20/02/2025 19:13 GMT+7 | Giải trí
Là gương mặt tiềm năng của màn ảnh Việt, Trần Nghĩa nhận về sự quan tâm của đông đảo khán khi đảm nhận nhiều vai diễn trong các bộ phim ăn khách.
Trần Nghĩa sinh năm 1993, tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện Ảnh Hà Nội. Theo nam diễn viên, sự khác biệt trong mỗi vai diễn cuốn hút anh một cách mạnh mẽ. Anh chia sẻ: "Từ trước tới giờ, tôi luôn muốn tìm cho mình những vai diễn có màu sắc mới để vừa có cơ hội khám phá bản thân, vừa khiến cuộc sống của mình thêm phần thú vị".
Cùng điểm lại những vai diễn nổi bật của diễn viên Trần Nghĩa.
Vai Nguyên - Cha tôi, người ở lại
Trở lại với dự án mới của VTV, Trần Nghĩa vào vai Nguyên - anh lớn trong gia đình có ba anh em không cùng huyết thống và hai ông bố. Dù không phải máu mủ, nhưng Nguyên, Việt, An thân thiết như người nhà. Họ lớn lên trong tình yêu thương của ông Chính và ông Bình.
Tuy nhiên, khi trưởng thành, Nguyên và Việt buộc phải rời xa gia đình. Sau 6 năm xa cách, khi đoàn tụ, những tổn thương và hiểu lầm dần được hàn gắn, khẳng định rằng dù cuộc đời có đổi thay thế nào, những người cha vẫn luôn là điểm tựa vững chắc cho con cái.
Poster "Cha tôi người ở lại". (Ảnh: FBNV)
Với vai diễn này, Trần Nghĩa cùng với 2 diễn viên Hoàng Huyền, Thái Vũ phải thể hiện nhân vật ở hai giai đoạn khác nhau: trước là những cô câu học sinh ngây thơ, trong sáng 16-17 tuổi, sau là khi đã trưởng thành và có những trải nghiệm trong cuộc sống của những bạn trẻ 22-23 tuổi.
Dù bộ phim mới lên sóng, nhiều khán giả đánh giá vai Nguyên do diễn viên sinh năm 1993 thủ vai nặng về tâm lý vì nhân vật này trong quá khứ bị mẹ bỏ rơi và chịu ám ảnh đến mãi sau này...
Vai Nhân - Nhà trọ Balanha
Xuất hiện trong Nhà trọ Balanha, Trần Nghĩa đảm nhận vai Nhân – một biên kịch trẻ hiền lành, ngốc nghếch nhưng dễ thương, trong sáng. Cậu em út luôn đứng ra phân giải mọi hiểu lầm của 2 người anh Lâm và Bách.
Nhân có mối tình say đắm với Mai, đây là một tình yêu mù quáng khiến anh bị lừa số tiền 300 triệu đồng. Dù vậy, Nhân vẫn đối xử rất tốt với Mai và chỉ tự hỏi vì sao cô lại đối xử với anh như vậy.
Poster "Nhà trọ Balanha". (Ảnh: Internet)
Chia sẻ về vai diễn, Trần Nghĩa từng nói rằng: "Trong câu chuyện ở Nhà trọ Balanha, mình không phải trung tâm nhưng lại góp phần giúp cho những vai kia tốt hơn, thú vị hơn. Bản thân mình cũng được sáng tạo nhiều hơn. Tôi chọn sự sáng tạo, thay vì cứ mãi một màu. Tôi không ngại mình ít đất diễn, chỉ cần làm tốt những gì mình có".
Vai diễn này của Trần Nghĩa có nhiều tình huống hài hước. (Ảnh: Internet)
Vai Ngạn - Mắt biếc
Trần Nghĩa trong Mắt biếc lại trở thành một thầy giáo điển trai, si tình. Thầy Ngạn phải lòng cô bạn có đôi mắt buồn, cũng buồn như chính câu chuyện tình yêu đơn phương của anh.
Ngạn có thể hơi yếu đuối ở sự thể hiện bề ngoài nhưng thực ra anh là người có một tấm lòng đủ vững để vượt qua mọi nỗi đau khổ trong tình yêu. Thậm chí, thầy giáo làng Đo Đo sẵn sàng chăm sóc con gái của người mình yêu mà không cần nhận lại bất cứ sự báo đáp nào.
Vai Ngạn trong "Mắt biếc" là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Trần Nghĩa, giúp anh được đông đảo công chúng biết đến. (Ảnh: Internet)
Nam diễn viên ghi dấu với hình tượng một chàng trai có vẻ ngoài thư sinh, gương mặt ưa nhìn. (Ảnh: Intenret)
Vai Tùng - Chúng ta của 8 năm sau
Trong Chúng ta của 8 năm sau phần 1, Nghĩa vào vai Tùng - người có tính cách "tưng tửng", nói nhiều và không ngại nói nhảm, có tính lăng nhăng, ngoại tình.
Theo nam diễn viên, nhân vật Tùng có tính cách trái ngược hoàn toàn với mình ở ngoài đời. Chính vì thế, Trần Nghĩa phải cố gắng thay đổi để hóa thân vào vai diễn. Anh chia sẻ: "Tôi thử đi thử lại, tập luyện làm sao để khán giả không còn nhớ tới Ngạn hay Trần Nghĩa, mà chỉ nhìn thấy Tùng, một nhân vật đáng ghét thật sự. Sau hơn 10 tập phát sóng, nhiều khán giả nhắn tin cho tôi nói họ không còn nhìn thấy Ngạn ở đâu, chỉ thấy một con người khó ưa từ điệu bộ, cách đi đứng và nói chuyện".
Trần Nghĩa nên duyên với Hoàng Huyền trong "Chúng ta của 8 năm sau". (Ảnh: FBNV)
Quốc Anh - Hoàng Hà - Hoàng Huyền - Trần Nghĩa được khán giả đón nhận tích cực. (Ảnh: FBNV)
Vai Long - Đội điều tra số 7
Trong bộ phim lấy chủ đề hình sự Đội điều tra số 7, khán giả dần bị cuốn vào câu chuyện của nhân vật Long do Trần Nghĩa thủ vai. Long là gia sư dạy học cho bé Nấm, con chị Lan (Vân Anh) nhưng lại nảy sinh mưu đồ bắt cóc tống tiền do vướng vào nợ nần chồng chất, không có khả năng chi trả.
Tạo hình tri thức "lưu manh" của Trần Nghĩa trên phim. (Ảnh: Internet)
Vì muốn cứu em gái khỏi tay chủ nợ, hắn đã bắt cóc mẹ con chị Lan để tống tiền. Hắn yêu cầu 2 tỷ tiền mặt, kèm theo đó là một chiếc xe taxi, có tài xế không phải là công an. Từ đó, nhiều tình tiết đấu trí, cân não giữa đội điều tra và kẻ thủ ác liên tiếp diễn ra.
Một vài phân cảnh trong phim. (Ảnh: Internet)
Được biết, vụ án bắt giữ con tin trong Đội điều tra số 7 lấy cảm hứng từ cuộc giải cứu con tin có thật, xảy ra năm 1999 và nạn nhân là một cháu bé người Nhật. Đây là vụ bắt cóc trẻ em là người nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam. Những tình huống nguy hiểm, quá trình truy bắt tội phạm gay cấn khiến vụ án này trở thành cuộc giải cứu con tin kinh điển, gây rúng động dư luận một thời.
Màn nhập vai mới của Trần Nghĩa nhận được sự tán thưởng của người xem. Khác hẳn với hình tượng "boy si tình" Ngạn trong Mắt biếc hay Tùng "thư sinh" trong Chúng ta của 8 năm sau, lần trở lại này, diễn viên sinh năm 1993 bộc lộ rõ sự túng quẫn, không còn đường lui khi bị chủ nợ liên tục thúc ép. Đây được đánh giá một vai diễn "lột xác" so với các vai diễn trước đây anh từng đảm nhận.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất