanh Luật An ninh mạng

Tại Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 7/2018 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 13/7 bằng hình thức trực tuyến, Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) đã thông tin những nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng

Trong Luật có Chương I – Những quy định chung, Điều 8 - Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, mục d - Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế, xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Tại sao việc tung ra và lan truyền thông tin sai sự thật lại được Luật An ninh mạng của Việt Nam cũng như các điều luật tương tự của nhiều quốc gia trên thế giới lưu ý? Đó là do tính chất cũng như mức độ nguy hiểm mà tin giả có thể gây ra cho an ninh quốc gia, nền kinh tế cũng như an toàn, trật tự xã hội.

Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ đã dành 11 năm để nghiên cứu 126.000 tin đồn và tin giả trên mạng Twitter và nhận thấy rằng tin bịa đặt lan truyền nhanh hơn tin thật, được đăng tải nhiều hơn. Lý do là tin giả “nóng hơn” và chủ đề phổ biến là chính trị, tiếp đó là tin liên quan đến kinh tế, khủng bố, khoa học, thiên tai…

Chú thích ảnh
Ảnh: AFP/TTXVN

Kết quả nghiên cứu của MIT đăng trên tạp chí Science (Khoa học) cho biết: tin giả được đăng lại nhiều hơn 70% so với tin thật; tin thật mất thời gian lâu hơn 6 lần so với tin giả để đến với 1.500 người dùng mạng; tin thật ít khi có trên 1.000 lượt chia sẻ, trong khi không ít tin giả có tới 100.000 lượt chia sẻ.

Người dùng mạng bị tính chất giật gân của tin bịa đặt chi phối mà không quan tâm tới việc chúng có bao nhiêu phần trăm sự thật hay không có một tí sự thật nào. Do chúng ta đang sống trong thời đại bão hòa thông tin nên tin tức càng độc, lạ, rùng rợn, bạo lực càng thu hút người dùng mạng.

Mạng xã hội phát triển như vũ bão với sự kết nối của nhiều trăm triệu người trên hành tinh có mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tiêu cực bộc lộ rõ khi tin giả không được kiểm soát và người “sáng tác”, người lan truyền tin giả không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Không gian mạng ngày càng bị các nhóm tội phạm, khủng bố, chống phá, cực đoan lợi dụng để gây nhiễu loạn xã hội, bôi nhọ các cá nhân, tổ chức, thậm chí là cả một quốc gia. Ủy ban Phòng, chống tội phạm thành phố Chicago (Mỹ) cho biết, hơn 50 nhóm tội phạm ở đây dùng các mạng xã hội – Facebook, Instagram, Twitter… để buôn ma túy và thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật khác.

Thông tin từ Công ty công nghệ Google cho thấy, tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, internet phát triển với nhịp độ nhanh nhất Trái Đất với cộng đồng mạng hơn 400 triệu người. Điều này cũng kéo theo những “góc khuất” từ mạng xã hội. Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục đại học Indonesia đã kêu gọi các cơ quan chức năng giám sát nghiêm ngặt các trang mạng xã hội để ngăn chặn sự phát tán tư tưởng cực đoan trong giới trẻ, đặc biệt là sinh viên.

Điều này diễn ra sau khi cảnh sát vào tháng 6/2018 phát hiện một nhóm cựu sinh viên dùng mạng xã hội để lên kế hoạch đánh bom Trường Đại học Aras Mulyadi. Chính phủ Thái Lan đã dự trù chi hàng triệu USD để triển khai hệ thống lưu trữ, phân tích dữ liệu mạng xã hội nhằm tránh sự lan truyền tin giả độc hại trên internet. Còn tại Malaysia luật chống tin giả áp mức phạt tù sáu năm cho những đối tượng tung tin giả lên mạng…

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, cơ quan này đã cấp giấy phép hoạt động cho 436 mạng xã hội có nhiều người dùng, trong đó có Facebook, Youtube, FB Mesenger, Zalo, Google+… Còn báo cáo năm 2018 của We are Social cho biết, Facebook có trên 55 triệu thành viên tại nước ta, chiếm 57% dân số. Việt Nam cũng xếp thứ 7/10 quốc gia có số người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới với nhóm tuổi 25 - 34 chiếm đa số.

Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho thấy, các phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện ở việc nói xấu, phỉ báng (chiếm 61,7%), vu khống, bịa đặt (46,6%), kỳ thị dân tộc (37,01%), kỳ thị giới tính (29,03%), kỳ thị khuyết tật (21,76%), kỳ thị tôn giáo (15,09%)…

Một bộ phận không nhỏ trong cư dân mạng ở Việt Nam cho rằng trong môi trường ảo như mạng xã hội thì không ai phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình. Hơn nữa, việc xử lý từ phía các cơ quan chức năng trong nước gặp rào cản pháp lý vì hầu hết các mạng xã hội đều đặt máy chủ ở nước ngoài. Trong không ít trường hợp mạng xã hội lấn át các phương tiện truyền thông chính thống về việc dẫn dắt dư luận xã hội ở những vụ việc nhạy cảm.

Chúng ta đã có bài học đắt giá khi tin giả, tin bóp méo, xuyên tạc sự thật lan truyền trên mạng xã hội kích động những đối tượng bất mãn, cực đoan, thiếu hiểu biết nổi loạn, chống phá như trong các vụ lợi dụng vấn đề môi trường tại Formusa Hà Tĩnh, phản đối Dự thảo Luật về Đơn vị hành chính - đặc khu kinh tế, Luật An ninh mạng…

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Minh (TTXVN) trong các bài thuyết trình trước các nhà báo ở Việt Nam đã nhiều lần khẳng định: Đừng coi thường tin giả và phải có ý thức phòng ngừa từ sớm. Tin giả đã âm thầm xuất hiện ở Việt Nam từ lâu nhưng ít người để ý. Ngay cả khi tin giả trở thành "khủng hoảng toàn cầu" sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thì nhiều người ở trong nước vẫn chưa coi đây là vấn đề nghiêm trọng.

Nhưng có thể khẳng định rằng tin giả đang thực sự là một mối đe dọa cho xã hội. Trên thế giới, tin giả tràn lan và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Chúng ta đã chứng kiến có rất nhiều nội dung vô thưởng vô phạt, thậm chí sai lệch, đã được người dùng mạng xã hội góp phần phát tán rộng rãi.

Trong số những người chia sẻ các thông tin thất thiệt như vậy trên mạng xã hội có cả những nhân vật có uy tín, có ảnh hưởng, thậm chí được cho là "thạo tin" hơn nhiều người dùng khác, ví dụ như các nhà báo.

Theo chuyên gia Lê Quốc Minh, người dùng mạng phải cận trọng, cân nhắc, kiểm chứng thông tin trước khi “nhập tâm” hay chia sẻ với người khác những thông tin lan tràn trên mạng, đặc biệt là về những vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, kinh tế đất nước và trật tự xã hội.

Trước khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thì chế tài trong Bộ luật Hình sự 2017 chưa đủ sức răn đe đối với những hành vi vu khống, xúc phạm bôi nhọ hình ảnh đất nước, uy tín của các tổ chức và cá nhân. Đã xảy ra hiện tượng nhờn luật.

Theo nhận thức chung trong cộng đồng mạng ở Việt Nam, việc “thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân…”, nói theo cách khác là “tin giả”, không phải hành vi vi phạm pháp luật nặng nề, thậm chí chỉ là hành động “đùa tếu, mua vui”, cùng lắm chỉ bị “nhắc nhở”.

Tuy nhiên, Luật An ninh mạng quy định rất rõ ràng trong Điều 9 - Xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng: “Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu  trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, Luật An ninh mạng ra đời là quyết định kịp thời và cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội và cũng là bảo vệ chính người dùng mạng, đồng thời xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, an toàn.

Người dùng mạng đã đến lúc phải có ý thức cao đối với hành vi của mình trên mạng xã hội nếu không muốn gánh chịu trách nhiệm dân sự và thậm chí là hình sự.

TTXVN/Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm