5 điều Van Gaal cần làm để dẹp yên “cuộc nổi dậy”

11/09/2015 12:30 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Muốn dẹp yên “cuộc nổi dậy” đang nhen nhóm trong phòng thay đồ Man United, HLV Louis van Gaal cần bớt chuyên quyền, đi theo “con dường United”, và học hỏi kinh nghiệm từ Sir Alex Ferguson.

1.Cho cầu thủ tự do hơn

Tâm điểm của sự công kích mà nhóm cầu thủ này nhắm vào Van Gaal đó là việc ông cưỡng ép họ quá nhiều trong các buổi tập - rằng cách của ông là  duy nhất. Nhưng chiến lược gia cho rằng báo chí cứ phóng đại. Hồi tháng Ba, ông bảo “Mọi người cứ nghĩ rằng tôi là ông chủ, là kẻ độc tài. Tôi không thích điều đó. Tôi là người rất mềm dẻo. Vợ tôi biết điều đó”. Sự thực, Van Gaal không đến nỗi chuyên quyền như từng thể hiện. Cách đây hai tuần, ông thậm chí còn tham vấn ý kiến của một số cầu thủ trụ cột, trong đó có Wayne Rooney về việc lựa chọn đội hình”


Van Gaal cần bớt chuyên quyền hơn

Nhưng có một điều không nghi ngờ: Van Gaal đã triển khai một lối chơi cứng nhắc và không sẵn sàng (hay không thể?) linh hoạt. Phong cách của Man United dưới thời thời ông gói gọn trong ba từ: kiểm soát, kiểm soát, và kiểm soát. Mùa này, Man United cầm bóng đến 58,8%, cao nhất Premier League (Man City xếp thứ hai với 57%), nhưng lối chơi ấy không đi liền với hiệu quả. Họ thiếu tốc độ và độ mở trong đội hình và khó tạo đột biến trước những đối thủ dưới cơ mình rõ ràng. Hai chiến thắng của Man United mùa này đều với tỷ số 1-0. Mùa trước, 10 trong số 20 trận thắng của Man United có cách biệt mỏng manh đến vậy.  

Cựu danh thủ Gary Neville từng nhận xét: “Man United thống trị về kiểm soát bóng, nhưng họ không thống trị trận đấu. Bạn phải thống trị trận đấu bằng những bàn thắng và chơi bóng ở cường độ cao. Cần phải chiến thắng rồi hãy kiểm soát bóng, còn họ thì kiểm soát bóng trước khi nghĩ đến chiến thắng. Sẽ OK nếu bạn thắng 1-0, nhưng nếu thua ngược 1-2, đó là vấn đề lớn.

2. Cần giống Ferguson hơn

Một trong những lý do Van Gaal được lựa chọn để thay David Moyes là sự tương đồng, về bản CV và cá tính, với Sir Alex. Di sản của Sir Alex là gánh nặng với Moyes, nhưng là thứ mà Van Gaal sẵn sàng đón nhận.

Chỉ có một khía cạnh Van Gaal không hề giống bậc tiền bối người Scot: phong cách quản lý và sự linh hoạt. Sir Alex là người hiểu ai cần phải “sấy tóc”, ai cần một cái ôm. Sự nuông chiều của ông với Eric Cantona và Cristiano Ronaldo là một minh chứng, một phần vì vai trò quá lớn  với đội bóng, phần vì ông hiểu những cá tính mạnh như họ cần một cách tiếp cận nhẹ nhàng.


Ferguson rất linh hoạt, chứ không cứng nhắc như Van Gaal

Van Gaal không có được sự nhạy cảm như thế. Đó là lý do những cầu thủ đã rời Man United đều không mấy vui vẻ khi nói về ông. Angel di Maria chẳng hạn: “Rất khó để thích ứng với Van Gaal - Tôi đã cãi cọ với ông ta”. Cách mà Van Gaal đối xử với David de Gea cũng nặng nề hơn mức cần thiết. Nếu là Ferguson, chắc chắn ông sẽ không tiết lộ chi tiết cuộc gặp riêng giữa nhân viên của mình với một cầu thủ đang không hạnh phúc, như Van Gaal từng tiết lộ về việc Frans Foek gặp De Gea, trừ phi ông chắc chắn cầu thủ ấy sẽ ra đi.

3. Hãy khiêm tốn hơn

Van Gaal hay dùng từ “triết lý” khi mô tả công việc của ông tại Man United. Nhưng đã có  không dưới 8 tài khoản Twitter dùng từ ấy để… châm biếm lại ông. Cách nói của Van Gaal giống như kiểu nếu Man United chiến thắng thì đó là nhờ vào tài năng đặc biệt của ông, hơn là nỗ lực của các cầu thủ. Và đó càng là dấu hiệu về sự kiêu căng.


Sự kiêu căng có thể khiến Van Gaal trả giá

Những ai từng dự các buổi họp báo của Van Gaal đều có thể chứng thực rằng ông rất hiếm khi khen các cá nhân mà thường nhấn mạnh vào những kế hoạch đã được chuẩn bị cẩn thận của mình. Morgan Schneiderlin từng tiết lộ về cuộc trao đổi với Van Gaal trước khi anh rời Southampton tới Man United rằng “Ông ấy trình bày về triết lý của ông ấy và sau đó là kể về ông ấy. Trên sân ông ấy muốn tôi lặp lại những màn trình diễn tại Southampton nhưng ông ấy rất nghiêm khắc và khó hài lòng”.

Rõ ràng, việc rút bớt lời khen với các cầu thủ và tự đề cao mình có thể khiến mọi việc đi quá xa.

4.Hãy để các cầu thủ chơi với sở trường

Với một HLV đã xây dựng được danh tiếng về một chuyên gia chiến thuật, thật ngạc nhiên khi Van Gaal liên tục bố trí các cầu thủ chơi trái vị trí. Juan Mata có lẽ là ví dụ điển hình nhất: trong hệ thống của Van Gaal, Mata thường xuyên chơi bên cánh phải, dù vị trí ưa thích của anh là số 10 - vai trò mà anh từng tỏa sáng tại Chelsea. Hệ quả, hiệu quả ghi bàn của Rooney bị giảm sút còn Mata thì mất tính sáng tạo.


Bản đồ nhiệt của Rooney và Mata ở trận gặp Newcastle

Bản đồ nhiệt của Rooney ở trận gặp Newcastle cho thấy anh đã lùi xuống để kiếm bóng rất nhiều trong khi Mata thì bị hạn chế khu vực bên cánh phải, vốn không phải vị trí sở trường của mình.

Tương tự, Ander Herrera bị dí vào vị trí tiền vệ giữ nhịp, dù rằng với khả năng chuyền bóng, nhãn quan chiến thuật cùng đôi chân cực nhanh, anh thích hợp với vị trí số 10 hơn. Tương tự là việc bố trí Memphis Depay, vốn rất thành công ở PSV khi đá cánh trái, vào vị trí hộ công.

5. Đi theo “triết lý Man United”

Van Gaal là người hiểu rõ các phương thức của mình nhất, nhưng liệu ông có thể lĩnh hội được “triết lý của Man United”

Hầu hết các đội bóng thành công nhất tại Anh đều được phân định bởi triết lý chơi bóng của các HLV vĩ đại, hơn là phong cách kéo dài hàng thập kỷ. Sự cơ bắp của Chelsea dưới thời Jose Mourinho từ năm 2004 hoàn toàn khác với phong cách trình diễn của những năm 1970 hay sự lịch lãm của Carlo Ancelotti. Arsenal thì đã chuyển từ sự cứng nhắc, kỷ luật dưới thời George Graham sang tinh tế và kỹ thuật của Wenger, với đỉnh cao là giai đoạn 2002-04 khi họ giành hai chức VĐQG trong ba năm.


Triết lý của Man United là tấn công

Nhưng Man United thì khác. Họ có một triết lý, một cam kết về bóng đá tấn công, được truyền từ thời Matt Busby đến những người kế nhiệm, đáng chú ý nhất là Sir Alex Ferguson.

Một trong những lý do Moyes thất bại là ông đã mang tư tưởng thận trọng từ Everton về Man United. Van Gaal cũng chẳng khác gì khi ông ưu tiên triết lý của mình hơn triết lý của CLB. Trong hai mùa giải gần đây, khán đài nổi tiếng Streford End luôn vang những tiếng hô “Tấn công, tấn công, tấn công”, nhưng Van Gaal phớt lờ. Ông từng đóng “nhãn hiệu” của mình lên Barcelona, Bayern, Ajax, và bây giờ ông muốn làm điều tương tự với Man United.

Có thể Van Gaal đã đúng với việc đặt tính an toàn lên hàng đầu khi làm khách trên sân Chelsea và Man City, những thành lũy vững chắc ở châu Âu, nhưng với Swansea và Newcastle thì rõ ràng là không.

Tuấn Cương

Theo Telegraph

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm