SEA Games 2021: Nếu chỉ là Hà Nội...

10/07/2015 14:39 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Không thể phủ nhận rằng chính thành công của Thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 đã khiến cái nhìn về sân chơi này trở nên bớt... méo mó hơn! Thậm chí, SEA Games còn trở nên có giá hơn khi nó mở ra những cơ hội tranh chấp mới hơn, cao hơn cho thể thao nước nhà.

Đó cũng chính là lý do tại sao, trong và ngay sau SEA Games 28 tại Singapore, kỳ Đại hội thứ 31 nhiều khả năng diễn ra tại Việt Nam vào năm 2021 đã nhận được nhiều sự quan tâm. Trong đó mối quan tâm lớn nhất chính là việc SEA Games 231 sẽ được giao cho địa phương nào tổ chức.

Đổi mới và tiết kiệm

Thực ra thì câu chuyện lần thứ hai là chủ nhà ngày hội thể thao lớn nhất khu vực của Việt Nam được đề cập từ tháng 3 năm nay khi ônng Chris Chan - Chủ tịch Ủy ban Thể thao và luật của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF)  đã có thư gửi Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Tuấn Anh về việc xác nhận tổ chức SEA Games 2021.

Theo trình tự của SEAGF, sau SEA Games 22 năm 2003 thì phải tới SEA Games 32 năm 2023 mới đến lượt Việt Nam đăng cai tổ chức. Tuy nhiên, do Ủy ban Olympic Campuchia đã xin phép được tổ chức kỳ Đại hội này, nên SEAGF đề nghị Việt Nam đăng cai sớm hơn hai năm (năm 2021).

Đăng cai tổ chức SEA Games là nghĩa vụ và trách nhiệm của các quốc gia thành viên SEAGF, đồng thời cũng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy thể thao thành tích cao. Trên cơ sở này, vào tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam trên tinh thần đổi mới. 

Trong đó, xác định rõ số môn và nội dung thi đấu của từng môn, bảo đảm phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đồng thời gắn kết với chương trình thi đấu của Thế vận hội (Olympic) và Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD); làm rõ nội dung đào tạo vận động viên để tham dự SEA Games 31.

Đặc biệt, về cơ sở vật chất phục vụ Đại hội, Thủ tướng yêu cầu không đầu tư xây dựng mới từ nguồn ngân sách nhà nước, chủ yếu tận dụng cơ sở vật chất sẵn có và nâng cấp, sửa chữa (nếu cần thiết).

Cái khó...

 Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Tổng cục TDTT đang tiến hành xây dựng đề án đăng cai SEA Games 31 để trình Bộ VH-TT&DL vào cuối tháng 7. Sau đó, Bộ sẽ xin ý kiến các bộ, ngành liên quan rồi trình Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo trước khi xin ý kiến Bộ Chính trị. Nếu được thông qua, Ủy ban Olympic Việt Nam sẽ có ý kiến chính thức về việc đăng cai SEA Games 31 tại cuộc họp Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á tổ chức tháng 4/2016.

 Đó là về lộ trình, nhưng trên thực tế, căn cứ vào phát biểu với báo giới của lãnh đạo ngành TDTT tại Hội nghị tổng kết của ngành VH-TT&DL mới đây, thì việc đăng cai SEA Games 31 đang có sự thay đổi lớn.

Cụ thể, khi khả năng lần thứ hai là chủ nhà Đại hội thể thao khu vực, không chỉ giới chuyên môn, các nhà quản lý mà cả người hâm mộ trong cả nước "đều nghĩ" đưa SEA Games về với thành phố Hồ Chí Minh. Lý do thì dễ hiểu, Hà Nội đã đăng cai tổ chức kỳ SEA Games 22 cùng nhiều Đại hội thể thao quốc tế lớn, trong khi TP.HCM - trung tâm kinh tế, xã hội lớn nhất của cả nước đang có xu hướng tụt lại do những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan trong lĩnh vực TDTT.

Hơn thế, cùng với trào lưu phát triển chung của thể thao khu vực, việc đưa SEA Games về "vùng sâu, vùng xa" nhằm kích cầu phong trào phát triển, thì rõ ràng, tổ chức tại TP.HCM cũng hoàn toàn phù hợp.

Chỉ có điều, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nói chung và chính Việt Nam nói riêng vẫn chưa "hạ nhiệt", cùng chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Chính phủ về việc "không đầu tư xây dựng mới từ nguồn ngân sách nhà nước" đã khiến TP.HCM trở thành "phương án hai" so với Hà Nội mà cũng theo lời phát biểu của lãnh đạo ngành TDTT trên mặt báo là: "Tổ chức ở Hà Nội sẽ tiết kiệm hơn bởi nơi đây đã có sẵn cơ sở vật chất, chỉ phải bảo dưỡng. Nếu tổ chức ở TP.HCM, chúng ta sẽ phải xây dựng thêm rất nhiều như sân vận động đủ tiêu chuẩn, trường bắn súng…”.

Nhưng nếu chỉ là Hà Nội...

Nếu chỉ lấy lý do tiết kiệm cho việc tổ chức các đại hội thì rõ ràng vào thời điểm hiện nay (và có lẽ trong thời gian dài nữa khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu còn chưa chấm dứt) rõ ràng là Hà Nội luôn là sự lựa chọn số 1. Cũng nhờ SEA Games, mà cụ thể là SEA Games 22 năm 2003, diện mạo cơ sở vật chất thể thao Thủ đô có sự thay đổi toàn diện với sự ra đời của Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình - nơi không chỉ tổ chức SEA Games năm 2003 mà còn nhiều Đại hội thể thao quốc tế lớn khác, thậm chí là tầm châu lục như Đại hội thể thao trong nhà châu Á - Asian Indoor Games lần thứ III năm 2009.

Nhưng nếu các đại hội thể thao quốc tế chỉ được tổ chức tại Hà Nội... thì rõ ràng đó cũng là sự bất cập lớn trong sự phát triển chung của cả nền thể thao quốc gia. Với vị thế của mình, thành phố mang tên Bác hoàn toàn xứng đáng là điểm tổ chức chính của các sự kiện thể thao ở tầm quốc gia và quốc tế. Trên thực tế, TP.HCM cũng đã từng tổ chức thành công Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V năm 2006 và ngay cả SEA Games 2003 hay Asian Indoor Games III, thành phố cũng đảm trách tổ chức thi đấu thành công nhiều môn trong chương trình thi đấu.

Theo nhiều cán bộ quản lý chuyên môn, hiện cái thiếu nhất trong hệ thống cơ sở vật chất TDTT của TP.HCM chỉ đơn thuần là 1 SVĐ hiện đại có quy mô lớn thay cho sân Thống Nhất đã quá cũ và nằm trong khu vực trung tâm. Còn lại, hệ thống các nhà thi đấu trong khu vực thành phố nếu tiến hành nâng cấp kết hợp với các đơn vị, tỉnh thành vệ tinh hoàn toàn có thể tổ chức hàng chục môn trong chương trinh thi đấu dự kiến.

Cuối cùng, trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đăng cai SEA Games 31 cũng nêu yêu cầu - Tăng cường tối đa nguồn xã hội hóa. Đây là bước gợi mở quan trọng cho thể thao thành phố mang tên Bác trong việc cải thiện, nâng cao hệ thống cơ sở vật chất TDTT không chỉ với SEA Games 2021 mà cả với tương lai. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể thao hiện đại, đáp ứng các yêu cầu chuyên môn - Cách làm này không chỉ phù hợp với tiến trình phát triển chung của thể thao quốc tế, mà còn phủ hợp với chủ trương xã hội hóa thể thao.

Còn đối với bản thân người viết - Nhân bàn về việc đăng cai tổ chức SEA Games và sự phát triển chung của Thể thao Việt - lại nhớ đến 1 câu chuyện cũ - Câu chuyện đổi đất lấy công trình, từng một thời được nhiều cán bộ quản lý thể thao rất tâm đắc mà cụ thể là đổi các công trình thể thao đã cũ nay nằm trong các khu "đất vàng đô thị" lấy các công trình hiện đại hơn ở ngoại ô! Tiếc là cách làm ấy sau không được nhắc đến nhiều nữa.

Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm