Lời hứa nghị trường và hành động của thành viên Chính phủ: 570 chuyến công tác 'lên rừng, xuống biển'

01/04/2021 20:27 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - “Dấu ấn nhiệm kỳ mà chúng ta thấy rõ nhất là một Chính phủ rất năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động trong công tác quản lý, điều hành của mình. Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ. Càng ngày, Chính phủ càng thể hiện sự rất tôn trọng Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, hoạt động của Quốc hội”. Có lẽ lâu lắm rồi, Chính phủ mới nhận được lời khen từ gan ruột của một vị Chủ tịch Quốc hội như thế.

Lời hứa nghị trường và hành động của thành viên Chính phủ: Chuyển đổi số để Việt Nam bứt phá

Lời hứa nghị trường và hành động của thành viên Chính phủ: Chuyển đổi số để Việt Nam bứt phá

Nếu nhìn về thời điểm đầu nhiệm kỳ Chính phủ 2016 -2021, khó ai có thể hình dung rằng, từ chỗ “chập chững” làm quen với khái niệm Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, việc xây dựng Chính phủ điện tử cũng chỉ dừng ở một mức độ nhất định, 5 năm sau, Việt Nam đã được ghi nhận với những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực này.

* Vững vàng lèo lái sự điều hành, quản lý

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành một phiên chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thảo luận về báo cáo Công tác nhiệm kỳ của Chính phủ tại phiên họp 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu lên những đánh giá ngắn gọn mà sâu sắc được bà đúc kết trong 5 năm Quốc hội giám sát hoạt động của Chính phủ “đây là nhiệm kỳ rất thành công, tôi không dám nói là thành công nhất trong các nhiệm kỳ. Nói vậy bởi trong điều kiện, hoàn cảnh có nhiều khó khăn, phức tạp, đặc biệt là cuối nhiệm kỳ, nhưng Chính phủ đã vững vàng lèo lái sự điều hành, quản lý của mình để đạt được những kết quả rất có ý nghĩa. Thành công trong điều kiện khó khăn thì sự thành công đó càng có ý nghĩa quan trọng”.

Nhận thấy “một sự tôn trọng để hợp tác với nhau, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp”, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng rất tôn trọng Quốc hội, ý kiến đại biểu Quốc hội. Bà cũng đánh giá về sự nghiêm túc của Chính phủ khi khẳng định không còn cảnh như Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói trước đây là “đầu kỳ Bộ trưởng sang chơi, giữa kỳ Thứ trưởng lờ phờ cho qua...”. Chính phủ thể hiện là cơ quan chấp hành của Quốc hội, yêu cầu của Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đều lắng nghe và thực hiện.

Chính phủ quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, dành thời gian cho các kỳ họp, phiên họp để làm công tác xây dựng pháp luật. Sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ với châm ngôn “không ai bị bỏ lại phía sau”, quan tâm đến các vấn đề xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghê, môi trường, ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân được thể hiện rõ. Khi đất nước đứng trước hiểm họa, thiên tai, đại dịch, Chính phủ rất thành công trong xử lý nhanh và kiểm soát tình hình, được nhân dân trong nước đồng tình, bạn bè quốc tế ca ngợi.

“Những thành tích đạt được thuộc về sự điều hành rất nhạy bén, năng động của Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định; đồng thời bày tỏ rất ấn tượng về Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ. Nhiệm kỳ Chính phủ này, các thành viên Chính phủ đứng trước Quốc hội giải trình, báo cáo rất rõ ràng, lưu loát, tự tin, bản lĩnh và nắm rất chắc, sâu sắc vấn đề, hỏi đến đâu trả lời đến đó.

Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Thủ tướng, Chính phủ rất quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật. Chính phủ luôn thực hiện theo tư tưởng thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật rất tốt, qua đó hạn chế được tình trạng tiền trảm hậu tấu, không để lại hậu quả cho khóa sau phải xử lý. “Bản thân khóa này các đồng chí đang phải giải quyết tồn tại của khóa trước, đến giờ vẫn chưa xong. Khóa này các đồng chí làm rất tròn trịa, bảo đảm về sau không phải xử lý giải quyết hậu quả”, ông nói.

Báo cáo trước Quốc hội tại buổi khai mạc Kỳ họp thứ 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.

Tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV, các thành viên Chính phủ đã trả lời trên 2.600 câu hỏi chất vấn trực tiếp và gần 1.000 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội; trả lời, giải quyết hơn 17.700 kiến nghị của cử tri với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, cầu thị, thẳng thắn, cam kết giải quyết khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
 
Những nấc thang đánh giá của các tổ chức quốc tế cho thấy sự tiến triển vượt bậc của Việt Nam qua nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021: theo Báo cáo Hạnh phúc của Liên hợp quốc (tháng 3/2021), Việt Nam tăng 4 bậc, lên 79/149, cao hơn Trung Quốc (84), Malaysia (81). Báo cáo Phát triển Con người toàn cầu 2020 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,704, xếp thứ 117/189 quốc gia.

Năm 2020, quy mô GDP của nước ta tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã tạo ra khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP năm 2020 của Việt Nam đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore 337,5 tỷ USD, Malaysia 336,5 tỷ USD.

“Phát biểu trước Quốc hội thời điểm đầu nhiệm kỳ, tôi đã nêu, Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48. Nhưng rất tự hào là đến nay xếp hạng của nước ta đã tăng 11 bậc (vượt qua 11 quốc gia) đứng thứ 37 thế giới. Dù con đường đi lên còn đầy khó khăn, thử thách, nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng không lâu nữa Việt Nam sẽ bước sang ngưỡng thu nhập trung bình cao và gia nhập Nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào 2045”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Điều này minh chứng cho đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 12/2020 rằng, năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

* Những món nợ gửi đến kỳ sau

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tổng kết của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Không khó để so sánh lời hứa với việc làm của thành viên Chính phủ. Báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ gửi đến Quốc hội với 65 trang, hơn 38.000 chữ cũng chỉ là sự điểm lại đầu mục của những kết quả đã đạt được mà chưa thể nêu một cách cụ thể, chi tiết hết các lĩnh vực, giải đáp ngọn ngành cho từng lời hứa nhiệm kỳ. Tổng hợp lại tất cả sẽ là điều không thể. Thành quả được nêu ra để ghi nhận và tạo động lực tiếp bước trên con đường đi tới, nhưng không phải tô hồng mà quên đi những hạn chế cần khắc phục.  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn thừa nhận, một số vướng mắc trong các quy định liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài sản nhà nước, một số loại hình bất động sản mới (condotel, officetel)… chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.  Việc thực hiện 3 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế chưa như kỳ vọng. Việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu. Một số chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đi vào cuộc sống. Công tác quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, đô thị ở một số nơi còn bị buông lỏng… Những điều này đã được đại biểu Quốc hội chất vấn tại nhiều kỳ họp.

Chỉ ra điểm nghẽn về thể chế, trong đó có Luật Đất đai, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, Chính phủ chưa tập trung tháo gỡ, đề xuất, chưa tổng kết để chỉ ra những vướng mắc của luật này. Chúng ta đã sớm phát hiện ra vấn đề này từ đầu nhiệm kỳ, nhưng cả nhiệm kỳ chưa làm được.

Ông cũng cho rằng, Chính phủ chưa tạo được điểm nhấn trong đầu tư công, cả nhiệm kỳ chưa có công trình trọng điểm quốc gia nào. Dự án sân bay Long Thành tiến độ triển khai quá chậm, vắt từ nhiệm kỳ Chính phủ của Quốc hội khóa XIII sang. Bên cạnh đó là điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng chưa được tập trung tháo gỡ.

Nhớ lại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh từng khiến cả hội trường cười phải bật cười khi ông nói “tôi nhớ là phiên chất vấn của chúng tôi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có hỏi, bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan và Malaysia, Singapore. Tôi bỏ ngỏ, để lại cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời việc này. Tôi không dám trả lời”.

Ông nhận trách nhiệm là người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch “những gì đã cố gắng rồi nhưng chưa đạt được mong muốn của Quốc hội, tôi xin chịu trách nhiệm và trách nhiệm của chúng tôi sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp. Thời gian không còn nữa, làm sao bây giờ”.

Một nhiệm kỳ nữa của người kế nhiệm ông đã sắp qua đi, nhưng câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đó vẫn còn đau đáu chưa có lời giải. Vẫn còn rất nhiều trăn trở, chất vấn trên nghị trường mỗi khi Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện ngồi ghế nóng.

Cho đến giờ, mục tiêu đưa du lịch Việt Nam bằng với Thái Lan vẫn chưa thể thực hiện được, dẫu rằng Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp, tạo điều kiện phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị; năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), từ hạng 75/141 (2015) lên hạng 63/140 nền kinh tế (2019).

Đặc biệt là trong bối cảnh năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó, trong đó du lịch là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cũng phải sòng phẳng mà nói rằng, để giải quyết rốt ráo bài toán này trong một nhiệm kỳ là bất khả thi, bởi để phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị đòi hỏi cả một quá trình chuẩn bị dài hơi, đồng bộ từ thể chế, chính sách, đến cơ sở hạ tầng…

“Trong nhiều năm chúng ta làm tiền lương nhưng không xây dựng được một chính sách mới, không xây dựng được một cơ chế tiền lương để tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức. Không may, năm vừa qua tình hình khó khăn, dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt xảy ra, cũng thông cảm chung cho hoàn cảnh về kinh tế của đất nước nên chưa thực hiện được chính sách tiền lương mới”, đây là trăn trở, day dứt nhất của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trong nhiệm kỳ của mình. Chia sẻ của ông cho thấy, có những việc không thể trong nhiệm kỳ 5 năm Bộ trưởng làm được, mà nhiều nhiệm kỳ nữa, chúng ta vẫn phải tiếp tục đổi mới, không thể dừng lại ở kết quả nào đó.

Ai cũng mong mọi thứ đều tròn trịa, mọi lời hứa được thực hiện trọn vẹn, nhưng, nói như Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy, mong muốn, đòi hỏi của cử tri bao giờ cũng cao hơn, đạt được nấc này, lại muốn phấn đấu lên nấc khác, có như vậy mới có sự tiến bộ và phát triển.

Chu Thanh Vân - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm