(TT&VH) - Chưa hiểu chiến thuật theo đuổi John Terry xuất phát từ ai ở Manchester City. Nhưng chắc chắn, đó lại là một nước cờ cao, nằm trong kế hoạch phát triển đội bóng vùng Eastlands của các ông chủ Ả rập. Trước một hợp đồng bị đánh giá là rất khó để thành công, Man xanh vẫn đã thực hiện những nước đi rất chuẩn, để nếu không thắng, thì cũng trở thành kẻ chiến bại được ngưỡng mộ nhất.
Lần thứ 3 trong vòng chưa đầy 1 năm, Man City không hề đưa ra một lời đề nghị chung chung, theo kiểu “lấy số” với các đại gia Premiership. 2 cuộc chiến song song đã được hình thành: 1, Thuyết phục Chelsea với những mức giá leo thang theo cấp số cộng (25, 30, rồi 35 triệu bảng). Và 2, đưa nhân vật chính trở thành tâm điểm của sự ngưỡng mộ, với mức lương kỷ lục thế giới (200.000 bảng/tuần). Dễ thấy, Man City đã xem Terry như một chiếc chìa khoá vàng cho thành công của họ trong tương lai. Không chỉ ở phương diện chuyên môn đơn thuần, mà còn cả ở tính hình tượng, một viên gạch quan trọng tạo nên sự chuyển biến về hình ảnh của đội bóng.
Mark Hughes thực sự muốn có Terry trong đội hình Man City?
CLB thành Manchester hiển nhiên có rất nhiều tiền. Nhưng dễ thấy, do xuất phát điểm quá thấp, khả năng thành công của họ trong các phi vụ lớn là không cao. Thêm vào đó, Man xanh cũng chưa được đánh giá cao trong việc vận động hành lang đối với những nhân vật sừng sỏ. Đó là lý do giải thích thất bại của họ với Kaka, và đang gặp khó khăn trong vụ Eto’o. Tuy vậy, họ không dễ bỏ cuộc.
Chelsea đã và đang xem Terry là nhân vật bất khả xâm phạm. Không hề quá lời nếu nói anh chính là biểu tượng của đội bóng áo xanh. Với các CĐV ở Stamford Bridge, Terry là trung vệ hay nhất thế giới. Nhưng quan trọng hơn, anh lại là đội trưởng và là người đã trưởng thành từ chính Chelsea (gia nhập đội trẻ từ năm 14 tuổi). Nếu Abramovich có thiếu tiền, ông có thể bán đội bóng. Chứ đừng ai dại dột tạo nên những cơn cuồng nộ từ London, nếu bán Terry.
Vậy thì vì sao Man City vẫn cứ theo đuổi cái bóng của đội trưởng Chelsea? Có thể hiểu, họ muốn có một lời cảnh báo đầy sức mạnh trên nước Anh, bằng những tuyên bố gây sốc. Hoặc đơn giản hơn, họ đã đánh hơi được điều gì đó về khả năng thành công với Terry. Điều đầu tiên thì sẽ không làm ai ngạc nhiên. Chẳng khác nào cuộc liên hệ đình đám với Kaka trong mùa Đông, Man xanh đang đầy hứng khởi dưới con mắt thán phục của Premiership. Vâng, họ có thể sẽ lại thua. Nhưng ít nhất, người Ảrập cũng đã chứng minh được: Không gì là không thể!
Ở một khía cạnh khác, những thông tin về việc Terry chưa có bất cứ sự liên hệ nào cùng tân HLV trưởng Carlo Ancelotti, cũng có thể là một tín hiệu đèn xanh. Hiện mức lương của Terry vẫn đang là 140.000 bảng/tuần, ai dám chắc anh không cảm thấy bị dao động, khi Chelsea vừa lắc đầu quầy quậy về phía Eastlands, lại vừa im lặng trong việc... tăng lương?
Phải, với Terry, tiền không phải là tất cả (mà cũng chẳng ai dại gì ra đi với cái mác kẻ ham tiền). Nhưng đồng tiền vẫn có quyền lực riêng của nó, nếu như được đặt đúng thời điểm. Ở nước Anh, chuyện này chẳng hiếm. Từ Vieira tới Henry, từ Ashley Cole tới Ronaldo... tất cả đều đã tạo ra tiền lệ. Vì thế, Man City sẽ càng có cớ để theo đuổi đến cùng cuộc chơi này.
Man City đã có những hợp đồng rất tốt trong mùa hè này. Nhưng tất cả số đó, cộng thêm cả Tevez hay Eto’o đi chăng nữa, vẫn không thể bằng Terry. Sau 1 năm thất bát, vấn đề của Mark Hughes đã rõ: Ông thiếu một thủ lĩnh, chứ không phải là một ngôi sao đơn thuần.
Lựa chọn hay nhất của Terry có lẽ sẽ là im lặng chờ đợi, bởi những thú vị từ lời đề nghị của Man City là có thật. Nhưng Chelsea thì không thể lặng thinh. Man City đang ngày càng nguy hiểm, và không ai biết những nước cờ đầy toan tính của họ sẽ đưa chiến cuộc tới đâu.
Yến Thanh