28/03/2016 11:26 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa công bố kết quả đăng ký dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Theo đó, môn lịch sử lại đứng “đội sổ” số lượng thí sinh đăng ký dự thi.
Theo số liệu của Sở, chỉ có gần 7.000 (trên tổng số 66.000 thí sinh dự thi) đăng ký dự thi môn lịch sử. Đáng chú ý, có nhiều trường không có thí sinh đăng ký môn lịch sử như: Trường THPT Lương Thế Vinh, THPT Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm), THPT Sóc Sơn, THPT Wellspring. Trước đó, theo thống kê năm 2015, môn lịch sử cũng chiếm tỷ lệ thí sinh đăng ký thấp nhất trên toàn quốc, chỉ 15,3%.Vai trò quan trọng của môn lịch sử với mỗi cá nhân cũng như một cộng đồng người là điều không phải tranh cãi. Những nguyên nhân khiến môn sử trở thành nỗi buồn của mỗi kỳ thi cũng đã được phân tích nhiều.
Cả hệ lụy của việc lơ là môn sử ảnh hưởng tới xã hội cũng được mổ xẻ kỹ. Nhưng, giải pháp giải quyết vấn đề vẫn chỉ là những đề xuất mang tầm vĩ mô, khó áp dụng trong một sớm một chiều.
Giữa bối cảnh ấy, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã có động thái tích cực: Mở cuộc tranh biện lịch sử dành cho người trẻ Việt. Chủ đề: Tranh biện lịch sử về “Nhà Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam, thế kỷ XVI - XVII”. Buổi tranh biện diễn ra chiều qua (27/3) tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội).
Buổi tranh biện gồm 2 phần. Phần 1: Tranh biện về kiến nghị: “Nhà Mạc là triều đại có công đối với dân tộc Việt Nam”. Trong phần này, buổi tranh biện có hai đội chơi đưa ra hai quan điểm khác nhau. Một đội ủng hộ, một đội phản đối kiến nghị trên. Đội nào bảo vệ quan điểm của mình tốt hơn sẽ giành phần thắng.
Phần 2: giao lưu, chia sẻ với khán giả về chủ đề “Vai trò của nhà Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI, XVII”. Ngoài hai chuyên gia sử học với vai trò BGK, cuộc tranh biện hoàn toàn là “sân chơi” của người trẻ.
Trước cuộc tranh biện này, vấn đề “công- tội nhà Mạc” đã có tới 4 cuộc hội thảo khoa học quy tụ những nhà khoa học hàng đầu. Và việc đặt tên phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông ở Hà Nội cũng là kết quả đã ngã ngũ của các hội thảo.
Nên, không lạ khi buổi tranh biện không có nhiều thông tin mới. Càng không bất ngờ khi những người trẻ tham gia một cuộc tranh biện về vấn đề lịch sử có phần thiếu kỹ năng phản biện. Bởi, đây là cuộc tranh biện lịch sử đầu tiên của người trẻ. Trước đó, họ chỉ lên lớp, chép bài và học thuộc những gì ghi trong SGK.
Song, trong khán phòng chật ních những người trẻ, bao trùm lên trên những sự non nớt là một không khí lịch sử sôi động. Lịch sử về vương triều Mạc được khơi gợi qua từng lớp lang lớn nhỏ cùng những góc nhìn trái ngược.
Và, buổi tranh biện đã thành công khi khơi gợi cảm hứng với lịch sử của người trẻ. Nó cũng khiến người trẻ thêm tự tin rằng lịch sử không chỉ dành cho những người già thích trầm ngâm thế sự. Lịch sử dành cho tất cả mọi người với những vốn sống khác nhau, góc nhìn khác nhau.
Hơn hết thảy, qua sự kiện, người trẻ hiểu, lịch sử không chỉ là những con số khô khan, với những tên nhân vật trong khoảng thời gian xa tắp. Lịch sử là những câu chuyện đầy hấp dẫn, sống động.
Buổi tranh biện cũng cung cấp góc nhìn và cách tiếp cận khác về việc dạy- học sử trong nhà trường. Rằng học sinh đang rất cần khơi gợi cảm xúc với lịch sử hơn là những kiến thức mang tính “nhồi nhét”. Hay nói như Albert Einstein: “Học sinh không phải là một thùng chứa cần bạn phải lấp đầy mà là một ngọn đuốc cần bạn thắp sáng”.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất