12/09/2022 06:09 GMT+7 | V-League
Thực trạng bạo lực ở V- League không phải vấn đề mới nhưng chưa bao giờ cũ vì cứ "đến hẹn lại lên”. Chính những pha bóng bạo lực, hành vi tiểu xảo đã phần nào làm mất đi hình ảnh đẹp mà V-League 2022 đang cố gắng dựng xây.
Chúng ta có thể vui mừng trước rất nhiều biến chuyển tích cực của giải chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những điểm yếu cốt tử vẫn còn đó, sẵn sàng đưa con thuyền chuyên nghiệp quay ngược: sự yếu kém trọng tài; bạo lực sân cỏ; pháo sáng và biểu hiện không chuẩn mực ở một số nhóm CĐV.
Nhìn tổng thể, V-League 2022 đang diễn ra hấp dẫn với những trận đấu có chất lượng chuyên môn tốt cùng sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đội bóng ở cả 2 đầu BXH. Tuy vậy, những hành vi bạo lực lại xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt trong các vòng gần đây. Các pha đá rắn quá mức cần thiết cùng cả những tiểu xảo, hành vi phi thể thao trở lại dày đặc hơn.
Đó còn từ những HLV lao vào sân phản ứng, CĐV xuống tận đường pitch để phun nước bọt vào mặt trọng tài. Tất cả đã tạo ra gam màu tối cho giải đấu. Phía trước, ở chặng về đích, V-League hứa hẹn sẽ nóng hơn bao giờ hết. Vì vậy, BTC giải đấu phải “cẩn thận củi lửa” để tránh đi vào vào những “vết xe đổ” đã từng có trong quá khứ.
Nhớ lại, V-League từng một thời bị mang tiếng "võ League" vì nạn bạo lực, với những pha bóng triệt hạ nhau nhan nhản khắp mọi sân bóng. Bóng đá Việt Nam cũng từng chứng kiến nhiều ca chấn thương kinh hoàng như trường hợp của Trần Anh Khoa hay Đỗ Hùng Dũng.
Với tư tưởng "chơi quyết liệt, chơi rắn" để vừa dằn mặt cũng như khiến cho đối thủ rụt rè của nhiều cầu thủ là nguyên nhân chính khiến thực trạng bạo lực ở V-League vẫn còn tồn tại nhiều năm qua. Tư tưởng này được nhiều HLV tuyến trẻ ở các CLB nhồi vào học trò, trở thành một lối mòn trong công tác đào tạo của bóng đá Việt Nam. Cho dù, đã có không ít bài học nhãn tiền cùng án phạt được BTC đưa ra trong quá khứ nhưng tình trạng trên vẫn chưa hề suy giảm.
Giới chuyên môn nhận định rằng, những hành vi bạo lực của bóng đá Việt Nam không mang tính chất tự phát. Nghĩa là, mọi thứ ăn sâu vào trong cách nghĩ của các cầu thủ, sẵn sàng bung ra khi hoàn cảnh thích hợp xuất hiện. Các đội bóng, mỗi cầu thủ phải rạch ròi giữa đá cống hiến, quyết liệt với đá xấu, triệt hạ ngay từ khâu đào tạo trẻ, từ những người thầy. Có vậy, bóng đá nước nhà mới dần bớt đi những hình ảnh xấu xí. Phải làm sao để triệt tiêu ý định chơi bóng bạo lực từ trong trong suy nghĩ của cầu thủ mới mong giải quyết tận gốc vấn đề.
Hơn hết, các cầu thủ phải “trọng nghề”. Các cầu thủ cần xây dựng ý thức chơi bóng chuyên nghiệp, chơi đẹp, giữ cho mình cái đầu lạnh, một khi biết quý trọng đôi chân “kiếm cơm” của mình sẽ biết “ nâng niu” đôi chân của đồng nghiệp. Đó chính là cách bảo vệ bản thân cũng như tạo nên những trận đấu hay, sạch sẽ.
Thêm môt nguyên nhân nữa khiến thực trạng bạo lực ở V- League cứ thế xảy ra khi các “vua sân cỏ” không có sự mạnh tay cần thiết. Trong những nỗi lo thì khâu trọng tài vẫn là ám ảnh nhất. Ban trọng tài thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quản lý, nên họ không thể tiếp tục bàng quan, đổ lỗi sự yếu kém do hoàn cảnh.
Cũng chính từ điều đó, đội ngũ trọng tài cần nhìn lại mình khi nhiều ông vua sân cỏ chưa có đủ độ nghiêm và minh. Chính bản thân trọng tài mới tự tạo ra hàng rào “miễn nhiễm” để bảo vệ bản thân. Điều đó phải xây dựng trên năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Như thế, mới mong tạo ra niềm tin, tạo ra bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ trọng tài Việt Nam.
Tựu trung lại, muốn V- League được nâng tầm, trước hết phải từ chính ý thức của những ai đang tham gia lĩnh vực bóng đá, phải luôn hành động và cổ vũ cho những hành động đẹp trên sân cỏ. Nếu như từ ý thức, tư duy của họ còn chưa ở độ chuyên nghiệp thì làm sao V- League thực sự ở tầm dù đã trải dài 22 năm.
Trần Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất