Những lời tâm huyết cho Giáo dục của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

20/11/2009 15:02 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH Cuối tuần) - Hơn 50 năm dạy học, từng có nhiều ý kiến tâm huyết với ngành giáo dục nước nhà, GS - TS Nguyễn Lân Dũng dành cho TT&VH Cuối tuần cuộc trò chuyện cởi mở tại nhà riêng dù ông đang trong thời gian tham dự Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII.

* Thưa Giáo sư, tại kỳ họp này, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục tiếp tục bàn về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa. Từng nhiều lần thuyết phục Quốc hội về việc phải có nhiều bộ sách giáo khoa và phải đổi mới cấp bách chương trình giáo dục, lần này, Giáo sư có ý kiến gì?


 Nhà giáo Nguyễn Lân Dũng.
Ảnh: Nguyễn Đình  Toán

- Tôi và không ít đại biểu Quốc hội đề nghị chưa thông qua Dự thảo nói trên trong kỳ họp này. Không phải mỗi lần chúng ta dễ dàng thông qua rồi lại sửa đi sửa lại. Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì phải đến năm 2015 chúng ta mới sửa chương trình, thí điểm chương trình, rút kinh nghiệm, sau đó soạn sách giáo khoa, đợi thí điểm sách giáo khoa rồi mới triển khai… Thế có nghĩa là sẽ phải mất hàng chục năm nữa. Tôi không thể hiểu tại sao lại phải chờ đợi lâu đến như thế. Trong khi đó, mấu chốt của sự bức xúc trong giáo dục hiện nay là chương trình, cũng chưa phải là sách giáo khoa. Ở hầu hết các nước, sách giáo khoa là việc của các nhóm tác giả và các nhà xuất bản. Họ phải viết theo đúng chương trình được Nhà nước xác định. Nhà trường dạy và thi theo chương trình, chứ không phải theo sách giáo khoa. Tôi đã sưu tập khoảng 70 cuốn sách giáo khoa Sinh học của các nước trên thế giới, dù rất đắt, chỉ để chứng minh rằng riêng về Sinh học, chương trình của ta không giống bất kỳ nước nào… Văn học, Lịch sử, Địa lý… mỗi nước có thể khác hẳn nhau, nhưng chương trình Toán, Lý, Hóa, Sinh… thì can cớ gì mà phải khác nhau quá nhiều. Ở Pháp, chương trình Sinh học cấp II rất nhẹ. Họ gọi là môn “Khoa học về Sự sống và về Trái đất” có nghĩa là chỉ học các nguyên lý chung cho mọi sinh vật mà thôi. Không cần học kỹ về cấu tạo chi tiết của từng nhóm sinh vật riêng biệt. Bậc học này ở ta, người ta bắt học sinh học đủ mọi thứ, từ các thực vật bậc thấp, thực vật bậc cao, động vật không xương sống, động vật có xương sống, vi sinh vật, cơ thể và sinh lý người... Không hiểu sao lại có thể đặt ra một chương trình không giống với nước nào như vậy! Hãy tưởng tượng một cháu 12 tuổi ở nước ta mà phải nhớ Sơ đồ cắt ngang của một thân cây trưởng thành với các thuật ngữ khó hiểu như vỏ, tầng sinh vỏ, thịt vỏ, mạch rây, tầng sinh trụ, mạch gỗ… (!). Một cháu 13 tuổi phải nhớ các bộ phận thùy khứu giác, thùy thị giác, não trước, tiểu não , hành tủy, tủy sống của con…thằn lằn (!). Cháu bé 14 tuổi phải nhớ các cung phản xạ với các bộ phận rễ sau, rễ trước, sừng bên, sừng trước, sừng sau, hạch giao cảm, hạch đối giao cảm, lỗ tủy, sợi cảm giác, sợi trước hạch, sợi sau hạch, dây phế vị, thụ quan áp lực… (!). Đố có cháu nào học xong vài năm mà còn nhớ nổi. Bố mẹ các cháu cũng chả hiểu gì, mà cũng chả cần nhớ làm gì các thứ này! Thật khó lòng có thể thông cảm được là với bộ
chương trình và bộ sách giáo khoa như hiện nay mà Bộ GD&ĐT dự định tiếp tục sử dụng ổn định trong 15 năm tới (!)

Theo tôi với các môn khoa học tự nhiên, thế giới học thế nào thì ta học tương tự như thế, chỉ thay đổi chút ít cho phù hợp với điều kiện nước ta và trình độ tiếp thu của học sinh, đừng làm quá khác một cách khó thuyết phục, nhất là trong lúc muốn hội nhập thế giới.

Riêng về sách giáo khoa, có lẽ không có nước nào lại dành độc quyền cho một nhóm tác giả, một nhà xuất bản. Nhiều bộ sách thì mới phát huy được hết năng lực của các thầy giáo lâu năm, các nhà khoa học chuyên sâu.

Trở lại với Dự thảo Luật sửa đổi và bổ sung Luật Giáo dục, tôi nghĩ là việc thông qua Dự thảo này nên chậm lại. Trước đây, cách gọi: cấp I, cấp II, cấp III là quá hay sao phải đổi thành THCS, THPT… Sao “phổ thông” lại cao hơn “cơ sở”? Hay cái tên gọi Bộ GD&ĐT, tôi đố tìm thấy nước nào có cái tên kỳ lạ thế? Giáo dục và đào tạo phải gắn liền với nhau chứ! Chỉ có Bộ Giáo dục thôi, hoặc có thêm Bộ Đại học nữa.

* Không chỉ ở Việt Nam, hiện nay, đổi mới giáo dục phù hợp với sự phát triển của thế kỷ 21 đang là vấn đề cấp bách với cả các nước như: Mỹ, Hàn Quốc… Từng đi công tác ở nhiều nước, theo ông, Việt Nam nên học hỏi gì từ những bài học đổi mới trên thế giới?

- Tôi khâm phục hệ thống giáo dục của Nepal, dù mọi người vẫn xem đây là một nước rất nghèo. Tôi mua thử hai cuốn sách Sinh học lớp 11 và 12 của họ. Không thể tưởng tượng, mỗi cuốn dày đến khoảng 700 trang. Nhìn vào hai quyển Sinh học lớp 11 và 12 ở ta thấy mỏng dính với số giờ dạy ở cấp III quá ít. Có lần được giao ra đề thi sinh học với điều kiện không được trùng với câu hỏi đã ra trước, tôi chịu không biết ra cái gì nữa! Chương trình phân ban thì quá vớ vẩn, chỉ được chênh nhau 10%. Khi phải cắt bớt chương trình, chả biết phải cắt cái gì, liền cắt béng phần thực hành cho gọn. Mà sinh học thì thực hành là quan trọng nhất.

Nếu tôi nói về văn học, có thể những người thuộc lĩnh vực này sẽ khó chịu. Nhưng thực tình, tôi phải chịu đựng hậu quả của việc dạy văn trong nhà trường. Tôi chịu trách nhiệm mục Hỏi gì đáp nấy của báo Nông nghiệp Việt Nam. Hàng ngày, tôi nhận được rất nhiều thư của các em học sinh phổ thông. Nhưng các em viết sai chính tả đến không thể tưởng tượng được, bệnh “ngoài da” viết là “ngoài ra”, câu không có chấm, phẩy, sai hết ngữ pháp cơ bản. Thế thì học văn để làm gì. Học văn ở phổ thông theo tôi nên nhằm giúp để các em viết cho đúng, viết cho hay và biết hưởng thụ, yêu thích văn học. Tôi xin phép nói rằng, tôi cảm thấy học sinh đang học văn học sử với các trích đoạn rời rạc. Sang Mỹ, tôi gặp một học sinh lớp 10 đang đọc cuốn Chiến tranh và Hòa bình dày cộp (xin nói thêm, đó là sách mượn của Thư viện chứ không phải mua). Tôi hỏi tại sao, nó trả lời rằng thầy giáo bảo phải đọc hết mới trả lời được các câu hỏi. Trong khi ở mình thì thấy một tí Lão Hạc, một tí Mùa Lạc,một tí Chí Phèo… Tôi không hiểu học như thế để làm gì? Có những tác phẩm trúc trắc, khó nhớ như: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, hay thơ của Á nam Trần Tuấn Khải… Tôi không hề coi thường những trước tác ấy, nhưng đấy là những tác phẩm dành cho người nghiên cứu, hoặc sinh viên chuyên khoa chứ đâu cần cho học sinh (!). Chương trình ngữ pháp phổ thông thì vô cùng rắc rối. Nói thật, cụ Nguyễn Tuân có sống lại cũng không trả lời được câu hỏi: “Ngừng nghỉ tiếng chim kêu - Câu này là câu gì?”. Phân tích cú pháp là việc của các nhà ngôn ngữ, của các sinh viên ngữ văn chứ… Những môn học có nhiều số liệu cần học thì đâu còn hợp so với thời đại ngày nay. Giờ đây, người ta chỉ cần học kiến thức cơ bản, số liệu không cần nhớ. Chỉ một cú click chuột vào mạng là biết ngay. Các cụ thường nói: Nên đào tạo những bộ óc chứ không nên đào tạo những tủ sách.

* Là một người rất thẳng thắn góp ý cho ngành giáo dục cả trên công luận cũng như khi tham gia cơ quan lập pháp. Nhưng có lần ông phát biểu với báo chí rằng, ông đã thất bại nhiều hơn…

- Khi tôi phát biểu, họ cũng nể tôi nhưng rất ít được chấp nhận. Một vài người còn phản ứng gay gắt trên cả báo chí. Tôi nói rất chân thành và thực tế. Tôi đã dạy học hơn 50 năm, tôi đã học qua bốn trường sư phạm, không có lý gì tôi không thiết tha muốn góp phần xây dựng ngành giáo dục. Tôi chả phản ứng lại với ai. Trong cuộc sống tôi thường chỉ phê bình những ai tôi yêu quý mà thôi. Tôi nói điều tôi tâm huyết nhưng người ta không nghe thì đành chịu thôi. Sách giáo khoa Vi sinh vật học mà tôi chủ biên dùng chung cho nhiều trường Đại học đã được tái bản tới 9-10 lần, tôi muốn sửa lại về cơ bản, vì lạc hậu quá rồi, nhưng nhà xuất bản chỉ cho sửa chút ít thôi. Thế là tôi đành phải tự làm cách khác. Tôi mời hầu hết các nhà khoa học giỏi về lĩnh vực này cả trong Nam ngoài Bắc tham gia. Tôi thu nhận kiến thức chuyên sâu của các nhà khoa học này nhưng phải viết lại để thống nhất ngôn từ và khuôn khổ của cuốn sách khoảng 2.000 trang này. Tôi đưa NXB Khoa học - Kỹ thuật. Họ ngại lắm vì sợ sinh viên chỉ mua vài cuốn rồi đi sao chụp cho rẻ hơn. Tôi tìm gặp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Rất may, Bộ trưởng nói đây là công trình khoa học công phu, dùng cho sinh viên nhiều trường cho nên và Bộ sẽ đầu tư kinh phí để cho NXB Khoa học và Công nghệ in… Tôi hy vọng một ngày gần đây cuốn sách này sẽ được đưa vào sử dụng ở các trường đại học…

* Được biết, ở Phần Lan người ta luôn kêu gọi tinh thần “tôn sự trọng đạo”, ở Hàn Quốc, giáo viên được trả lương rất cao… Còn ở Việt Nam ta, theo Giáo sư, vai trò của người thầy hiện nay như thế nào?

- Tôi vừa đọc hồi ký của nhà văn Ma Văn Kháng. Theo anh ấy, học sinh không phải là trung tâm như người ta vẫn nói, thầy giáo mới là nhân tố quyết định. Hiểu học sinh là trung tâm phải hiểu theo nghĩa tất cả vì học sinh thân yêu… Vừa rồi, tôi có báo cáo trực tiếp với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là một trường đại học tư thục mời tới vài chục GS, PGS để họ làm thủ tục đăng ký thành lập trường nhưng khi khai giảng họ không mời ai cả, thậm chí lấy cả giáo viên cấp III về dạy. Bộ trưởng nói với tôi rằng sẽ cho người kiểm tra ngay. Nhưng thực sự, nếu có kiểm tra thì cũng làm sao kiểm tra hết được. Theo tôi, học sinh muốn học đại học là đáng quý. Nhưng nếu không dạy được cái gì có ích thì ta dạy ngoại ngữ cho các em còn hơn. Giờ là thời đại internet, những bằng phát minh hết hạn được công bố trên mạng. Có thể trở thành doanh nghiệp, nhà sản xuất nếu biết ngoại ngữ để sử dụng kho kiến thức đó. Thầy giỏi cái gì thì hãy dạy trò cái đó, chứ thầy không làm được thì đừng dạy học sinh làm gì, vì họ ra trường sẽ rất khó xin được việc làm.

Thế hệ chúng tôi được học các thầy giỏi, ngay từ cấp II như các thầy Hoàng Tụy, Hoàng Như Mai, Lê Bá Thảo, Trần Văn Khang, Trần Văn Giáp… Các thầy dạy cho chúng tôi những kiến thức cơ bản mà đến giờ tôi vẫn nhớ. Các thầy thổi vào tâm hồn chúng tôi lòng yêu khoa học… Lên đại học cũng vậy, chúng tôi cũng được học những thầy giỏi. Khóa chúng tôi tốt nghiệp năm 1956, ở ngành nào cũng có rất nhiều người sau này trở thành những cán bộ đầu ngành. Chúng tôi chỉ được học có hai năm rưỡi. Tại sao chúng tôi có thể trưởng thành được? Vì các thầy là tấm gương sáng cho tinh thần tự học, nếp sống gương mẫu và thái độ tận tụy vì học sinh.

* Đã ngoài 70 tuổi, cùng lúc đảm nhận nhiều công việc: Đại biểu Quốc hội liên tiếp ba khóa X, XI, XII, Ủy viên UB TWMTTQVN, Chuyên viên cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học…, trông Giáo sư vẫn còn rất trẻ và khỏe!

- Cô nhầm hoàn toàn. Cách đây một tháng, tôi phải cấp cứu vì nhồi máu cơ tim, chỉ chậm 10 phút thì tôi đã… chết rồi. Tôi rất chủ quan, không khám bệnh bao giờ. Đó là điều xấu, không có gì hay! Hôm đó, vừa ở Đắc Lắc ra, sáng hôm sau, tôi lại lên truyền hình, về đến nhà thì thấy mệt quá… Tôi vào viện, các bác sĩ nói, chỉ chậm 10 phút là không cứu được. Ra viện, tôi lại dự họp Quốc hội ngay. Việc rèn luyện sức khỏe, bố tôi (GS – NGND Nguyễn Lân, 1906 – 2003, - PV) mới là tấm gương. Chuyện cụ thọ hơn 100 tuổi đáng ra là bình thường nếu cụ không bị ung thư. Hằng ngày, cụ tập thể dục xong, tắm nước lạnh ngay và... đi ngoài đều đặn tới hai lần mỗi ngày.

* GS Nguyễn Lân Dũng gần gũi với nông dân thì ai cũng biết. Có một giai thoại kể rằng, tại Quốc hội, ông đã lần đầu tiên nói câu: “Ra đường sợ nhất công nông, về nhà sợ nhất vợ không nói gì”. Thực hư chuyện này thế nào, thưa ông?

- Tôi nói lại câu của dân gian đấy, chứ làm sao nghĩ ra được. Nhiều câu dân gian nói hay lắm, tôi thường ghi nhớ, chẳng hạn như: “Chống tham nhũng không thể như quét cầu thang từ dưới lên…”. Gần dân gian, nghe được người ta nói nhiều câu chí lý lắm.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Thu Hằng (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm